Đồng Nai xây khu xử lý rác: Cả triệu dân lo nguồn nước ô nhiễm

Bãi chôn lấp rác thải.
Bãi chôn lấp rác thải.
TP - Hồ Đá Đen có dung tích 34 triệu m3 nước, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm vì một khu xử lý chất thải nằm ở thượng nguồn được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai.

Đây cũng là nguồn cung cấp nước duy nhất ở tỉnh này, hiện chưa có nguồn cấp nước dự phòng nào.

Thực tế không như báo cáo ĐTM?

Điều mà người dân và chính quyền tỉnh BR-VT lo lắng hoàn toàn có cơ sở, bởi Khu xử lý chất thải Thiên Phước, do Cty TNHH thương mại Thiên Phước làm chủ đầu tư, có diện tích 20ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) hoạt động từ năm 2013, được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Khu xử lý chất thải này bao gồm: một lò đốt chất thải nguy hại công suất 24 tấn/ngày, một khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 2.000m2, hệ thống xử lý nước rỉ rác (đang vận hành thử nghiệm) và một khu chôn lấp chất thải rắn nằm ngay đầu nguồn suối Chà Răng (cách khu xử lý chất thải Thiên Phước khoảng 200m). Con suối này chảy về suối Sông Xoài (huyện Tân Thành), sau đó đổ về hồ Đá Đen. Khoảng cách từ suối Chà Răng đến hồ Đá Đen khoảng 20km. Một số người dân ở khu vực gần nhà máy phản ánh, nước rỉ rác trong khu bờ bao nhà máy vẫn tràn qua rẫy cây trồng của người dân làm chết cây trồng.

Lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ Đá Đen, mới đây tỉnh BR-VT và tỉnh Đồng Nai cùng phối hợp khảo sát Khu xử lý chất thải Thiên Phước. Ông Nguyễn Ngọc Bé, Giám đốc Cty TNHH thương mại Thiên Phước, chủ đầu tư dự án cho biết toàn bộ dự án có diện tích 20ha, nhưng do việc giao đất chậm nên một số công trình xử lý nước rỉ rác chưa hoàn thiện. Cty hoạt động từ cuối năm 2014 tới nay với công suất 12.700 tấn/ năm, công suất xử lý nước thải 120m3 /ngày và hoàn toàn được tái chế cho các hoạt động của nhà máy, hố chôn lấp rác thải sinh hoạt có diện tích khoảng 2.000m2, do hiện tại chưa có lò đốt nên rác thải được xử lý bằng chôn, hiện Cty đang phấn đấu giảm việc chôn rác thải xuống còn dưới 15%.

Theo báo cáo ĐTM được Bộ TN-MT phê duyệt, toàn bộ hệ thống xử lý nước thải của khu xử lý phải thải ra suối Sóc, chảy về suối Cầu Mới của tỉnh Đồng Nai. Nhưng trên thực tế, phía tỉnh BR-VT chứng minh suối Sóc lại có địa hình cao hơn Khu xử lý chất thải Thiên Phước 20m nên nước thải của khu xử lý chất thải này không thể chảy về suối Sóc như ĐTM đã phê duyệt. Do đó, khi trời mưa, toàn bộ lượng nước thải cộng với nước mưa sẽ chảy tràn từ khu xử lý và khu chôn lấp chất thải sinh hoạt Thiên Phước về suối Chà Răng (có địa hình thấp hơn 50m) rồi chảy về suối Sông Xoài, sau đó chảy về hồ Đá Đen. Phía BR-VT  lo ngại nếu không quản lý chặt chẽ, khi có mưa to, lũ lụt dẫn đến vỡ bờ bao thì toàn bộ lượng nước thải trộn lẫn rác thải sinh hoạt sẽ chảy tràn về suối Chà Răng và tỉnh BR-VT sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Không thể di dời

Ông Đặng Sơn Hải, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh BR-VT nói: “Với tầm quan trọng của hồ Đá Đen, nên tỉnh đặc biệt quan tâm bảo vệ. Có một vài thời điểm chất lượng nước trong hồ có ô nhiễm, vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, từ khi Khu xử lý chất thải Thiên Phước, nằm ở thượng nguồn, cách hồ Đá Đen khoảng 20km đi vào hoạt động thì BR-VT vô cùng lo lắng trước nguy cơ nước thải ở khu xử lý này sẽ gây ô nhiễm hồ Đá Đen. Do đó, BR-VT cần sự hỗ trợ của Đồng Nai để ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ gây ô nhiễm này”. Đại diện Phòng TNMT huyện Châu Đức phản ánh suối Chà Răng là đầu nguồn của hồ Đá Đen, việc chôn lấp rác ở mức 15% thì trong nhiều năm cũng là rất nhiều và rõ ràng là tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm với nguồn nước sinh hoạt của tỉnh.

Lo nguy cơ hồ Đá Đen bị ô nhiễm, tỉnh BR-VT đề nghị Đồng Nai kiến nghị Bộ TN-MT xem xét lại ĐTM  của Khu xử lý chất thải Thiên Phước. Vì theo ĐTM không phù hợp với thực tế. Đồng thời xem xét không cho dự án chôn lấp rác thải mà phải xử lý bằng công nghệ đốt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Lê Tuấn Quốc đề nghị: Nếu được cách tốt nhất nhằm ngăn ngừa hồ Đá Đen bị ô nhiễm là di dời khu xử lý chất thải này, BR-VT sẽ hỗ trợ một phần chi phí để chủ đầu tư di dời.

Về phía Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Đồng Nai rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và luôn đặt lên hàng đầu. Khu xử lý chất thải Thiên Phước là 1 trong 8 khu xử lý chất thải được quy hoạch trên địa bàn. Về công nghệ xử lý, chất thải hầu hết được đốt, tỉnh chỉ cho phép 15% chất thải được chôn lấp. Đối với lo ngại của BR-VT về Khu xử lý chất thải Thiên Phước sẽ gây ô nhiễm cho hồ Đá Đen và có mong muốn di dời khu xử lý này, ông Chánh cho rằng bây giờ là không thể: “Tất cả mọi việc đều phải làm theo luật, nếu chủ đầu tư vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, phạt rất nặng và xem xét yêu cầu ngưng hoạt động và buộc di dời nếu vi phạm nghiêm trọng. Còn hiện tại dự án mới đi vào hoạt động, chưa có bất cứ một sai phạm nào, chưa xả thải ra môi trường, nếu bắt di dời thì chủ đầu tư sẽ kiện ngay, ngoài ra còn tạo hình ảnh xấu đến hoạt động kêu gọi đầu tư của tỉnh”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.