Mất nhiều năm lăn lộn, đánh đổi nhiều tâm huyết để hình thành thương hiệu và uy tín, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần NC Network cho biết, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức. Theo bà Hạnh, một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng chính là hầu hết doanh nghiệp gặp phải các vấn đề chính như: tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc, năng lực tài chính, tiêu chuẩn, chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên, vật liệu, quy trình quản lý cũng như đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Cùng với đó, doanh nghiệp thiếu đủ yếu tố khác như: chưa có một thương hiệu máy máy cái đủ tốt để sản xuất sản phẩm. Các doanh nghiệp hầu hết sử dụng máy cũ của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
“Dù số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tăng mạnh nhưng vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Cùng đó, Việt Nam chưa hình thành được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh, nên khó có thể đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi gia công nhiều công đoạn. Do vậy, phần lớn đơn hàng bị trễ hạn so với thời hạn đã cam kết với đối tác”, bà Hạnh cho hay.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần NC Network, để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường. Trong đó, cần quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý.
Lý giải việc có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư rất lớn vào Việt Nam trong những lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, hay làm thương mại dệt may, da giày nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản không nhiều, ông Akutsu Michio, Chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản cho rằng, sự chậm tham gia vào chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt còn nhiều điểm yếu.
Cụ thể, theo ông Akutsu Michio, năng lao động của lao động ở các địa phương còn thấp trong khi tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao vẫn là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua. Cùng với đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn yếu, việc tiếp cận nguồn vốn gặp nhiều khó khăn cũng là những rào cản lớn bên cạnh việc doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên vật liệu khiến giá thành sản phẩm thiếu cạnh tranh. Việc thiếu thông tin thị trường, nhu cầu của khách hàng quốc tế cũng là nút thắt cần tháo gỡ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thời gian tới.
Theo các chuyên gia, cùng với tận dụng các cơ chế ưu đãi, phải hình thành các doanh nghiệp đầu đàn để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Ảnh: Như Ý |
Gỡ nút thắt cơ chế, tạo nhóm doanh nghiệp dẫn dắt
Dưới góc độ đơn vị luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy, dù có kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD mỗi năm, nhưng hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao.
Khó khăn đầu tiên mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt gặp phải là vấn đề về nguồn vốn. Các doanh nghiệp cho biết, đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc mà các quy định hiện hành của pháp luật chưa thể giải quyết để tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong đó, chính sách tín dụng là một trong những vấn đề nhiều đơn vị gặp phải.
“Do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ cũng như xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp Việt Nam như: không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng…, nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng”, ông Vượng nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, việc áp dụng thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111 cũng đang gặp một số vướng mắc trong triển khai nên hiện doanh nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi. Do đó các chính sách về nguồn vốn, đất đai và thuế đang là các chính sách cần được sửa đổi để triển khai đi vào thực tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt qua các khó khăn hiện nay.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), dù có những cơ chế ưu đãi nhưng Việt Nam đến nay vẫn chưa tận dụng được các chính sách đang có để vươn lên. Như với ngành công nghiệp ôtô, do sản lượng của ngành thấp, doanh nghiệp chỉ có thể cung cấp linh kiện nhựa và các linh kiện đơn giản cho các hãng ôtô nên cũng hạn chế sự gia nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngay với ngành công nghiệp điện tử, phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là nhựa và cao su. Linh kiện điện tử phần lớn được cung cấp bởi các doanh nghiệp FDI.
Để đón đầu được luồng chuyển dịch nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về Việt Nam của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần phối hợp với hiệp hội hình thành nhóm doanh nghiệp và nhóm lĩnh vực để tập trung gia tăng số lượng và chất lượng sản xuất. Việc hình thành nhóm doanh nghiệp đầu đàn sẽ giúp sản xuất được các cụm linh kiện, tạo ra những nhóm doanh nghiệp tiên phong có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp toàn cầu.
Bộ Công Thương cho biết, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 30.000 chi tiết, linh kiện thì các doanh nghiệp này mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết.