Dấu ấn hơn nửa thế kỷ của Kim Dung với độc giả Việt

Nhà văn Kim Dung (1924 - 2018).
Nhà văn Kim Dung (1924 - 2018).
Khoảng thập niên 1960, truyện kiếm hiệp Kim Dung gây sốt, qua nhiều thập niên trở thành món ăn tinh thần của đông đảo người Việt.

Tiểu thuyết gia Kim Dung qua đời hôm 30/10 ở tuổi 94 vì tuổi cao, sức yếu. Hơn nửa thế kỷ viết lách, ông là cánh chim đầu đàn của dòng tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc. Những ấn phẩm như Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên đồ long kỳ... in đậm trong lòng độc giả ở các nước châu Á. Tại Việt Nam, nhiều bộ tiểu thuyết của Kim Dung được tái bản qua hàng chục năm. Đông đảo nhà nghiên cứu, phê bình và giới yêu văn học trong nước nhận xét Kim Dung là một trong những tác gia Trung Quốc được đọc và yêu thích nhất.

Theo bài viết "Những giai thoại về tiểu thuyết của Kim Dung" (Tạp chí Kiến thức ngày nay số 67-1991), truyện Kim Dung bắt đầu tạo cơn sốt tại Việt Nam từ đầu thập niên 1960, với ấn phẩm Cô gái Đồ Long (tên gốc là Ỷ thiên Đồ long ký) của dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phục, đăng trên báo Đồng Nai. Trước đó, một số bản dịch của truyện Kim Dung như Bích Huyết kiếm, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp... đã đăng trên các báo Đồng Nai, Dân Việt...

Nhà thơ Lê Minh Quốc kể thời đó, các nhật báo ở miền Nam đua nhau in tiểu thuyết Kim Dung thành truyện dài kỳ (feuilleton). Tiểu thuyết của ông mang đến một thế giới võ lâm riêng biệt, sống động với những câu chuyện chặt chẽ về bố cục, nội dung không trùng lặp, diễn biến và chi tiết bất ngờ, cùng một thế giới nhân vật đầy ắp cá tính. Nhiều độc giả phải săn tìm để "đọc nhảy cóc", không theo trình tự lớp lang gì. Sau này, nhờ mua sách cũ, Lê Minh Quốc mới có điều kiện đọc kỹ hơn và dành tình yêu lớn cho các bộ Anh hùng xạ điêu, Ỷ thiên Đồ long ký.

Các tác giả Hiếu Chân, Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Mộng Giác từng có các bài viết miêu tả, phân tích không khí mê "truyện chưởng" Kim Dung một thời ở miền Nam. "Truyện chưởng Kim Dung lôi cuốn nhiều tầng lớp độc giả, gần như khuynh loát thị trường chữ nghĩa, báo chí trong những năm 1965-1973 (năm 1973 khi Lộc Đỉnh ký đến Việt Nam tất cả báo đều đăng), hầu như ai cũng đọc chưởng, không chỉ có những người trong đại chúng bình dân, học sinh, thợ thuyền và tiểu công tư chức mà ngay cả những tay đại trí thức, những người đã từng du học bên Âu, Mỹ trở về, từng đỗ những mảnh bằng cao nhất về luật học hay khoa học cũng say mê võ hiệp tiểu thuyết như điếu đổ" (Hiếu Chân, Bàn về tiểu thuyết võ hiệp, báo Tin văn, năm 1967).

Độc giả Sài Gòn nói riêng, bạn đọc miền Nam nói chung yêu truyện Kim Dung, nhất là qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn vốn rất hợp với truyện chưởng. Người Sài Gòn xưa mê Kim Dung đến nỗi lời ăn tiếng nói, cách đặt tên quán xá, tên người (Hoàng Dung, Vi Tiểu Bảo, Quách Tĩnh, Đoàn Dự), khẩu khí sinh hoạt đời thường.... đều phảng phất phong vị các tác phẩm của ông. "Ngay cả 'những nhà tu hành cũng thích chưởng (...) những ông bự và những ông đại sứ cho người về nước khuân hàng... thùng tài liệu Kim Dung để đem đi đọc ở xứ người. Các bà cũng thích chưởng. Giáo sư thảo luận với học sinh vì chưởng. Trẻ em đánh nhau ngoài đường cũng dùng chưởng..." (theo Nguyễn Viết Khánh, Tiểu thuyết Tàu trên báo chí Việt, Báo chí tập san xuân 1968). 

Trên văn đàn, tên tuổi Kim Dung lan truyền và tạo làn sóng hâm mộ. Các thi nhân, văn sĩ đương thời như Bùi Giáng, Bửu Ý... bắt tay viết các bài bình, khảo về truyện Kim Dung, trong số đó có tác giả Đỗ Long Vân với cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung. Nhiều tác giả thời đó lấy tên của nhân vật chính trong truyện ông làm bút danh như Tiêu Phong, Hư Trúc...

