Dạo chợ sâu bọ độc nhất Hà Nội

Chợ sâu bọ dài khoảng 1km, mở cửa từ 8h sáng đến khoảng 19h hàng ngày
Chợ sâu bọ dài khoảng 1km, mở cửa từ 8h sáng đến khoảng 19h hàng ngày
Nằm ngay trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), chợ sâu bọ kéo dài khoảng 1 km, bán đủ các loại từ: sâu rồng, sâu quy, dế, châu chấu… với giá chung là 250 nghìn/1kg

Giữa Thủ đô Hà Nội, có một khu chợ khá độc đáo nằm ngay trên phố Hoàng Hoa Thám sầm uất: Đó là chợ sâu bọ. Chợ kéo dài khoảng 1 km, bán đủ các loại côn trùng như: sâu rồng, sâu quy… đến các loại cào cào, châu chấu, dế mèn… với giá chung là 250 nghìn đồng/1kg. Ngày nào cũng vậy, chợ bắt đầu họp từ lúc 8h sáng đến 19h mỗi ngày nhưng đông nhất là vào thứ 7 và chủ nhật.

Vừa bận bịu phân loại sâu ra thành từng loại khác nhau, bà Lan (38 tuổi, Hoàng Hoa Thám) cho hay, ngôi chợ độc đáo này đã có từ lâu đời, ban đầu chủ yếu là bán các loại cám làm thức ăn cho chim nhưng về sau, nhiều người hỏi nên các chủ buôn nhập thêm côn trùng cho khách lựa chọn.

Các loại dế mèn, châu chấu, cào cào… được bà Lan nhập từ các lái buôn ở Nam Định, Thanh Hóa và các vùng lân cận Hà Nội; trong khi đó, các loại sâu thì được nhập từ Sài Gòn ra. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, các đầu mối đánh buôn sẽ chở hàng bằng ô tô hoặc xe máy đến chợ cho các tiểu thương lựa hàng. Côn trùng sẽ được chia thành từng bọc, đựng trong các túi vải lót cám cưa để tránh bị hao hụt. Sau đó, người bán sẽ đổ ra các chậu, tiến hành phân loại bán cho khách.

“Trung bình, mỗi khách thường chỉ mua từ 1-2 lạng để làm thức ăn hàng ngày cho cá, chim cảnh hoặc gà chọi. Hiếm ai có nhu cầu mua nhiều, bởi những loài côn trùng này không biết cách bảo quản sẽ không sống được lâu”, bà Lan nói.

Dạo chợ sâu bọ độc nhất Hà Nội ảnh 1

Chợ bán đủ loại từ sâu quy, sâu rồng... đến các loại cào cào, châu chấu

Dạo chợ sâu bọ độc nhất Hà Nội ảnh 2

Sâu rồng được lái buôn nhập từ Sài Gòn với giá bán là 250 nghìn đồng/1kg

Một ngày, cửa hàng bà Lan bán được từ 2 - 3 kg sâu các loại, thu lợi nhuận gần 200.00 nghìn đồng. Để tăng thêm thu nhập, các tiểu thương ở đây còn bán thêm cả cám, lồng chim cho khách lựa chọn, một phần chợ là nơi trao đổi, mua bán chim.

Dạo chợ sâu bọ độc nhất Hà Nội ảnh 3

Thương lái đang tiến hành phân loại các loại côn trùng để bán cho khách

Mỗi ngày, đều đặn bà Bình (53 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) lái xe máy, chở cào cào, châu chấu hoặc dế mèn lên chợ chào hàng. Bà Bình kể, nhiều năm trước ở các quận, huyện ngoại thành Hà Nội các loại côn trùng nhiều vô kể, nhưng giá rẻ bèo. Bây giờ, thú chơi cá và chim cảnh nở rộ, nhưng côn trùng ngày càng hiếm, không có để bắt nên giá cũng đắt đỏ.

Vì thế, để chủ động nguồn hàng, năm ngoái bà Bình đầu tư nuôi dế mèn trong các thùng xốp, mỗi tháng đưa ra thị trường từ 40 - 50 kg dế mèn, chủ yếu là bỏ mối cho các chợ côn trùng ở Hà Nội và gửi cho các khách trong Sài Gòn. “Gửi xa thì mình làm hàng đông lạnh để họ tiện chế biến, còn gần thì mình đóng thành túi vải cho khách”, bà Bình chia sẻ.

Dạo chợ sâu bọ độc nhất Hà Nội ảnh 4

Trung bình, mỗi khách thường chỉ mua từ 1-2 lạng để làm thức ăn hàng ngày cho cá, chim cảnh hoặc gà chọi

Vừa chọn mua 2 lạng sâu rồng về cho cá cảnh, anh Hưng (Nghĩa Tân - Cầu Giấy) cho hay, tuần nào anh cũng đến khu chợ này 5 - 6 lần để mua thức ăn cho cá cảnh. “Ở Hà Nội cũng có một vài nơi bán côn trùng nhưng có lẽ khu chợ này là đông nhất, giá cả cũng phải chăng lại nhiều mặt hàng nên đây trở thành địa chỉ ruột của dân chơi sinh vật cảnh”, anh Hưng chia sẻ.

Ngoài các loại côn trùng như sâu, cào cào, châu chấu… , vào thứ 7 hoặc chủ nhật chợ còn bán thêm các con vật như: rết, sâu chít, tắc kè… cho khách có nhu cầu. Cũng vì những món hàng “độc”, “lạ” được bày bán ở đây mà nhiều người ví ngôi chợ này là ngôi chợ “có một không hai” ở Hà Nội.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.