Để học online không bị nghẽn mạng

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh TPHCM học trực tuyến năm học 2021- 2022
Học sinh TPHCM học trực tuyến năm học 2021- 2022
TP - Hai tuyến cáp quang biển gặp sự cố đúng thời điểm nhiều địa phương triển khai dạy và học trực tuyến khiến nhiều học sinh, phụ huynh, người làm việc online chật vật vì mạng chậm, nghẽn.

Với hơn 700.000 tài khoản của học sinh trung học, thầy cô giáo ở TPHCM cùng truy cập, nhiều thời điểm, các hệ thống dạy và học trực tuyến đã bị tắc nghẽn.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM), cho biết, nhiều lớp học của trường ghi nhận sự cố với hệ thống K12 online.

Sau một hồi loay hoay không mở được lớp trên K12, thầy Bảo đành mở lớp qua MS Teams cho học sinh học tạm. Theo thầy Bảo, các lớp trên K12 sau đó mở được nhưng học nửa chừng thì hệ thống yếu, học sinh hay bị “văng” ra ngoài.

Dung lượng kết nối quốc tế giảm mạnh

Đại diện Viettel cho biết, Việt Nam đang bị ảnh hưởng đồng thời hai sự cố cáp quang biển. Ngày 19/7, tuyến cáp AAG xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H (từ trạm cập bờ Vũng Tàu ra trục quốc tế) gây gián đoạn toàn bộ dịch vụ kết nối quốc tế trên tuyến cáp này.

Ngày 20/8, việc sửa chữa được hoàn thành nhưng ngay sau đó lại phát sinh thêm lỗi khác trên phân đoạn S1B (từ Hong Kong đi Singapore), dự kiến đến ngày 26/9 mới hoàn thành sửa chữa.

Ngày 4/9, tuyến cáp AAE-1 xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H gây gián đoạn dung lượng kết nối từ Việt Nam đi Singapore và châu Âu. Hiện chưa có lịch sửa chữa cụ thể.

Theo đánh giá của đại diện một nhà cung cấp, sự cố trên ảnh hưởng khoảng 20% dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của các nhà mạng.

Hỗ trợ học sinh thiếu thiết bị

Ngày 7/9, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất UBND TPHCM thành lập ban chỉ đạo tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn tài trợ xã hội giúp hơn 72.000 học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến. Trong đó, 15.000 máy tính được kêu gọi từ doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân. Sở sẽ vận động công ty dịch vụ viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước rẻ cho học sinh. Ngoài ra, khoảng 40.000 thiết bị cũ được kêu gọi từ phụ huynh và nhà hảo tâm, trường đại học góp. Khoảng 30.000 thiết bị còn lại được kêu gọi từ các gói vay ưu đãi, mua trả góp của ngân hàng, siêu thị điện máy. Sở GD&ĐT TPHCM cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lãi suất vay trả góp phù hợp (lãi suất bằng 0) đối với phụ huynh học sinh có nhu cầu mua trả góp máy tính, điện thoại thông minh… cho học sinh trực tuyến, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 24 tháng.

AAE-1 và AAG là 2 trong 5 tuyến cáp quang biển quan trọng, chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với các tuyến APG, IA và SMW3.

Hai tuyến cáp quang này cùng bị sự cố ảnh hưởng đến tốc độ truy cập website quốc tế tại một số thời điểm trong ngày, nhất là việc truy cập các ứng dụng phổ biến như Gmail, YouTube, Facebook... Riêng kết nối Internet trong nước vẫn diễn ra bình thường.

Trong khi đó, theo ghi nhận của các nhà mạng, từ ngày 6/9, khi nhiều địa phương triển khai dạy và học trực tuyến, nhu cầu sử dụng Internet cố định tăng đột biến.

Đại diện VNPT cho hay, thời điểm khai giảng sáng 5/9 và ngày đầu tiên của năm học mới (6/9), lưu lượng sử dụng các nền tảng trực tuyến như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom… tăng gấp 4 lần so với các ngày trước đó.

Có thể dùng ứng dụng nội địa

Đại diện Viettel nói rằng, để giảm thiểu tác động của hai sự cố trên, nhà mạng này đã định tuyến lại, tối ưu lưu lượng qua các tuyến cáp biển khác như TGN-IA, APG và cáp đất liền kết nối đi quốc tế, đồng thời lên kế hoạch bổ sung dung lượng trên cáp APG.

Theo đại diện VNPT, nhà mạng này đã ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng để đảm bảo cho các dịch vụ học tập trực tuyến, họp, hội thảo online. “Đến chiều ngày 6/9, lưu lượng trên mạng lưới của VNPT đã đảm bảo lưu thoát, ổn định phục vụ khách hàng”, đại diện VNPT chia sẻ.

Theo chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Mạnh Hưng, để tối ưu hóa tốc độ, khi tập trung làm việc, học trực tuyến, người nhà nên hạn chế sử dụng các dịch vụ ngốn nhiều băng thông như xem phim, chơi game trực tuyến.

Với các gia đình có nhiều người làm việc, học tập trực tuyến, nên luân phiên để hạn chế nhu cầu tăng đột biến tại một thời điểm.

Ngoài ra, nên dùng mạng dây thay vì wifi để có kết nối tốt và ổn định hơn. Những gia đình có nhu cầu sử dụng nhiều nên đăng ký các gói cước có băng thông cao.

Các cơ quan, đơn vị, trường học, bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng họp, học trực tuyến của nước ngoài, có thể cân nhắc dùng sản phẩm, dịch vụ của các nhà cung cấp trong nước.

“Khi gặp sự cố cáp quang biển, các kết nối Internet trong nước sẽ không bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc dùng các nền tảng trong nước sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn nền tảng nước ngoài”, chuyên gia Hưng nói.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, Sở đã đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, chấp thuận bổ sung 2 server với cấu hình mạnh; điều chỉnh, nâng cấp 1 server trước ngày 15/9.

Sở GD&ĐT cũng đã làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM, đơn vị phối hợp Sở triển khai phần mềm LMS, để nâng cấp hệ thống, mở rộng băng thông đường truyền. Riêng về phần mềm K12 online, do máy chủ Viettel quản lý, Sở đã làm việc với Viettel để phối hợp, có giải pháp kỹ thuật sớm nhất.

“Với số lượng người truy cập quá lớn cùng một lúc, các phần mềm rất dễ bị quá tải. Trước mắt, các trường, giáo viên, học sinh có thể khai thác, chuyển đổi hệ thống dạy học trực tuyến với các phần mềm còn lại đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành để dạy học trong thời gian tới”, ông Hiếu nói.

MỚI - NÓNG