Hà Nội:

Đặt mục tiêu 90% trẻ uống sữa học đường

TP - Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, mục tiêu của chương trình “Sữa học đường” là đến năm 2020 có trên 90% học sinh và trẻ em mẫu giáo được uống sữa  theo chương trình, góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ từ 1,5 -2cm so với năm 2010. Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn nghi ngại về việc triển khai cho trẻ uống sữa học đường nên chưa đăng ký.

Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, từ năm học 2018-2019, học sinh tiểu học và trẻ mẫu giáo trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được uống sữa học đường.  Theo ông Tiến, thông qua hoạt động uống sữa, có sự giám sát của thầy cô, học sinh Hà Nội sẽ được cải thiện về chiều cao.

Sau khi công bố đơn vị trúng thầu chương trình “Sữa học đường” là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, Sở GD&ĐT Hà Nội đã dự kiến sẽ bắt đầu cho học sinh sử dụng sữa theo chương trình từ ngày 1/1/2019. Trước thời điểm này, Hà Nội đã tập huấn các phòng GD&ĐT, các quận, huyện cũng như các nhà trường về quy trình triển khai, trong đó nêu rõ quy định về kho chứa, phương án tiếp nhận và bảo quản sữa, tổ chức uống sữa cũng như quy cách xử lý một khối lượng vỏ hộp sữa khổng lồ.

Đề án “Sữa học đường” được đánh giá là chương trình nhân văn khi được nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh đóng góp 50% giá trị hộp sữa. Đặc biệt học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được uống miễn phí. Theo đó, Vinamik đã trúng thầu với đơn giá 1 hộp sữa khoảng 6.800 đồng với dung lượng 180ml. Học sinh sẽ được uống sữa 5 ngày/ tuần. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có trên 90% học sinh và trẻ em mẫu giáo được thụ hưởng chương trình.

Ông Tiến cũng khẳng định: “Sữa học đường là chương trình mang tính chất tự nguyện. Sở yêu cầu các trường, giáo viên giải thích cho phụ huynh hiểu tính chất, ý nghĩa của chương trình và phát phiếu cho phụ huynh đăng ký. Phụ huynh có quyền đăng ký hoặc không, thậm chí đã đăng ký vẫn có thể dừng bất cứ lúc nào”.

Các trường thêm việc

Trước đó, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn và có ý kiến về chương trình. Bởi theo họ, chương trình mang tính chất tự nguyện nhưng khi đưa vào nhà trường lại thành ép buộc bởi nó na ná các chương trình tự nguyện trước đây như: Học tiếng Anh liên kết. Cũng có ý kiến cho rằng, đối với sữa, có trẻ thích loại này, trẻ thích loại khác, do đó nên để mỗi trường tự chọn loại sữa hoặc phụ huynh tự lựa chọn loại sữa cho con thay vì triển khai đồng bộ 1 loại sữa trên toàn TP với số lượng học sinh lớn như hiện nay. Ngoài ra, cũng theo phụ huynh các trường, việc đặt mục tiêu hơn 90% để phấn đấu khiến giáo viên các trường phải thuyết phục phụ huynh đăng ký cho đạt chỉ tiêu.

Phía các trường học, Phòng GD&ĐT là đơn vị quản lý cũng chia sẻ nhiều băn khoăn dù thời điểm này đã được tập huấn về phương thức triển khai, quy định về điều kiện giao nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng giáo viên, các trường hiện vẫn chia sẻ nỗi lo.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai cho biết, trường có lượng học sinh lên tới gần 2.000 em, khi cùng lúc triển khai uống sữa, riêng lượng vỏ đã rất nhiều. Vì vậy, giờ đây, ngoài dạy học, chăm lo bữa ăn bán trú, trường cũng phải cử nhân sự giám sát việc thu nhận, bảo quản cũng như xử lý vỏ sữa nếu không chỉ trong 1 ngày có thể bốc mùi.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông chia sẻ, chương trình bắt đầu, các trường, phòng GD&ĐT cũng sẽ phải vất vả hơn. Ví như, Hà Đông có hàng trăm trường mầm non, tiểu học nhưng chỉ có 1 chuyên viên phụ trách mỗi mảng, do đó, để kiểm tra, giám sát cũng như xử lý giấy tờ, sổ sách liên quan để quyết toán là rất vất vả.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.