Làng nghề Tân Triều rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Ảnh: Hà Thành.
Ô nhiễm vượt xa giới hạn
Nằm gần khu vực nội đô, nhiều năm qua tình trạng ô nhiễm đã trở thành vấn đề bức bách đối với người dân xã Tân Triều (Thanh Trì) khi hàng ngày phải sống trong bầu không khí nồng nặc mùi hôi do các hộ sản xuất tái chế lông vũ, phế thải nhựa, kim loại… gây ra. Bà Lê Thị Oanh, sinh sống tại ngõ 300 Nguyễn Xiển cho biết: “Tình trạng ô nhiễm tại làng nghề đã kéo dài từ nhiều năm qua, sau khi người dân phản ánh, có rất nhiều cơ quan đến khảo sát, bàn bạc biện pháp khắc phục nhưng đến nay chưa có biện pháp nào được đưa ra khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng…”.
Tại huyện Hoài Đức, tình trạng ô nhiễm cũng là nỗi bức bách, đe dọa môi trường sống, sức khỏe của người dân, nhất là tại 4 làng chế biến thực phẩm gồm: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Sơn Đồng. Do việc chế biến tinh bột, nên lượng nước thải thải ra môi trường chưa qua xử lý khoảng 3 triệu m3/năm. Cùng trên địa bàn huyện này, Cụm công nghiệp Di Trạch gồm 18 nhà máy sản xuất cũng không có trạm xử lý nước thải tập trung, dẫn đến tình trạng xả thải ra môi trường khiến hệ thống mương tưới tiêu trong khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, hai bờ kênh bị chất thải công nghiệp nhuộm một màu đen trong suốt nhiều năm qua.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, số làng nghề đã đăng ký và được Sở Công Thương công nhận đến hết năm 2016 là 297. Với quy mô làng nghề lớn, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước.
Số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Phân tích TN&MT (CENMA) với 22 cụm và 22 làng nghề trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2012-2015, Kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội của Tổng cục Môi trường và các số liệu quan trắc môi trường từ 2007 đến nay cho thấy: Môi trường không khí ở một số làng nghề có nồng độ bụi vượt 1,4- 6,7 lần giới hạn. Các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng nhiều nơi vượt giới hạn cho phép về môi trường như As (Arsenicum) vượt đến 1,8 lần, Cr (Crom) vượt gần 12 lần. Nồng độ nhiều chất hữu cơ độc hại trong không khí vượt giới hạn như Benzene vượt từ 1,1 đến 1,4 lần, Acetone vượt đến 12 lần.
Môi trường nước thải tại 5 làng nghề đã điều tra khảo sát có các chỉ tiêu như COD, BOD, Nitrat, Amoniđều vượt giới hạn, có nơi vượt đến 14,4- 17,2 lần; Chỉ tiêu vi sinh Coliform vượt hơn một trăm lần. Một số làng nghề dệt nhuộm và cơ kim khí bị ô nhiễm bởi một số kim loại nặng như Cr6+ vượt 8,1-9,4 lần, Ni vượt 9,7 lần, Fe vượt 8,0-53,5 lần, Hg vượt 1,1-7,7 lần, Zn vượt 36 lần...
Xã hội hoá chống ô nhiễm làng nghề
Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng ở các làng nghề, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng 2030, với nhiều nhóm giải pháp.
Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020, tập trung rà soát đánh giá, phân loại 80 làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm để đề xuất danh sách các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và danh mục các dự án xử lý ô nhiễm cho từng loại hình sản xuất. Thiết kế mạng lưới quan trắc và đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc tự động phục vụ kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề. Triển khai đầu tư xây dựng và vận hành các mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến và phù hợp với các nhóm làng nghề ô nhiễm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, về cơ bản, nguồn vốn để thực hiện các dự án trong Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng 2030 sẽ được thực hiện bằng hình thức xã hội hoá. Ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo cơ sở ban đầu. Qua thực tế, một số dự án môi trường được thực hiện bằng hình thức BT đã góp phần trong việc cải thiện môi trường. Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, tại xã Dương Liễu (Hoài Đức), sau khi đưa vào sử dụng tháng 10/2016, hàng ngày nhà máy xử lý thường xuyên 5.000m3 nước thải. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hộ sản xuất ngoài đê thuộc xã Minh Khai, Cát Quế chưa đấu nối nên công suất mới đạt khoảng 50%. Dự kiến, đầu năm 2018, khối lượng nước thải được xử lý sẽ tăng lên khoảng trên 10.000m3 khi Cty Phú Điền hoàn tất hệ thống đấu nối tại các làng nghề trong khu vực.
Theo Chi cục Môi trường, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án cải thiện môi trường, cùng với những ưu tiên về chính sách, quỹ đất, thành phố Hà Nội cần sớm xây dựng và ban hành quy định đảm bảo doanh nghiệp thu hồi lại được vốn.
Thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt khoản đầu tư 891 tỷ đồng. Trong đó, dành 100 tỷ đồng để đầu tư và hoàn thiện các trạm xử lý nước thải ở 20 cụm công nghiệp; 500 tỷ đầu tư, xây dựng, vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; 140 tỷ đồng dành cho xây dựng, vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề nhuộm, nghề da. Ở giai đoạn tiếp theo (2020 - 2030), thành phố tiếp tục dành khoản đầu tư 735 tỷ đồng cho việc xây dựng, vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường nhóm làng nghề thủ công, mỹ nghệ là 252 tỷ đồng; 228 tỷ đồng dành cho việc xây dựng, vận hành quy trình xử lý môi trường đối với nhóm làng nghề gia công kim khí.