Đất + người = gốm

Tác phẩm của Nguyễn Quang Thu
Tác phẩm của Nguyễn Quang Thu
TP - Gốm và người giới thiệu một số “con đường” đến với gốm của các nghệ sĩ và nghệ nhân đang diễn ra tại Tràng Tiền Plaza, Hà Nội.

Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động nghệ thuật Davines- khuyến khích và hỗ trợ các nghệ sĩ tài năng sáng tạo và đưa tác phẩm gần hơn với công chúng. Chúng tôi gặp gỡ hai đại diện của triển lãm để tìm hiểu tình riêng của họ với gốm.

Gốm ấm

Mười tượng gốm của Nguyễn Quang Thu được trưng bày ở vị trí khá khiêm nhường, đơn giản vì kích thước nhỏ hơn hẳn so với của các nghệ sĩ khác. Cũng là những hình dáng phụ nữ nhưng Thu không tả thực. Giám tuyển Lê Thiết Cương diễn tả: “Điêu khắc của Thu là vẻ đẹp của uốn, nặn, chuốt. Thu không chú trọng hình, anh tập trung vào dáng, khi co thắt, lúc nở to, khi căng mọng lúc lại buông lỏng tạo ra một giai điệu gốm với những nhịp tương phản”.

Lê Thiết Cương biết đến Nguyễn Quang Thu qua những tác phẩm của Thu được họa sĩ Nguyễn Phan Bách trưng bày tại gia. Sau khi được Cương lựa chọn, Thu rời TPHCM đến Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nằm vùng hơn một tháng nghiên cứu “công nghệ” Hương Canh để làm nên bộ tác phẩm về vòng đời tham gia triển lãm. 

“Chất đất ở đấy nung xong tạo ra một hiệu quả rất thích, vì nó mộc mạc, không men”, anh xuýt xoa. Hương Canh trước đây nổi tiếng về làm ngói, nhưng nay không cạnh tranh nổi với ngói công nghiệp nên toàn xã chỉ có 3 nhà làm gốm, sản phẩm chủ đạo là tiểu sành. Mà loại hàng chủ lực này cũng chỉ đến mùa mới bán được. Chỉ tiểu mới được đốt bằng lò ga đắt đỏ. Các tác phẩm của Thu nung chung với chum vại bằng củi. Nung bằng củi, tỷ lệ hỏng cao hơn, nung 10 chỉ ăn được 6.

Công việc của nhà điêu khắc gốm như Thu gắn chặt với các làng gốm. Vì thế mà anh đi đến nhận định: “Việt Nam nên đi lên bằng làng nghề truyền thống, bằng nghề thủ công có tính nghệ thuật. Cứ ngẫm mà xem. Mình đâu có sản xuất được xe máy...” 

Thu từng sống qua hầu khắp các làng gốm trên cả nước. Ở Bát Tràng, anh từng thuê nhà ở 4 tháng. Thu cho hay, không phải ở đâu anh cũng được những người làm gốm nhiệt tình chia sẻ hết bí quyết như ở Hương Canh.

Những tưởng tượng bé dễ bán nhưng Thu lại cho hay: “Tôi rất vất vả về làm nghề. Đầu tư làm tượng tốn tiền, tiền đất, tiền sinh hoạt, nung, củi lửa, vận chuyển. Nhiều người thắc mắc sao không làm to. Đơn giản làm to thì tốn tiền. Khách nào thích, đặt tiền tôi làm cao mấy mét cũng được!” Mỗi tác phẩm của Thu đều là độc bản. Anh tạo hình tùy thích trên cục đất, rồi khoét rỗng mới đem nung.

Nhiều người hỏi Thu sao không làm điêu khắc bằng những chất liệu bền vững, đều nhận được câu trả lời: “Tôi yêu gốm từ khi biết gốm. Đất, nước, gió, lửa tạo nên chất liệu gốm. Cũng là tác phẩm nếu làm bằng kim loại, đá sờ tay vào lạnh. Sờ tay vào gốm ấm áp- tình người, tình đời”.

