Dân 'cầm' nhầm 70 ô tô gian

Một số ô tô tang vật đang để tại sân UBND xã Tiến Xuân
Một số ô tô tang vật đang để tại sân UBND xã Tiến Xuân
TP - Sau khi Tiền Phong phản ánh Trưởng Công an xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội xác định bất hợp tác trong việc bàn giao xe tang vật, PV đã về xã này và được biết có tới 70 ô tô gian đã được người dân xã nhận cầm cố nhầm.

>> Trưởng công an xã từ chối giao 7 ô tô vật chứng

Một số ô tô tang vật đang để tại sân UBND xã Tiến Xuân
Một số ô tô tang vật đang để tại sân UBND xã Tiến Xuân.

“Có khoảng 70 ô tô các loại được một số người mang về xã cầm cố trong dân, phần lớn là xe đắt tiền. Việc cầm cố xe bùng phát từ cuối năm 2010, chúng tôi nhiều lần nhắc người dân đề phòng nhưng không mấy người nghe. Đến khi xuất hiện những nhóm người về xã đòi xe, xảy ra xô xát, người dân mới tá hỏa đem xe ra nhờ công an giúp đỡ” - Ông Kiều Lương Thiện, Trưởng Công an xã Tiến Xuân, nói với PV ngày 22-3.

Cũng theo ông Thiện, xã Tiến Xuân trước thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, được sáp nhập vào huyện Thạch Thất, Hà Nội từ năm 2008. Hiện xã có khoảng 75% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian gần đây, dân xã đua nhau bán đất nông nghiệp, rủ người thân hùn tiền nhận cầm cố ô tô nhằm kiếm lãi cao.

Như tin đã đưa, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã có văn bản đề nghị xử lý ông Kiều Lương Thiện vì bất hợp tác trong việc bàn giao một số ô tô tang vật trong các vụ án lừa đảo. Lý giải việc trên, ông Thiện nói, công an xã chưa bàn giao xe do một số cán bộ công an về xã làm việc chưa xuất trình đủ các giấy tờ như quyết định khởi tố vụ án, quyết định thu giữ tang vật...

“Mặt khác, chúng tôi phải giữ tài sản cho dân. Xã chúng tôi có tới 75% người dân là bà con dân tộc, hiểu biết pháp luật hạn chế. Vì vậy, xã cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, bảo vệ quyền lợi của dân”- Ông Thiện nói.

Ông Vũ Đình Thực (phải) kể chuyện cầm nhầm xe gian với PV Tiền Phong
Ông Vũ Đình Thực (phải) kể chuyện cầm nhầm xe gian
với PV Tiền Phong.

Bí thư xã cũng cầm nhầm xe gian

Cũng theo ông Kiều Lương Thiện, có tới 2-3 đầu mối đưa ô tô về xã cầm cố để vay tiền. Ngay cả Bí thư Đảng ủy xã - ông Bùi Văn Tình cũng dính bẫy.

“Gia đình anh Tình, bỏ ra 600 triệu đồng để cầm cố chiếc Toyota Altis còn rất mới. Sáng mùng 5 Tết vừa qua, anh Tình đem xe đến để ngoài cổng UBND xã. Một lúc sau quay ra, chiếc xe đã... bốc hơi. Tôi và anh em công an xã tá hỏa đi tìm, báo cả lên Công an huyện. Sau mấy ngày, chúng tôi mới được biết, chiếc xe đã bị chủ cũ đem chìa khóa dự phòng về lái trộm đem đi. Công an quận Hai Bà Trưng đang tạm giữ chiếc xe để giải quyết” - Ông Thiện cung cấp thông tin.

Ông Vũ Đình Thực (SN 1964, ở xóm Gò Chói 1) cũng cho biết: Qua sự dắt mối của anh Nguyễn Trọng Hoàn, ở cùng xóm, là giáo viên, ông Thực và một người bạn đã gom chung 700 triệu đồng ôm một xe Madaz 3 và một xe Innova của một người tên Nguyễn Quang Tuyến.

Đến giờ, ông Thực chưa nhận được đồng lãi nào, trong khi cả 2 xe đã bị thu giữ. “Sở dĩ tôi dính cũng do vợ chồng anh Hoàn có thời gian ở trọ nhà tôi để làm nhà. Tôi thấy anh ta chia tiền lãi cho hàng chục người ngay tại nhà mình nên hám lời. Đến khi thấy không ổn, tôi gặp Hoàn đề nghị trả xe, lấy lại tiền, nhưng anh ta tránh mặt”- Ông Thực nói.

Tin thầy giáo, cầm liền 5 ô tô

Ông Đinh Công Cảnh (57 tuổi, cùng ở xóm Gò Chói 2) cũng cho biết được thầy giáo Hoàn dắt mối. Khoảng tháng 9-2010, biết gia đình ông Cảnh vừa bán mảnh đất, Hoàn đã sang nhà ông, nói ông cho một doanh nghiệp vận tải ô tô vay, kiếm lãi theo ngày với mức hấp dẫn, bên vay thế chấp bằng ô tô.

“Nghĩ rằng việc cho vay và thế chấp ô tô đều có hợp đồng ký giữa 2 bên, có dấu đỏ (Cty vay đóng dấu – PV) là của cơ quan nhà nước. Cho người ta vay vừa có tiền lãi, vừa có ô tô đi ai mà chẳng muốn. Hơn nữa, anh Hoàn cũng nói “Chú yên tâm, chả nhẽ cháu lại lừa chú” nên tôi tin tưởng. Mấy hôm sau, Hoàn trực tiếp đưa 5 xe ô tô đến tận sân nhà tôi, đưa hợp đồng vay tiền có tín chấp tài sản là ô tô, tôi mới giao 2,4 tỷ đồng. Từ hồi đó tới giờ, gia đình tôi chỉ nhận được tiền lãi tháng đầu, khoảng hơn 30 triệu đồng...” - Ông Cảnh nói.

Ông Cảnh cũng cho PV xem, chụp lại bản hợp đồng vay tiền, có chữ ký và đóng dấu đỏ của một người tên Nguyễn Quang Tuyến, xưng là Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải xây dựng công trình giao thông Hà Nội (trụ sở ở quận Cầu Giấy). Cũng còn may cho ông Cảnh, sau đó bên vay tiền đã rút lại 3 ô tô, trả lại hơn 1 tỷ đồng. Hai xe còn lại đang bị tạm giữ tại trụ sở UBND xã Tiến Xuân, vì bị xác định là xe tang vật các vụ lừa đảo ô tô tự lái.

“Có lần, con trai tôi lái xe ra quán uống nước, bỗng có một số người đứng ở bên đường dùng thiết bị gì đó bấm chíu chíu, rồi mở cửa xe định lái đi. Cháu nó chạy ra giằng tay lái, những người này đuổi theo về tận trụ sở xã đòi xe, nói là xe của họ. Sau đó, tôi được biết trong số những người lạ trên có cả công an”- Ông Cảnh kể.

Lừa hàng chục ô tô tự lái, lĩnh 20 năm tù

Ngày 23-3, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Thủy (29 tuổi, ở huyện Đông Anh) 20 năm tù về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do làm ăn thua lỗ, Thủy đã thuê hàng chục ô tô tự lái đem đi cầm đồ, chiếm đoạt gần 3,6 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG