Đặt tiền để thay thế tạm giam

Đặt tiền để thay thế tạm giam
TP - Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam.

Theo dự thảo thông tư, chỉ áp dụng đặt tiền, tài sản bảo đảm đối với những bị can, bị cáo có nhân thân tốt, như chưa có tiền án tiền sự; thành khẩn, ăn năn, hối lỗi; là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; là người chưa thành niên và đang đi học... Bên cạnh đó, bị can, bị cáo phải có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo mức mà cơ quan tiến hành tố tụng quyết định.

Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên mà không có hoặc không đủ tiền, tài sản bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp.

Cũng theo dự thảo thông tư, mức tiền, trị giá tài sản bảo đảm cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt không được dưới 10 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 150 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 350 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, dự thảo thông tư quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định mức tiền, trị giá tài sản thấp hơn nhưng không dưới 1/2 của các mức tương ứng nói trên đối với bị can, bị cáo thuộc một trong các trường hợp như: Bị can, bị cáo cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; gia đình của bị can, bị cáo thuộc hộ nghèo; thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mắc bệnh hiểm nghèo mà có nơi cư trú rõ ràng, người trên 70 tuổi hoặc người trên 60 tuổi nhưng thường xuyên ốm đau, bệnh tật; người chưa thành niên; người lao động chính trong gia đình.

Cũng theo dự thảo, khi xét thấy có đủ điều kiện có thể áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm, cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án phải gửi cho bị can, bị cáo thông báo về việc họ có thể đề nghị được đặt tiền, tài sản bảo đảm kèm theo mẫu đơn đề nghị và mẫu giấy chấp thuận đặt tiền, tài sản bảo đảm thông qua cơ sở giam giữ.

Để ngăn chặn khi đặt tiền, bị can bị cáo có thể bỏ trốn, dự thảo quy định điều kiện phải: “Có căn cứ để tin rằng, bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng lớn đến TTATXH”...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.