Khai thác mỏ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Khai thác mỏ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt
TP - Một trạm cấp nước sinh hoạt dành cho hàng trăm hộ dân xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) đứng trước nguy cơ ô nhiễm do một mỏ đất san lấp vừa được UBND tỉnh TT-Huế cấp phép khai thác ngay bên cạnh. Cứ mưa xuống, nước “dẫn dòng” từ đường mỏ còn chảy thẳng vào trường mầm non bên dưới, khiến giáo viên, phụ huynh sợ xanh mặt.

Giữa năm 2017, mỏ đất san lấp thôn Tân An Hải được UBND tỉnh TT-Huế cấp phép cho Cty TNHH Sơn Đình Thu (cùng đóng xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) khai thác. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác mỏ gây nên những nguy cơ ô nhiễm môi trường, vấy bẩn nguồn nước uống. Tuyến đường mỏ tạo dòng chảy như suối lớn mỗi khi có mưa to tống thẳng nước bùn vào trường mầm non bên dưới, lan ra khu dân cư xung quanh, khiến nhiều phụ huynh, người dân và giáo viên bất an.

Khai thác mỏ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ảnh 1 Gần bên phải khu mỏ đang khai thác này là con suối có bố trí điểm thu nước dẫn về trạm cấp cho hàng trăm hộ dân xã Lộc Bình.

Thời điểm PV có mặt tại khu vực mỏ, nơi đây vừa có mưa nhỏ. Nước mưa đẩy theo lớp đất phong hóa bề mặt từ khu mỏ, vốn không có đê bao be chắn quanh mỏ, tuôn thẳng xuống đầu nguồn một con suối, khiến dòng nước nơi đây chứa đầy cặn bùn. Trong khi, con suối lại là nguồn cung cấp cho trạm nước sinh hoạt toàn xã, chỉ cách nơi cày ủi, đào đất khai mỏ vài bước chân.

Theo người dân Lộc Bình, mùa nắng nhiều năm trước, toàn xã thường khan hiếm nước sạch. Trong khi nhiều xã tại Phú Lộc đã hòa mạng nước sạch chung của Cty Xây dựng và Cấp nước TT-Huế, thì tại Lộc Bình, do địa hình đồi núi cách trở, nên vẫn phải dùng nước khe suối tự chảy. Khó khăn lắm, hệ thống nước sinh hoạt phục vụ cho nhiều hộ dân mới được đầu tư về xã bãi ngang khó khăn này. Tuy nhiên, mới đây, việc một mỏ đất được UBND tỉnh cấp phép hoạt động ngay sát nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ gia đình, khiến người dân hết sức lo ngại. Chưa hết, người dân nơi đây hiện sống cảnh bất an, do vùng đồi núi thôn Tân An Hải - nơi có mỏ đá Sơn Đình Thu treo trên đầu - là khu vực thường xảy ra sạt lở lớn. Năm 1999, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng từng làm cả mảng đồi lớn bị mưa lũ kéo thẳng ra phía đầm Cầu Hai, dìm nát nhà cửa của dân.

Khai thác mỏ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ảnh 2 Rãnh thoát nước mưa được “dẫn dòng” từ đường mỏ về thẳng điểm trường mầm non bên dưới.
Khai thác mỏ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ảnh 3 Bùn đất chảy về từ đường mỏ đọng lại phía sau vách trường mầm non.

Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình, nhìn nhận: “Địa phương không lường trước thực tế xảy ra như hiện nay. Khi các cơ quan chức năng về khảo sát điểm cấp mỏ khai thác đất, Đảng ủy xã không được thông báo. Nếu được tham gia khảo sát, góp ý kiến, cấp ủy đã yêu cầu mỏ đất phải tránh xa nguồn nước sinh hoạt của dân”. Còn theo ông Lương Thế Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã, mỏ đất Sơn Đình Thu đã được tỉnh cấp phép khai thác, do đó, doanh nghiệp phải tăng cường trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt chung toàn xã, bảo đảm an toàn cho dân và trẻ mầm non bên dưới.

Khi chúng tôi từ khu mỏ trở xuống chân núi, chị Ngô Thị Diệp (ngụ thôn Tân An Hải, xã Lộc Bình) đón đường phản ánh: “Mới trận mưa nhỏ vừa rồi, toàn bộ nước bùn từ đường mỏ chảy thẳng vào vườn tược của gia đình. Mưa to, tui lo cây cối, nhà cửa bị nước cuốn trôi”. Tương tự, điểm trường mầm non Tân An Hải cũng có nguy cơ bị nước mưa dẫn dòng từ đường mỏ xói sập.

MỚI - NÓNG