Đánh thức hiện vật giữ lửa báo chí cách mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau hơn chục lần tổ chức phát động tiếp nhận hiện vật, đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nhận được hàng chục nghìn hiện vật về báo chí Việt Nam. Bảo tàng kỳ vọng đánh thức những hiện vật “ngủ quên” trong các kho tư liệu, từ đó kể câu chuyện về những nhà báo kỳ cựu, những dấu mốc đáng tự hào của nền báo chí cách mạng.

Khối lượng đồ sộ 35 nghìn hiện vật

Từ hơn 600 hiện vật có được từ các nhà báo lão thành khi mới là đề án (2013-2017), đến nay, sau 4 năm mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sưu tầm, thu thập được 35.000 tài liệu, hiện vật trưng bày trong không gian 1.500 m2. Trong đó, phần lớn là tài liệu hiện vật giấy được khai thác trực tiếp từ 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Đánh thức hiện vật giữ lửa báo chí cách mạng ảnh 1

Kỷ vật của phóng viên chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TRỌNG QUÂN

Để nhân số lượng tài liệu, hiện vật của bảo tàng lên nhiều lần, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, hành trình trở về quá khứ, dựng lại một phần câu chuyện lịch sử về các thế hệ nhà báo là hành trình dài. “Ở thời điểm đó, chúng tôi gần như tay không dựng nên bảo tàng. Chúng tôi rong ruổi khắp ba miền đất nước, đến nhiều cơ quan báo chí, đến nơi ở của các nhà báo để tiếp cận được nhiều hiện vật. Tuy nhiên, những tư liệu mà chúng tôi thu thập, trưng bày mới chỉ là một phần di sản của báo chí cách mạng Việt Nam”, bà Trần Thị Kim Hoa chia sẻ.

Kỷ vật người Tiền Phong

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang trưng bày máy đánh chữ của nhà báo Lê Văn Ba (1934-2022) - người gắn bó với báo Tiền Phong gần 30 năm. Máy đánh chữ được ông sử dụng để sản xuất các bài viết đăng trên những tờ báo bí mật như báo Nhựa sống... vào những năm 1952-1953. Máy đánh chữ hiệu AIDLEIR T-A Organistion do Đoàn học sinh kháng chiến của Hà Nội trang bị cho nhà báo Lê Văn Ba.

Không gian bảo tàng được chia thành gian khánh tiết trang trí hình tượng bút sen, các không gian trưng bày nội dung theo mốc thời gian: 1925-1945, 1945-1954, 1954-1975, khu trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, phát thanh, truyền hình, khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam… Đồng hành trong buổi giới thiệu hiện vật bảo tàng là một thuyết minh viên. Thời lượng thuyết minh với mỗi đối tượng khách khác nhau, dựa theo nhu cầu tìm hiểu riêng.

“Với sinh viên tới tham quan, học tập tại bảo tàng, chúng tôi sẽ nói sâu hơn về nội dung trưng bày. Với một nhóm khách khác, chúng tôi chỉ tập trung vào những chi tiết quan trọng nhất của lịch sử báo chí, lịch sử đất nước Việt Nam”, chị Nguyễn Thị Minh Châu, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài vụ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam kiêm người thuyết minh về bảo tàng chia sẻ.

Đánh thức hiện vật giữ lửa báo chí cách mạng ảnh 2

Những số báo đặc biệt ra đời trong tháng 5/1975. Ảnh: TRỌNG QUÂN

Tính đến nay, bảo tàng đã đón 15.000 lượt khách tham quan. Bên cạnh các khu vực trưng bày thường xuyên, khu vực trải nghiệm các loại hình báo chí và các khu chức năng khác, Bảo tàng Báo chí Việt Nam dành riêng không gian để khách tham quan đọc sách báo, tra cứu tài liệu. Trước khi rời đi, các vị khách có thể ghi lại cảm tưởng của mình và ký tên lưu niệm trên vách.

“Hiện vật ở bảo tàng không chỉ kể chuyện quá khứ, mà còn kể những chuyện của người làm báo hôm nay - những câu chuyện sau này sẽ trở thành lịch sử”.

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa

Sưu tầm tờ Người cùng khổ bằng mọi giá

Hàng chục nghìn hiện vật ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam kể câu chuyện về những dấu mốc quan trọng của nền báo chí cách mạng nước nhà. Giám đốc Trần Thị Kim Hoa cho biết, nhiều hiện vật được đích thân các nhà báo kỳ cựu hoặc gia đình trao tặng cho bảo tàng, nhưng cũng có không ít hiện vật cán bộ bảo tàng phải cất công sưu tầm, thuyết phục nhân vật.

