Đẩy mạnh mở rộng người tham gia BHXH

BHXH Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
BHXH Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
TP - Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 13 triệu lao động tham gia BHXH trên tổng số 54 triệu lao động, chiếm khoảng 24%. So với các nước trên thế giới, diện bao phủ BHXH của chúng ta còn ở mức thấp, khiến nhiều lao động chưa được tham gia BHXH và được bảo vệ trước những rủi ro trong quá trình làm việc như ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp.

Tạo niềm tin cho NLĐ

Đề cập đến vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội từng cho rằng, muốn mở rộng đối tượng tham gia BHXH, trước hết cần phải tạo niềm tin cho người lao động (NLĐ). Theo ông Lợi, việc tạo niềm tin cho NLĐ vào việc đóng BHXH, làm sao để họ thấy rõ lợi ích khi tham gia. “Đặc biệt, phải cải cách sao cho việc thanh toán BHXH trở nên đơn giản và dễ dàng hơn, để NLĐ có thể tự thanh toán với cơ quan BHXH, khi họ sang làm việc ở doanh nghiệp mới mà không phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp cũ về sổ BHXH”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, cần bố trí ngân sách nhà nước một cách hợp lý để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhằm tạo cơ chế khuyến khích NLĐ khu vực không có quan hệ lao động tham gia, khi chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng, muốn mở rộng đối tượng tham gia BHXH, Việt Nam cần thêm nhiều chính sách thực hiện và thu hút hiệu quả hơn, bao gồm tăng cường thanh tra trong lĩnh vực BHXH, nhằm mở rộng diện bao phủ của BHXH. Đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước nên tiếp cận nhóm đối tượng DN nhỏ và vừa, lao động với hợp đồng ngắn hạn, và các DN gia đình phần lớn vẫn đang nằm ngoài hệ thống BHXH để tăng diện bao phủ.

Còn theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), để tăng diện bao phủ BHXH, cần giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH phù hợp và gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương để phát triển đối tượng tham gia BHXH. Bên cạnh đó, cần tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan Thuế và BHXH.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2017 BHXH Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, tập trung thanh tra những doanh nghiệp có khả năng nhưng trốn đóng, đóng chưa đủ mức cho NLĐ; mở rộng các đại lý thu BHXH; đơn giản hóa quy trình thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH...

Hiện nay, Việt Nam đang gặp thách thức là vừa phải phát triển kinh tế của đất nước vừa phải thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Chính sách phải hết sức cân nhắc, tính toán lộ trình phù hợp để làm sao tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển và đảm bảo đóng góp của doanh nghiệp và người lao động vào Quỹ BHXH, BHYT. Đây là thách thức lớn cho các cơ quan quản lý. Do đó, ông Liệu cho biết, BHXH Việt Nam đang cùng lúc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng.

Trước hết là tập trung thanh tra xử lý, yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên. Đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chây ỳ, phía công đoàn cũng sẽ đứng ra khởi kiện.

Trong năm 2017, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan Thuế và các cơ quan thanh tra quản lý Nhà nước về lao động để tập trung thanh tra những đơn vị trốn đóng, nợ đọng BHXH. Theo dữ liệu của cơ quan Thuế chuyển giao cho BHXH thì có hơn 500 nghìn doanh nghiệp đang thuộc diện quyết toán thuế hàng năm. Nhưng cơ quan BHXH mới chỉ quản lý được 200 nghìn doanh nghiệp; như vậy còn 300 nghìn doanh nghiệp chưa tham gia vào hệ thống BHXH.

Được biết, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho NLĐ. Đồng thời BHXH cũng sẽ thực hiện chức năng thanh tra đóng BHXH theo Luật. “Chúng tôi sẽ tập trung thanh tra vào những doanh nghiệp có khả năng, nhưng trốn đóng, đóng chưa đủ cho NLĐ”, ông Liệu nói.

Cùng đó, BHXH Việt Nam sẽ tập trung tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT. Thời gian qua, đánh dấu mộc quan trọng trong việc tuyên truyền chính sách về BHXH, BHYT với nhiều hình thức đa dạng. Đã huy động được các cơ quan báo chí T.Ư, địa phương cùng hệ thống chính trị vào cuộc. Cơ quan BHXH cũng đã tổ chức in nhiều ấn phẩm để tuyên truyền đến chủ sử dụng lao động và NLĐ. “Có thể khẳng định đây là bước đổi mới về công tác tuyên truyền và chắc chắn trong năm 2017 BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền”, ông Trần Đình Liệu nói.

Tại một hội thảo gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu cơ quan BHXH và cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời khắc phục tình trạng vi phạm, tiêu cực trong việc thực hiện BHXH tại doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật để NLĐ hiểu rõ quyền lợi của mình. Mỗi NLĐ sẽ trở thành một thanh tra gián tiếp cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước nếu người sử dụng lao động không thực hiện đúng trách nhiệm đóng BHXH.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, tình trạng trốn tránh trách nhiệm nộp BHXH còn phổ biến ở Việt Nam. Do đó, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra cần đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cũng như báo cáo, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc tuân thủ các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, Luật BHXH 2014 đã giao chức năng thanh tra đóng nộp cho BHXH Việt Nam thì vai trò của cán bộ thanh tra ngày càng được ghi nhận. Hiện, lực lượng thanh tra lao động ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu. Cả nước có trên 492 cán bộ thanh tra và mỗi cán bộ phải phụ trách theo dõi 100.000 lao động. Trong khi đó, ILO khuyến nghị các nước đang phát triển cứ 1 cán bộ thanh tra phụ trách từ 1.000- 2.000 lao động; còn với những nước phát triển thì tỷ lệ này sẽ cao hơn.

MỚI - NÓNG