Dè dặt tuyển sinh khuyết tật

Dè dặt tuyển sinh khuyết tật
TP - Bắt đầu từ mùa thi tuyển sinh 2011, Bộ GD&ĐT khai thông con đường mới cho việc tuyển sinh người khuyết tật vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, hành trình đến trường ĐH của họ còn rất gian nan.

Theo Thông tư số 11/2011/TTBGDĐT của Bộ GD&ĐT: Đối với thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học. Các học sinh nhẹ hơn mức kể trên được coi như là thí sinh bình thường khác và vẫn phải dự thi.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Thí sinh khuyết tật nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh bình thường như tất cả các học sinh khác và theo đúng hạn quy định của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh khuyết tật không cần thiết phải liên lạc với trường để trình bày tình trạng sức khỏe của mình. Các trường ĐH, CĐ có trách nhiệm tổ chức thi tuyển sinh cho các thí sinh. “Các trường không được quyền từ chối các thí sinh khuyết tật”, ông Bùi Văn Ga còn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, rất nhiều trường đã trả lời không tuyển thí sinh khuyết tật. Ông Đinh Việt Hải, Phó phòng Đào tạo trường ĐHKH Xã hội&Nhân văn (ĐH Quốc gia HN) nói: “Trường hiện chưa có chương trình đào tạo dành cho người khiếm thính, khiếm thị”. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN cho biết, mọi năm cũng có một vài thí sinh khuyết tật theo học. Tuy nhiên, năm nay chưa có chủ trương, “nhà trường sẽ bàn bạc về vấn đề này”. Trong khi, ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải HN giải thích: “Vì đặc điểm nghề nghiệp, trường chúng tôi không đào tạo người khuyết tật”.

Tìm hiểu ở nhiều trường ĐH, chỉ có hai trường có kế hoạch tuyển thí sinh khuyết tật. ĐH Bách khoa HN đã xét tuyển (không phải thi tuyển sinh) cho 3 thí sinh khiếm thị vào học các ngành tiếng Anh và kinh tế và 1 thí sinh liệt toàn thân phải di chuyển bằng xe lăn được nhận vào học ngành điện tử; ĐHSP Hà Nội có một phòng thi cho thí sinh khuyết tật nhưng thí sinh này phải dự thi bình đẳng với các thí sinh khác.

Được biết, một trong những khó khăn khiến con đường đến trường ĐH của người khuyết tật gập ghềnh là quy định pháp lý chưa đầy đủ. Luật Người khuyết tật mới ban hành được một năm, quy định người khuyết tật được chia làm 3 mức khác nhau: nhẹ, nặng và rất nặng.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên vụ đại học- sau đại học Bộ GD& ĐT, đến nay vẫn chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giám định, xác nhận mức độ nặng - nhẹ nên việc thực hiện luật còn rất khó khăn.

Dè dặt tuyển sinh khuyết tật ảnh 1
Đầu mùa tuyển sinh 2011, thí sinh khiếm thị Nguyễn Quang Nhị (THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) liên lạc với báo Tiền Phong đề nghị giúp đỡ để em được các trường đào tạo ngành công tác xã hội tuyển vào học.

Sau khi Tiền Phong có bài phản ánh, ngày 19-6 vừa qua, thí sinh gọi điện cảm ơn báo và cho biết vừa được ĐH Khoa học Huế (thuộc ĐH Huế) và ĐH KHXH&NV TPHCM xét tuyển (không phải thi).

Tuy nhiên, con đường vào đại học của cậu học trò khiếm thị nhưng đầy nghị lực này vẫn rất khó khăn. Mẹ ốm đau, người cha cũng khiếm thị và phải đi làm thuê để nuôi 4 người con đang đi học. Sau hành trình gõ cửa ĐH để xin học, Nhị tiếp tục phải đối mặt nỗi lo chi phí ăn học suốt 4 năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.