Bà Hoa nhớ lại cuộc gặp gỡ của cán bộ bảo tàng với nhà báo Nguyễn Thanh Bền - nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng, đại diện lãnh đạo cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam.

Khoảng năm 1965-1968, khi ở Tây Ninh, nhà báo Thanh Bền mơ đến ngày giải phóng và nảy ra ý tưởng vẽ tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định bằng giấy can, ngay dưới hầm bí mật. Bản vẽ nằm trong tư trang của ông đến sau ngày giải phóng miền Nam. Năm 2020, đoàn cán bộ của bảo tàng gặp gỡ nhà báo Nguyễn Thanh Bền trong một chuyến công tác và thuyết phục ông tặng lại bản vẽ đặc biệt cho bảo tàng.

Thùng đại liên và chiếc bát sắt mà nhà báo, nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính tặng lại cho bảo tàng cũng thu hút khách tham quan. Thùng đại liên được nhà báo dùng để bảo quản phim, ảnh ở chiến trường. Bát sắt cá nhân để ăn cơm, nhưng cũng được tận dụng làm công cụ pha hóa chất rửa phim, in ảnh.

Quá trình sưu tầm tìm kiếm tài liệu về tờ Le Paria (Người cùng khổ) có thể coi là một trong những thành công lớn nhất của Bảo tàng Báo chí Việt Nam từ khi thành lập. Thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập tờ báo, từng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Đánh thức hiện vật giữ lửa báo chí cách mạng ảnh 3

Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều tin tức, bài xã luận, truyện ngắn, dịch thuật, tiểu phẩm,… trên tờ Le Paria. Ảnh: TRỌNG QUÂN

“Tờ báo gắn liền chặng đường làm báo sôi nổi của Bác Hồ tại Pháp. Khoảng năm 2022, khi Le Paria sắp tròn 100 năm ra đời, chúng tôi xác định nếu sưu tầm được các số báo này, bảo tàng có thể kể lại quá trình làm báo của Bác một cách rõ ràng, thuyết phục hơn. Từ đó cán bộ bảo tàng tìm cách liên hệ với phía Pháp để sưu tầm các số báo”, bà Trần Thị Kim Hoa kể. Cán bộ Thân Quang Minh là người nhận nhiệm vụ chính trong việc sưu tầm tài liệu, hiện vật trong và ngoài nước liên quan đến báo Le Paria.

“Bảo tàng đã gửi thư trao đổi với một số cơ quan lưu trữ ở Pháp như Thư viện quốc gia, Trung tâm lưu trữ quốc gia và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp từ châu Âu, trong đó Thư viện quốc gia Pháp cung cấp 25 số báo. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu chúng tôi đặt ra là phải tìm được số báo đầu tiên được phát hành”, ông Minh kể lại.

Các lá thư được tiếp tục gửi đi tới các trung tâm lưu trữ khác ở Pháp, Mỹ, Anh. Cán bộ bảo tàng có cơ duyên gặp gỡ bà Olivia Pelletier, chuyên gia lưu trữ phụ trách kho tư liệu về Đông Dương thuộc Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại của Pháp và được tiếp cận kho tư liệu về Việt Nam, trong đó tìm thấy tờ Le Paria số 1. Một bản số hóa chất lượng cao của Le Paria số đầu tiên được chuyên gia người Pháp trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng đã sưu tầm được 30/38 số Le Paria (bản số hóa), trong đó có số đầu tiên và số cuối cùng.

Trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng kể lại nhiều hành trình đáng nhớ liên quan đến nhiệm vụ sưu tầm hiện vật. Có những chuyến đi giữa trưa nắng như rang để xin được xe đạp của nhà báo liệt sĩ Đặng Loan. Có chuyến cán bộ bảo tàng vào Đà Nẵng, Nha Trang vượt mưa, lũ lụt để đem tư liệu về, hay hành trình trên đất phù sa, về miền Tây sông nước tìm dấu ấn chặng đường đầu tiên ra đời báo chí quốc ngữ ở Việt Nam cũng đầy ắp những vất vả và kỷ niệm khó quên.

“Nhưng đó không là gì so với sự hi sinh, cống hiến của những thế hệ nhà báo trước đây. Đó mới là câu chuyện cần được kể lại qua những hiện vật”, lãnh đạo bảo tàng khẳng định.

MỚI - NÓNG