Trên 21,5 tỷ đồng trang bị đèn compact cho nông dân nghèo
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ trên địa bàn các tỉnh kể trên liên tục tăng rất cao. Số lượng bóng đèn tròn sợi đốt loại 60W đang được các hộ dân sử dụng chong cho thanh long trên 14 triệu bóng.
Thực tế cung cấp điện khu vực trồng thanh long trong thời gian qua đã phát sinh nhiều tác động tiêu cực như: Không thể chủ động cấp điện ổn định trên địa bàn, đặc biệt là đã làm ảnh hưởng đến các phụ tải sinh hoạt, tiêu dùng dân cư và các thành phần phụ tải khác; hệ thống lưới điện 110kV và 22kV quá tải, vận hành không an toàn, biểu đồ phụ tải không ổn định, công suất hệ thống dao động bất thường, lưới điện và trạm biến áp quá tải cục bộ.
Tổn thất điện năng tăng cao. Trong khi đó không có nguồn điện dự phòng để cấp điện cho các thành phần phụ tải khác (trong đó có phụ tải chong đèn thanh long) sẽ ảnh hưởng đến kinh tế tại địa phương. Chi phí điện năng chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sản xuất trái thanh long do sử dụng đèn tròn sợi đốt, dễ hỏng, tốn nhiều điện năng.
Trước sự tăng ngày càng cao mức hao phí điện năng tại khu vực trồng thanh long ở các tỉnh phía Nam, EVN SPC triển khai dự án thay đèn tròn sợi đốt (60W) bằng đèn compact (20W) chiếu sáng kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ tại các tỉnh kể trên với kinh phí đầu tư 21,5 tỷ đồng.
Theo đó, đối tượng được cấp đổi đèn compact là hộ nông dân thu nhập trung bình và thấp, đang sử dụng đèn tròn sợi đốt để chiếu sáng kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ, với quy mô sử dụng từ trên 100 bóng đến 1.000 bóng. Mỗi hộ nông dân được hỗ trợ 20% giá mua đèn compact và 50% chi phí mua đèn tròn (đã mua trước đây); thu hồi toàn bộ đèn tròn với số lượng tương ứng số đèn compact được hỗ trợ giá mua.
Lợi ích kép
Theo tính toán, dự án đem lại lợi ích to lớn cho cả xã hội, người dân lẫn ngành điện. Với tuổi thọ đèn compact là 5 năm, sản lượng điện tiết kiệm của dự án là: 32.000.000 kWh. Từ đó giúp cắt giảm công suất đỉnh hệ thống 20MW.
Việc giảm công suất của hệ thống điện trong 5 năm, đồng nghĩa với việc giãn lùi được nhu cầu đầu tư xây dựng một trạm điện 20 MW trong thời gian này với chi phí dự kiến 40 tỷ đồng, đó là chưa kể đến việc đầu tư các trạm biến áp phân phối và tăng cường đường dây 22kV.
Ước tính, có khoảng 3.500 hộ nông dân trồng thanh long trên địa bàn 3 tỉnh nói trên được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này và lượng điện các hộ dân tiết kiệm mỗi năm là 6,4 triệu kWh, tương ứng với số tiền tiết kiệm được là trên 40,6 tỷ đồng.
Qua khảo sát thực tế về mô hình chiếu sáng tiết kiệm hiệu quả bằng bóng đèn Compact chống ẩm do Trung tâm nghiên cứu và phát triển Thanh long Bình Thuận xây dựng, trong cùng một điều kiện về chế độ canh tác, chăm sóc, tuổi cây, thời điểm chong đèn, số đêm chong đèn, số giờ thắp đèn/đêm… kết quả thanh long ra hoa trái vụ giữa bóng đèn compact 20W (sử dụng ngoài trời không có chóa đèn che chắn) và bóng đèn sợi đốt 60W cho kết quả tương tự nhau.
Tỷ lệ bóng hư hỏng khi gặp sự cố của bóng đèn compact 20W là 0,5%, thấp hơn nhiều so với sử dụng bóng đèn sợi đốt 60W (từ 2% ÷ 5%). Đồng thời, sử dụng bóng đèn compact 20W giảm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, giúp giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Nếu áp dụng giải pháp trên cho toàn bộ diện tích thanh long, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hàng năm sẽ tiết kiệm 170.240.000 kWh, với giá điện như hiện nay là 1.340 đồng/kWh thì số tiền tiết kiệm mỗi năm khoảng 228 tỷ đồng. Công suất đỉnh giảm 300MVA; giảm đầu tư 300MVA, chi phí đầu tư giảm 679 tỷ. Tương tự, hiện tỉnh Long An có khoảng 2000 ha thanh long và tỉnh Tiền Giang khoảng 2.500 ha, nếu sử dụng bong đèn compact thay đèn tròn thì nông dân hai tỉnh này sẽ tiết kiệm hơn 50 tỷ đồng/năm.
Ngoài lợi ích kinh tế, dự án còn đem lại lợi ích không nhỏ về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tương đương 20.800 tấn CO2.