Trước đó, từ 19g ngày 26/2, hàng trăm người dân đã vây kín cổng hai nhà máy thép nói trên, không cho công nhân vào làm việc. Theo phản ánh của người dân, hai nhà máy này hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân.
Người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 "cắm chốt" ở đây cả đêm qua. Ảnh: G.H
Ông Ngô Lộc (tổ 3, thông Vân Dương 2) chia sẻ: “Tình trạng này đã kéo dài gần chục năm nay. Hoa màu thất thoát, ruộng cũng không canh tác được. Không khí thì ô nhiễm, cứ mỗi lần nhà máy hoạt động là ồn không thể chịu được”.
“Mỗi lần nhà máy hoạt động là thải khí CO2 độc hại ra môi trường. Chưa kể, nước thải sản xuất làm đất đai ô nhiễm nghiêm trọng, cây cối cứ mọc lên là chết yểu hết”, anh Huỳnh Đức (tổ 2, thôn Vân Dương 2) kể lại.
Rất đông người dân vây trước cổng nhà máy Dana - Ý (ảnh trên) và Dana - Úc (ảnh dưới). Sáng nay, hai nhà máy này ngừng hoạt động. Ảnh: Giang Thanh
Là công nhân ở nhà máy thép Dana – Úc đã 10 năm nay, nhưng anh Đức cũng cùng người dân thôn mình vây nhà máy để phản đối việc xả thải gây ô nhiễm. “Bản thân tôi trực tiếp làm việc nên biết được sự độc hại của chất thải nhà máy đối với môi trường và người dân. Tiền thì phải kiếm, nhưng không thể vì miếng ăn của mình mà làm ảnh hưởng đến đời con, đời cháu mình được”, anh Đức nói.
Theo nhiều người dân, tình trạng ô nhiễm gây nhiều bệnh tật, hàng chục người dân của cả 2 thôn bị ung thư đang điều trị, nhiều người dân thì mắc các bệnh u bướu, bệnh đường hô hấp....
Tình trạng này đã được người dân nhiều lần phản ánh với chính quyền huyện và TP. TP cũng tổ chức đối thoại với dân và thống nhất sẽ di dời dân. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng bức xúc khi TP đã hứa những chậm thực hiện di dời.
Anh Nguyễn Văn Phước (tổ 5, thôn Vân Dương 2) cho biết, thành phố trước đó đã có chủ trương di dời 60 – 70 hộ dân trong năm 2017. “Nhưng bây giờ đã qua năm 2018 rồi mà vẫn không thấy động tĩnh chi. Nhà cửa, ruộng vườn thì đều kiểm định hết rồi, không cho dân trồng trọt làm chi hết. Mà miết không thấy di dời. Chính quyền như rứa là lừa dân”, anh Phước bức xúc.
Cũng theo anh Phước, người dân đã phản đối từ hôm qua đến giờ và sẽ tiếp tục cho đến khi TP có những biện pháp cụ thể, “chứ không thể hứa mãi được”. Anh Phước cho biết: “Tối qua đến giờ, bên huyện có cử cán bộ thôn, xã và công an để ổn định trật tự, chớ không có động thái chi khác nữa. Lãnh đạo nhà máy cũng “im lìm” không ra đối thoại với người dân”.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Khi nhận được thông tin, UBND huyện đã cử các lực lượng xuống giữ gìn trật tự và thuyết phục người dân ra về. "TP cũng đang họp về vấn đề này, dự kiến, chiều nay, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh sẽ xuống đối thoại trực tiếp để giải quyết bức xúc cho người dân", ông Hành cho hay.