PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết từ số liệu trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT gửi về thì trường nhận được khoảng hơn 53.000 nguyện vọng đăng ký. Trong khi đó, chỉ tiêu của trường là 6.500. Trong đó, nguyện vọng 1 đạt khoảng 70% chỉ tiêu. Từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 3 đạt khoảng gần 140% chỉ tiêu.
PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho biết tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký về trường cao hơn năm 2017. Số nguyện vọng 1 ở cơ sở Hà Nội khoảng gần 2.000, nguyện vọng 2 khoảng 2.500, chỉ tiêu năm nay của trường là 3.500. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Thanh Chương, con số này chưa nói lên được điều gì. Ông cho biết thêm, số thứ tự nguyện vọng đăng ký vào trường cũng rất phong phú. Từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng trên 10.
ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng nhận được khoảng 6.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Trong đó, số lượng nguyện vọng 1 là khoảng 1.600. Còn tại ĐH Đà Nẵng, số lượng nguyện vọng 1 đăng ký vào trường cũng tăng hơn năm 2017 khoảng vài nghìn. Tuy nhiên, năm nay chỉ tiêu của trường có tăng hơn năm trước một chút vì có thêm một trường ĐH được thành lập từ trường CĐ là trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.
Có ngành đăng ký vượt 200%
Khi nhận dữ liệu từ Bộ chuyển về, nhiều trường thấy “hoảng” vì mất cân đối số lượng hồ sơ đăng ký giữa các ngành. Đại diện trường ĐH Đà Nẵng cho biết, ngành Công nghệ thông tin và ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của trường có số lượng nguyện vọng đăng ký rất lớn. Thậm chí vị này còn hài hước khi nhận định: có lẽ do thí sinh ra đường thấy Việt Nam nhiều ô tô quá nên chọn ngành học này chăng?
Tương tự như ĐH Đà Nẵng, ngành công nghệ ô tô của trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng đón nhận rất nhiều nguyện vọng đăng ký của thí sinh. Ước tính của trường nguyện vọng vào ngành này vượt khoảng 200% chỉ tiêu. Trong khi đó, một số ngành khác lại có số lượng nguyện vọng đăng ký không lớn.
Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. Trần Văn Tớp cho biết ngành công nghệ thông tin của trường vẫn giữ vị trí quán quân khi thu hút được lượng lớn nguyện vọng đăng ký. Một số ngành những năm trước tuyển sinh có khó hơn thì năm nay đã khởi sắc như Kỹ thuật thực phẩm, kỹ thuật sinh học. Nhưng ngành Kỹ thuật hóa học và Kỹ thuật môi trường chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của thí sinh.
Theo nhận định của một chuyên gia việc mất cân đối số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành trong trường sẽ khiến các trường rất khó khăn khi tuyển sinh. Cho đến giờ, việc ngành tuyển không hết, ngành tìm không ra vẫn là bài toán mà các trường ĐH vẫn chưa giải quyết được.
Một điểm mới của mùa tuyển sinh ĐH 2018 là các trường được quyết định điểm sàn riêng cho trường. Đại diện ĐH Đà Nẵng cho biết với các trường top trên, điểm sàn của Bộ GD&ĐT hàng năm không có ý nghĩa. Vì các trường lấy điểm chuẩn trên sàn rất nhiều. Nhưng việc năm nay các trường được tự công bố điểm sàn, theo vị đại diện này, sẽ có một số trường có thêm cơ hội để tuyển những thí sinh dưới sàn hàng năm của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng việc các trường “hạ sàn” sẽ chỉ giải quyết được bài toán trước mắt. Về lâu dài người học, phụ huynh sẽ quay lưng lại với trường.