Tham gia Gốm và người là bước đà để Nguyễn Quang Thu thực hiện triển lãm cá nhân tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội cuối năm nay. Lần tới, anh chọn phong cách gốm của làng Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai).

Gốm tay

Câu chuyện của nghệ nhân khiếm thính Phạm Anh Đạo - người chuyên phục chế gốm cổ - được kể chủ yếu bởi vợ, cũng là một người thợ gốm ở Bát Tràng. Cả làng đều chuyển mình theo lối tạo hình công nghiệp, đổ gốm bằng khuôn. Như thế mỗi cơ sở có thể sản xuất được cỡ 1.000 sản phẩm/ngày. 

Đất + người = gốm ảnh 1

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo đang thao tác kỹ thuật làm gốm vuốt tay trong buổi khai mạc triển lãm “Gốm và Người” của Davines Art Series

Tháng nung được 10 lò, trong khi để hoàn tất 1 lò thủ công, Đạo phải mất hơn tháng. Thời gian chủ yếu dành cho khâu chế tác- hầu như chỉ một tay Đạo làm. Vì chỉ anh mới làm được. Chị Chinh hồi mới lấy Đạo cũng thử khuyên chồng làm hàng công nghiệp vì như thế chị có thể giúp anh ở tất cả các khâu, còn làm thủ công, đến nay chị chỉ mới chỉ mon men giúp chồng vài khâu dễ hơn như tráng men, tô màu.

“Làm gốm thủ công khó, đòi hỏi người thợ phải yêu thì mới làm được. Gốm hàng loạt- chủ cơ sở không phải sản xuất mấy, chỉ quản lý nhân công. Còn gốm thủ công là của mình, phải trực tiếp lao ra, phải thực hành, vất vả lắm. Giới trẻ giờ cho làm gốm tay cũng không làm đâu mà, nếu như không yêu nó”, Chinh cho hay.

Đạo được miêu tả là một trong vài người còn biết lối tạo hình sản phẩm bằng vuốt tay ở Bát Tràng. Người kia chính là bố anh. Nhìn thợ gốm xoay cái bàn tưởng đơn giản nhưng để xoay ra những sản phẩm đều chằn chặn như mẫu không phải dễ. Tất nhiên giá thành của sản phẩm thủ công cao gấp 3-4 lần công nghiệp, nhưng cũng không thấm vào đâu với công sức bỏ ra.

“Tôi yêu gốm từ khi biết gốm. Đất, nước, gió, lửa tạo nên chất liệu gốm.

Anh Nguyễn Quang Thu

Đạo đã làm một lựa chọn “sinh tử” vì nếu đã làm hàng thủ công thì sẽ không thể làm công nghiệp. Đơn giản vì nhà không đủ rộng để có thể làm cả 2 kiểu. Trước đây Đạo là công nhân của xí nghiệp gốm Bát Tràng. Ngoài giờ làm việc, chàng trai 17 tuổi vẫn về hỏi ông, hỏi bố về cách làm gốm ngày xưa. Cứ thế, cách làm truyền thống ngấm dần vào anh. Khi lập gia đình, anh cũng thôi làm xí nghiệp, tự mở xưởng.

Khi con trai đầu lòng được 5 tuổi, Đạo đã dạy con chuốt gốm. Giờ cháu 12 tuổi, cứ định chui vào xưởng “nghịch” là bố lại “đuổi”. Mẹ cháu thì nói: “Nghề gốm vất vả lắm, bố nó không học được thì mới phải chịu...” Nhưng một điều chắc chắn rằng, gốm nặn bằng tay sẽ ngày càng có giá. Vì người làm ra nó không phải thợ mà đã là nghệ nhân, đặt cả tâm huyết vào từng sản phẩm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.