Vụ Hội đồng Anh:

Đằng sau việc Bộ Ngoại giao Anh triệu Đại sứ Nga

Đằng sau việc Bộ Ngoại giao Anh triệu Đại sứ Nga
TP - Ngày 16/1, hãng tin Nga Interfax từ London cho biết, Đại sứ Liên bang Nga tại Liên hiệp Anh Yury Fedotov đã bị Bộ Ngoại giao Anh triệu lên để giải quyết tình hình xung quanh việc hoạt động của Hội đồng Anh tại Nga.

>> Chính sách của Moscow đe dọa quan hệ song phương

Đằng sau việc Bộ Ngoại giao Anh triệu Đại sứ Nga ảnh 1
Chủ tịch Hạ viện Nga Boris Gryzlov. Ảnh: từ Internet

Cùng ngày hãng tin Anh BBC đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Miliband cảnh báo phía Nga rằng sự hăm dọa các quan chức Hội đồng Anh là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Hội đồng Anh đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc các nhân viên của họ bị lực lượng an ninh Nga phỏng vấn và giám đốc thì bị cảnh sát giữ.

Trong khi đó, hãng tin Nga Itar-Tass dẫn lời các quan chức Cơ quan an ninh Liên bang (FSB) giải thích về tình hình của Hội đồng Anh và ý kiến của phía Nga về các nhân viên người Nga làm việc tại các văn phòng khu vực của Hội đồng Anh nhằm tránh việc tham gia không cố ý vào các hành động khiêu khích phía Anh.

Theo Cơ quan FSB, văn phòng của Hội đồng Anh ở Saint Petersburg mở cửa trở lại ngày  14/1 sau một thời kỳ nghỉ đón Năm mới 2008. Việc mở cửa trở lại này bất chấp lệnh cấm do phía Nga ban hành ngày 1/1/2008.

Phía Nga cho rằng hành động này của Hội đồng Anh là thể hiện rõ Hội đồng đã phớt lờ đòi hỏi của phía Nga về việc các văn phòng khu vực của Hội đồng Anh tại Nga phải ngừng hoạt động vì lý do thiếu các hiệp định giữa hai nước về tư cách pháp lý của các văn phòng này.

Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov cho biết, có ý kiến nói rằng hoạt động của các văn phòng Hội đồng Anh nói trên không hoàn toàn phù hợp với nghị quyết của Chính phủ Nga về “Việc thành lập và những qui định về hoạt động của các trung tâm thông tin và văn hóa nước ngoài trên lãnh thổ Liên bang Nga”.

Nghị quyết này yêu cầu các trung tâm nói trên phải được sự cho phép của Nga trước khi mở cửa hoạt động. Công ước Vienna về Lãnh sự cũng nói rằng mọi thực thể được hưởng quyền ngoại giao miễn trừ và ưu đãi ngoại giao phải tôn trọng luật pháp của nước chủ nhà.

Chủ tịch Margelov cho rằng Hội đồng Anh không có các chức năng lãnh sự và tình hình của Hội đồng Anh không phải vừa qua mới xảy ra mà các văn phòng khu vực của Hội đồng Anh ở Nga “đã tham gia một cách tích cực vào các hoạt động thương mại trong nhiều năm. Hội đồng Anh bán các dịch vụ dạy học mà không có giấy phép thích hợp”, ông Margelov nói.

Ông cho rằng những hoạt động như vậy cũng mâu thuẫn với Công ước Lãnh sự Vienna, do đó cơ quan thuế Nga đòi các văn phòng Hội đồng Anh nói trên phải ngừng hoạt động.

Thượng Nghị sĩ Margelov nói: “Trong nhiều năm qua, Hội đồng Liên bang đã mở diễn đàn cho nghị viện hai nước thảo luận về các vấn đề pháp lý nhưng rất tiếc là các cuộc thảo luận như vậy đã không diễn ra mà chỉ thấy ngày càng nhiều vấn đề rắc rối nổi lên”.

Cùng quan điểm với Thượng nghị sĩ Margelov, Chủ tịch Hạ viện Nga Boris Gryzlov cho rằng đòi hỏi của Nga nhằm đưa hoạt động của các văn phòng khu vực Hội đồng Anh đến chỗ tuân thủ luật pháp của Nga là hoàn toàn có lý và đúng đắn.

Ông Gryzlov nói: “Hội đồng Anh cho rằng không có lý do rõ ràng nào về việc các văn phòng của họ không tuân thủ pháp luật Nga trong khi phía Nga hiểu rằng các văn phòng này chỉ có hai sự lựa chọn: một là chấp nhận đóng thuế, hai là hoạt động dưới vỏ bọc của phái bộ ngoại giao Anh, trong trường hợp này là các Tổng lãnh sự Anh tại Saint Petersburg và Yekaterinburg.

Nhưng nếu phía Anh chọn hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao thì hai văn phòng khu vực nói trên của Hội đồng Anh không có quyền tham gia vào các hoạt động thương mại. Họ cần phải đưa ra một lựa chọn”.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Konstantin Kosachyov nói rằng Anh là nước EU duy nhất, có lẽ cũng là đối tác nước ngoài duy nhất của Nga, tìm cách hoạt động theo kiểu riêng của họ và lập ra những qui định riêng. Những qui định đó có thể tiện lợi cho phía Anh nhưng lại chưa được thảo luận và không tiện lợi một cách tương xứng cho phía Nga.

Ông Kosachyov cho biết các nước thành viên EU khác cũng có phòng văn hóa của họ tại Nga như Đức, Pháp, Tây Ban Nha nhưng họ “hoạt động hoàn toàn khác. Họ tuân thủ hoàn toàn luật pháp của Nga cũng như các hiệp định liên chính phủ”. 

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG