Đằng sau việc Mỹ khôi phục lệnh trừng phạt Iran

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Việc Mỹ khôi phục lệnh trừng phạt tài chính-kinh tế đối với Iran là một trong những động thái nhằm đáp trả cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của quân đội Iran tại eo biển Hormuz.

Lệnh trừng phạt Iran chính thức có hiệu lực

Ngày 5/8 chính phủ Mỹ tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế-tài chính nhằm vào Iran được Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt sau khi Mỹ rút khỏi hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/8 (theo giờ Mỹ).

Theo đó, kể từ 4 giờ 01 phút ngày 7/8 (giờ GMT), chính phủ Iran sẽ không thể mua tiền giấy của Mỹ. Hàng loạt các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng nhằm vào nền công nghiệp Iran, trong đó có ngành xuất khẩu thảm.

Trước đó, ngày 8/5 Tổng thống Trump đã quyết định rút khỏi hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran. Đồng thời bắt đầu khở động lại các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nhằm vào Tehran, trong đó có việc yêu cầu các nước nhập khẩu năng lượng giảm thiểu nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.

Sau đó, vào ngày 2/7, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, kể từ ngày 4/11 nước này sẽ khôi phục lệnh cấm vận đối với ngành năng lượng của Iran, biến thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số không.

Động cơ của Mỹ là gì?

Việc chính phủ Mỹ khôi phục lệnh trừng phạt tài chính-kinh tế đối với Iran là nhằm đáp trả cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của quân đội Iran tại eo biển Hormuz vừa được tiến hành trong mấy ngày qua.

Mỹ tuyên bố các biện pháp trừng phạt Iran có hiệu lực đúng vào thời điểm Iran xác nhận đã tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại eo biển Hormuz nhằm đối kháng với sự đe dọa đến từ kẻ thù. 

Do đó, động thái này của Mỹ được giới phân tích đánh giá là nhằm phát tín hiệu cho Iran thấy được quyết tâm của Mỹ trong việc thực hiện nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt Iran đã được ông Trump đưa ra.

Không phải ngẫu nhiên, ngày 5/8 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết Washington sẽ “thực hiện nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt” mà nước này vừa áp đặt trở lại đối với Iran, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran. 

Phát biểu với báo giới, ông Pompeo cho rằng việc tăng cường trừng phạt Iran là nhằm “đẩy lui các hành động nham hiểm của Tehran”. Theo ông Pompeo, người dân Iran “đang không hài lòng vì ban lãnh đạo đất nước không thể thực hiện những cam kết về kinh tế”.

MỚI - NÓNG