Cơ sở chế biến hàng trăm tấn cau trái non được thu mua ồ ạt trên toàn địa bàn TT-Huế đặt tại xã Hương Hòa, huyện Nam Đông - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề trồng cau tỉnh này. Lò chế biến, hong sấy cau non quy mô rất lớn này do một người đàn ông tên là Lương Văn Công Vũ (46 tuổi) quản lý. Lò sấy xây dựng không phép trên diện tích đất gần 800m2. Mặc dù bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ, nhưng thời điểm chúng tôi có mặt, cơ sở chế biến xây dựng chui này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Ông Hồ Văn C., nhà ở cạnh lò sấy cau xây chui, phản ánh: Từ nhiều tháng nay, bất kể ngày hay đêm, cơ sở này đều hoạt động đều đặn, xả thẳng khói mù mịt ra môi trường, xộc khí than đá nặng mùi vào các nhà lân cận, khiến nhiều hộ dân sinh sống xung quanh luôn trong tình trạng “ngộp thở”. “Vào buổi chiều tối và đêm, lượng khói bẩn xả ra từ cơ sở sấy cau đậm đặc xộc thẳng vào nhà chúng tôi, gây nhức đầu, cay mắt, khó chịu, không thể ngủ được”, ông Hồ Văn C. nói. Còn ông A Viết P. cho biết, để ngăn khói mù mịt từ lò sấy cau “chui” xộc vào nhà, gia đình đã làm đủ cách, phải đóng cửa suốt ngày, thậm chí đeo khẩu trang khi đi ngủ, nhưng vẫn không sao tránh được khói, sức khỏe người già và trẻ con đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Còn theo ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa, trên địa bàn hiện có 5 lò sấy cau, nhưng duy nhất cơ sở chế biến của ông Lương Văn Công Vũ là xây dựng trái phép và cách sấy cũng khác thường. Cơ sở này dùng phương pháp sấy bằng đốt mùn cưa, than đá, hoạt động với mật độ dày đặc, công suất lớn, nên lượng khói thải ra môi trường rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của dân xung quanh.
Qua tìm hiểu, cơ sở sấy cau gây ô nhiễm môi trường kể trên được một người chủ ở Hải Phòng vào thuê đất của dân địa phương để xây dựng. Được biết, mỗi ngày cơ sở này thu hút khoảng 20 lao động trong và ngoài địa phương đến làm việc, trong đó, có cả 2 người mang quốc tịch Trung Quốc. Hai người nước ngoài này thuê nhà tại thị trấn Khe Tre (Nam Đông) để ở và vào làm việc cho lò sấy cau “chui” thuộc xã Hương Hòa. Tuy xây dựng không phép và sau đó đi vào hoạt động trót lọt trong thời gian dài, cơ sở này không hề bị chính quyền sở tại “tuýt còi”.
Đến đầu tháng 8/2017, khi người dân không chịu được ô nhiễm khói bẩn từ lò sấy cau chui đã gửi ý kiến lên huyện, UBND huyện Nam Đông mới chỉ đạo lập đoàn kiểm tra, qua đó phát hiện sai phạm. Ngày 14/8, bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở sấy cau quy mô lớn này, với mức 40 triệu đồng, do làm công trình trên đất không được phép xây dựng có diện tích 770m2. UBND huyện Nam Đông còn yêu cầu chủ cơ sở phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép sau 10 ngày kể từ thời điểm quyết định xử phạt được ban hành.
Tuy nhiên, thời điểm phóng viên có mặt tại xã Hương Hòa khoảng hai tháng sau khi quyết định trên có hiệu lực, cơ sở sấy cau chui của ông Lương Văn Công Vũ vẫn ung dung hoạt động, khói bẩn dày đặc cứ tiếp tục phả ra môi trường và “quấy nhiễu” người dân xung quanh. Theo giải thích của một lãnh đạo UBND huyện Nam Đông, cơ sở sấy cau chui tuy bị xử phạt hành chính, nhưng chính quyền huyện nhận thấy nơi đây tiêu thụ cau cho người dân rất tốt, giá thu mua cao (từ 18.000 đến 23.000 đồng/kg, tăng gấp đôi năm ngoái), lại tạo nhiều việc làm, nên cơ quan chức năng tạo điều kiện hướng dẫn cho chủ cơ sở làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục tiêu thụ cau trái với giá cao cho bà con đến hết mùa cau năm 2017.