Đánh cược với tương lai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt là Chương trình) lần đầu tiên được triển khai ở lớp 10 trong năm học 2022-2023 trên phạm vi toàn quốc. Điểm mới đáng chú ý nhất của Chương trình là các trường tự xây dựng tổ hợp môn học và tổ hợp chuyên đề học tập. Theo đó, nếu xây dựng “kịch khung” sẽ có trên 100 tổ hợp môn học.

Tuy nhiên, vì lý do thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất hoặc những lý do khác, nhiều trường, ngay cả trường tại các thành phố lớn như TPHCM cũng chỉ triển khai xây dựng một số rất ít tổ hợp môn, trong đó chủ yếu là các môn truyền thống. Rất nhiều tổ hợp môn mới, thiên về năng khiếu, nghệ thuật đã không được các trường lựa chọn triển khai.

Vì vậy, phổ tổ hợp môn học trong thực tế bị thu hẹp rất nhiều so với Chương trình và không ít học sinh không được lựa chọn các tổ hợp môn theo mong muốn, sở trường hay năng lực của mình bởi chỉ được “múa tay trong bị” với một số ít tổ hợp môn nhà trường đã lựa chọn.

Mặc dù Chương trình đã được công bố từ nhiều năm trước để các cơ sở giáo dục có thời gian chuẩn bị, nhưng đến nay hầu hết các trường gần như không đáp ứng được yêu cầu của Chương trình lẫn mong muốn của học sinh. Điều đó cho thấy đang có rất nhiều điều bất ổn, khập khiễng, thiếu đồng bộ và lúng túng từ việc xây dựng đến thực thi chính sách.

Cô Hoàng Ái Hằng, giáo viên Văn tại Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7) cho rằng, chính các môn học về xã hội, năng khiếu hay nghệ thuật mới nuôi dưỡng tâm hồn con người, làm nên hoặc giúp hoàn thiện con người xã hội. Trong khi đó, phần lớn các tổ hợp môn này đều bị các trường “cho qua” hoặc coi nhẹ nên đến giờ vẫn chưa có sự chuẩn bị để triển khai cho năm học tới. Điều đó không chỉ gây thiệt thòi cho những học sinh có thiên hướng về lĩnh vực này mà còn khiến trong tương lai con người sẽ phát triển lệch lạc cả về kiến thức lẫn tư duy, ngày càng trở nên “khô cằn” hơn và đó là điều rất đáng lo ngại.

Chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa cao và định hướng nghề nghiệp nhưng khi học sinh không có cơ hội lựa chọn thì sẽ không có nhiều ý nghĩa. Không ít phụ huynh lẫn giáo viên bày tỏ lo lắng về việc hướng nghiệp cho học sinh ở giai đoạn không phù hợp. Ở độ tuổi mới bước vào lớp 10, đa phần học sinh chưa đủ hiểu biết, kinh nghiệm nên việc lựa chọn nghề nghiệp (thông qua tổ hợp môn) chủ yếu theo cảm tính và sẽ khó tránh khỏi tình trạng “lạc lối”. Nếu không may, trẻ sẽ rơi vào tình trạng phải đánh cược sớm với tương lại của mình.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần để học sinh học đều các môn với kiến thức phổ thông đúng như tên gọi của nó và phù hợp với từng lứa tuổi, trong đó chú trọng phát triển năng khiếu và kỹ năng mềm. Không nên chạy theo thành tích để gò ép con trẻ quá sức. Hành trang bước vào đời của con trẻ là bằng sự tự tin chứ không bằng những gánh nặng thành tích đầy ám ảnh.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.