Dấu ấn hơn nửa thế kỷ của Kim Dung với độc giả Việt ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Đông Thức trong cuộc gặp gỡ với Kim Dung vào năm 2002 ở Hong Kong.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhớ truyện Kim Dung được dịch, phổ biến ở miền Bắc từ sau năm 1975. Theo ông, Kim Dung đã nâng thể loại truyện chưởng lên tầm cao mới. "Từ sách kiếm hiệp, ông biến tác phẩm của mình thành truyện nghĩa hiệp. Truyện không chỉ đề cập đến tranh chấp giữa những môn phái, mà gửi gắm luân thường đạo lý, tinh thần chiến đấu vì cái thiện và niềm tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, nhà phê bình nói.

Trong bài viết mang tên "Bước đầu tìm hiểu về 'hiện tượng Kim Dung' tại Việt Nam" (đăng trên trang web của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh ghi nhận sau năm 1975, do nhiều yếu tố xã hội, truyện chưởng Kim Dung vấp các ý kiến phê phán khi xét về chủ nghĩa hoài nghi, yếu tố chính tà lẫn lộn, chủ nghĩa anh hùng cá nhân, bạo lực, ca ngợi tình yêu trốn tránh hiện thực... Nhưng đến đầu thập niên 1990, truyện Kim Dung và một số tác phẩm của các cây bút võ hiệp khác được lưu hành trở lại. Năm 1999, công ty văn hóa Phương Nam là đơn vị ở Việt Nam đầu tiên mua bản quyền dịch sách Kim Dung. Từ đây, các bộ tiểu thuyết bắt đầu được dịch lại và hiệu đính, nổi tiếng nhất là các bản dịch của Nguyễn Duy Chính, nhà nghiên cứu - dịch giả Cao Tự Thanh, nhà văn Vũ Đức Sao Biển...

Dịch giả Quang Huy cho rằng giá trị của tiểu thuyết Kim Dung nằm ở việc ông đã khắc họa một thế giới nuôi dưỡng cái thiện. Bên cạnh cốt truyện giàu kịch tính là những bài học gửi gắm về nghĩa tình huynh đệ, tình cha con, thầy trò. Ẩn trong từng truyện là cách nhìn đời, nhìn người. Những mối tình trong tiểu thuyết Kim Dung đi sâu vào đời sống tinh thần của bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà (sinh năm 1978) chia sẻ: "Cho đến bây giờ không nhớ mình đã đọc đi đọc lại mấy lần nữa. Tôi rất xúc động khi Trương Vô Kỵ nhận ra Triệu Mẫn mới chính là tình yêu đích thực".

Dấu ấn hơn nửa thế kỷ của Kim Dung với độc giả Việt ảnh 2 Tủ sách Kim Dung của một độc giả Việt. Ảnh: Vũ Minh Hoàn.

Tin Kim Dung qua đời nhanh chóng trở thành chủ đề nhắc đến trên truyền thông và các mạng xã hội tối 30/10. Chị Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ tên chị được lấy từ một nhân vật trong bộ Anh hùng xạ điêu. "Ông đã khai mở một con đường cho tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa... Độc giả bình dân đọc Kim Dung kiểu khác, độc giả bác học đọc Kim Dung kiểu khác. Chẳng vô cớ mà Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Đông Thức,... đều yêu thích, tôn sùng Kim Dung", Tiến sĩ văn học chia sẻ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (sinh năm 1978) - con trai cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - viết trên trang cá nhân: "Với thời tuổi thơ của chúng tôi ông là mãi là Minh chủ Võ Lâm của thế giới kiếm hiệp... Ông mất đi, tôi tự nhiên nghĩ tới nhân vật Độc Cô Cầu Bại của ông, một huyền thoại luôn được nhắc đến trong thế giới kiếm hiệp của ông mà chỉ nghe danh và để lại Độc Cô Cửu Kiếm thâm sâu".

Đạo diễn Nam Cito (sinh năm 1983) cho biết anh ấn tượng với bộ Lộc Đỉnh Ký. "Tác phẩm của ông ít nhiều ảnh hưởng đến tôi trong cách xây dựng nhân vật quái chiêu và hài hước. Lứa 8x chúng tôi hầu như ai mê kiếm hiệp cũng đọc Kim Dung. Ngày trước, gần nhà tôi có chỗ cho thuê truyện nên cứ đến hè là tôi đọc thâu đêm suốt sáng. Tác phẩm của ông là một phần tuổi trẻ của tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG