Đầu tư cấp điện cho “thủ phủ” cây thanh long

Từ nhiều năm qua, trang trại thanh long Ngọc Hân của ông Ung Ngọc Hải (Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) rộng 18 ha đã sử dụng toàn bộ đèn compact thay cho đèn sợi đốt với hiệu quả cao
Từ nhiều năm qua, trang trại thanh long Ngọc Hân của ông Ung Ngọc Hải (Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) rộng 18 ha đã sử dụng toàn bộ đèn compact thay cho đèn sợi đốt với hiệu quả cao
TP - Việc phát triển ồ ạt diện tích trồng thanh long và nhu cầu sử dụng điện chiếu sáng kích thích thanh long ra hoa trái vụ tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt tại Bình Thuận -  thủ phủ của cây thanh long - tăng nhanh khiến ngành điện đang đứng trước áp lực lớn.

Đẩy mạnh đầu tư lưới điện

Theo số liệu ước tính của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, đến tháng 4 /2014, diện tích trồng thanh long của tỉnh này đạt khoảng 22.000 ha, vượt 7.000ha so với qui hoạch đến năm 2015 (15.000ha). Hiện toàn tỉnh có khoảng 19.000ha thanh long được cung cấp điện.

Sản lượng điện thương phẩm sự dụng cho thanh long năm 2014 dự kiến đạt 497 triệu kWh, tăng 140 triệu kWh so với năm 2012, tương ứng tốc độ tăng bình quân 18%/năm.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), công tác cung cấp điện cho phụ tải thanh long những năm qua gặp nhiều khó khăn do phụ tải này phát triển quá nhanh, vượt xa qui hoạch tổng thể. Trước tình hình đó, EVN SPC tăng cường đầu tư vốn phát triển lưới điện ở địa bàn này. 

Trong hai năm 2013 và 2014, ngoài định mức vốn phân bổ 30 tỷ đồng/năm, EVN SPC còn cấp thêm cho Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận) khoảng 176 tỷ đồng để đầu tư xây mới và cải tạo 279km lưới 22kV. 

Dự kiến, khối lượng đầu tư này sẽ được hoàn tất trong năm 2014 và lưới điện 22kV cơ bản đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phụ tải chong đèn thanh long.

Trong năm 2012 và 2013 EVN SPC cũng đã đầu tư nâng công suất 6 trạm biến áp 110kV, xây mới trạm biến áp Hàm Kiệm 63MVA và nâng tiết diện 65,8km đường dây 110kV. Năm 2014 đang tiếp tục thực hiện nâng công suất 3 trạm biến áp 110kV Thuận Nam, Hàm Kiệm và Phan Rí; xây mới 2 trạm biến áp Ma Lâm 63MVA và Tân Thành 63MVA, dự kiến hoàn tất trong năm 2015. 

Tổng giá trị đầu tư lưới 110kV các năm 2012-2014 là 550 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất các công trình lưới điện 110kV đang đầu tư cũng sẽ cơ bản đáp ứng cung cấp điện cho tỉnh Bình Thuận. Về lưới 220kV, năm 2013 ngành điện đã nâng công suất trạm biến áp 220kV Phan Thiết từ 250MVA lên 375MVA với giá trị đầu tư khoảng 55 tỷ đồng. Ngành điện còn tiếp tục đẩy thực hiện đầu tư các công trình 220kV theo qui hoạch để đảm bảo cung cấp điện khu vực Bình Thuận.

Chuyển đổi sang sử dụng đèn compact

Dù ngành điện đã cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp đầy đủ nhu cầu cho phụ tải thanh long và các năm qua, lưới điện liên tục bị quá tải. Được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bình Thuận, kể từ mùa chong đèn thanh long 2012-2013, PC Bình Thuận thực hiện cung cấp điện tiết giảm 50% công suất phụ tải chong đèn thanh long để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định phục vụ chong đèn thanh long trong thời gian chờ ngành điện tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện.

PC Bình Thuận đầy mạnh vận động người dân chuyển sang sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện thay cho bóng đèn sợi đốt để chong đèn thanh long và chia nhỏ diện tích vườn thanh long để chong luân phiên nhiều đợt nhằm giảm áp lực công suất hệ thống. 

Đến nay, theo thống kê sơ bộ người dân đã chuyển sang sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện thay cho bóng đèn sợi đốt đạt khoảng 6.010.140 bóng (tương đương 58,6% tổng số lượng bóng), góp phần giảm công suất đỉnh 240MW, sản lượng điện tiết kiệm khoảng 131 triệu kWh/năm, tương ứng số tiền điện người dân tiết kiệm được khoảng 185 tỷ đồng/năm. Ngành điện cũng giảm áp lực đầu tư lưới điện 110 KV và 22 KV khoảng 1.088 tỷ đồng, chưa tính giảm đầu tư lưới điện truyền tải 220kV và các nhà máy điện.

EVN SPC cho biết đang triển khai dự án thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact chiếu sáng kích thích thanh long ra hoa trái vụ tại ba tình Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Theo đó, ngành điện hỗ trợ 20% giá mua đèn và 50% chi phí mua đèn tròn; thu hồi toàn bộ đèn tròn với số lượng tương ứng số đèn compact được hỗ trợ giá mua. 

Những hộ có diện tích trồng thanh long từ 1 ha trở xuống và số lượng đèn compact mua, đổi được  hỗ trợ giá không quá 200 (hai trăm) bóng/ hộ được hỗ trợ giá. Tổng kinh phí đầu tư dự án này là 21,5 tỷ đồng. Ước tính số hộ nông dân được hưởng lợi khoảng 3.500 hộ. Với tuổi thọ đèn compact  là 5 năm thì sản lượng điện tiết kiệm của dự án là 32.000.000 kWh .

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.