Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
TPO - Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất.

Ngày 2/7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trong 6 tháng đầu năm, cả hệ thống ngành, từ Bộ Nội vụ đến các Sở, Phòng Nội vụ địa phương đã chủ động tham mưu, góp phần rất tích cực vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và những văn bản chỉ đạo quan trọng trên lĩnh vực ngành theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, sát với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển chung.

Đồng thời, Bộ đã rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến ngành, đặc biệt là chủ động rà soát và đề xuất với Thủ tướng về việc bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Theo báo cáo, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất. Ngày 14/6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã chính thức có tờ trình Chính phủ về việc này.

Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế được chỉ ra như: người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp theo quy định.

Cùng với đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đề ra do lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

“Vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn chậm, lúng túng. Nơi nào sáng tạo, linh hoạt, năng động, tích cực, quyết tâm, quyết liệt thì nơi đó thực hiện rất tốt. Nơi nào thấy còn băn khoăn, chưa quyết liệt, chưa quyết tâm cao thì nơi đó chậm chạp. Cho nên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của chúng ta chưa tạo ra được sự nhận thức thống nhất, đồng bộ và quyết tâm, quyết liệt. Đây là tồn tại, hạn chế của một số địa phương”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc trong tổ chức đầu mối bên trong. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc. Nếu không giảm được đầu mối thì không thể tinh giản biên chế, nên việc giảm đầu mối gắn với giảm biên chế là một nguyên tắc, phải tập trung đột phá vấn đề này.

Trước mắt, vừa tập trung tinh gọn đầu mối bên trong của các bộ, ngành, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, vừa thay đổi mô hình quản lý, đẩy mạnh tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp.

“Tới đây, chúng tôi sẽ phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính. Theo đó, cũng đột phá rất mạnh vào việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Tuy nhiên, sẽ phải có đề xuất sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với giảm biên chế để đáp ứng được yêu cầu phát triển”, bà Trà khẳng định.

Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ ra rằng kỷ cương, kỷ luật hoạt động công vụ, công chức ở nhiều nơi chưa nghiêm và hiệu quả còn thấp; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế ở nhiều địa phương, nhất là tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức và quản lý tín ngưỡng, tôn giáo…

Không dám đột phá sẽ không giải quyết được vấn đề

Bộ trưởng Nội vụ cho rằng nhiệm vụ của ngành thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và nhiều việc rất phức tạp, nhạy cảm. Nếu không quyết tâm, nỗ lực và không năng động, sáng tạo sẽ không làm được. Toàn ngành cần lưu ý bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nội vụ và địa phương để tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành.

“Nếu chúng ta không dám nghĩ, dám làm, không dám đột phá thì sẽ không giải quyết được những vấn đề rất lớn mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang mong đợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.