Đề án nhằm tạo môi trường để trẻ em được học tập, rèn luyện kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông và các kỹ năng tự bảo vệ, ứng phó, thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp. Từ đó góp phần kiểm soát, giảm thiểu tình trạng tai nạn, thương tích ở trẻ em.
Đề án đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng chống đuối nước, tai nạn, thương tích; phát động phong trào học bơi, dạy bơi trên toàn quốc; triển khai “Tuần dạy bơi, học bơi dành cho thiếu nhi”; nhân rộng mô hình “đoàn thanh niên địa phương tham gia dạy bơi cho thiếu nhi”… Đề án cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động phát triển kỹ năng an toàn, tự bảo vệ, tự thoát hiểm cho trẻ, thông qua các mô hình: “Hành trình trải nghiệm sáng tạo”, “Đi để biết, học để sống”, “Học kỳ quân đội”…
Trong giai đoạn 2018 - 2022, Đề án đặt chỉ tiêu: tổ chức cho 1 triệu thiếu nhi tham gia các lớp, các chương trình tập huấn về kỹ năng, kỹ năng phòng chống đuối nước và tai nạn, thương tích; trong đó, dạy bơi an toàn miễn phí cho 10.000 thiếu nhi; xây dựng mới hoặc lắp đặt mới 400 bể bơi cố định, bể bơi di động; thành lập 100 tủ sách hướng dẫn kỹ năng an toàn cho thiếu nhi; 100% đoàn cấp tỉnh và 100% đoàn cấp huyện hằng năm tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn, thương tích cho thiếu nhi…