Đãi ngộ của các nước với y bác sĩ trên tuyến đầu chống COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều y bác sĩ gặp phải các vấn đề tâm lý sau thời gian làm việc trên tuyến đầu
Nhiều y bác sĩ gặp phải các vấn đề tâm lý sau thời gian làm việc trên tuyến đầu
TPO - Fouad Kerbage ngày nào cũng lên mạng kiểm tra xem anh đã trở thành công dân Pháp chưa. Khi thấy có tên trong danh sách những người được duyệt đơn trong mùa hè này, anh hiểu rằng đó là cột mốc sau một hành trình dài của một bác sĩ ung thư 33 tuổi.

“Tôi đã làm việc trong suốt cuộc khủng hoảng này khi vai trò của bác sĩ tăng cao, khi nỗi sợ hãi về COVID-19 đang bao trùm. Ban đầu chúng tôi không biết nhiều về virus và chưa có vắc-xin. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục công việc”, vị bác sĩ đến từ Li-băng chia sẻ.

Trong số 16.381 người nộp đơn xin cấp quyền công dân theo cơ chế nhanh, 12.012 người đã được chấp thuận. Ngày 9/9, Chính phủ Pháp quyết định cấp quyền công dân cho những nhân viên y tế đã làm việc trên tuyến đầu của cuộc chiến chống COVID-19. Chương trình được áp dụng từ đầu năm nay nhằm giảm bớt quy trình đánh giá đối với các nhân viên y tế từ nước ngoài đã đóng vai trò chủ động trong nỗ lực chống đại dịch ở Pháp.

Theo quy chế rút gọn, thời gian chờ cấp quyền công dân giảm từ 5 năm xuống 2. Trong tuyên bố đưa ra để chào mừng sự kiện này, Bộ trưởng quốc tịch Pháp Marlène Schiappa ca ngợi nỗ lực của những công dân mới nhất của Pháp. “Những nhân viên tuyến đầu đã đáp lại lời kêu gọi của đất nước, vì thế quốc gia cần tiến thêm một bước về phía họ…Đất nước ta đã vượt qua được nhờ họ”, báo Guardian dẫn lời bà Schiappa.

Đối đãi của chính phủ đối với các y bác sĩ trên tuyến đầu của cuộc chiến chống COVID-19 đang là vấn đề nhận được nhiều quan tâm.

Hồi tháng 5, y tá từng điều trị cho Thủ tướng Anh Boris Johnson khi ông mắc COVID-19 nộp đơn thôi việc ở Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) vì nói đã quá chán ngán với cách đãi ngộ của chính phủ đối với các nhân viên y tế.

Y tá Jenny McGee, đến từ New Zealand, là một trong hai y tá được Thủ tướng Johnson khen ngợi vì sự chăm sóc tận tình của họ trong những ngày ông phải nhập viện hồi tháng 4. Họ đã túc trực bên giường của ông trong bệnh viện St Thomas, giai đoạn mà ông nói “mọi thứ có thể diễn biến theo cách một trong hai cách”.

Việc cô McGee nghỉ việc và chỉ trích cách đãi ngộ với các nhân viên y tế khiến chính phủ Anh ngượng ngùng, báo Guardian đưa tin. “Chúng tôi không nhận được sự tôn trọng và mức lương xứng đáng. Tôi quá chán rồi. Vì thế tôi đã nộp đơn nghỉ việc. Nhiều y tá cảm thấy chính phủ điều hành không hiệu quả, không quyết đoán, nhiều thông điệp lẫn lộn. Điều đó rất đáng thất vọng”, McGee nói với với truyền hình Channel 4.

Khi bình luận, Văn phòng Thủ tướng Johnson không nhắc cụ thể đến phát biểu của McGee, nhưng khẳng định chính phủ “sẽ làm mọi việc trong quyền hạn để hỗ trợ” các nhân viên NHS. Chính phủ Anh bị phản ứng mạnh, nhất là từ Công đảng đối lập, sau khi nói rằng sẽ chỉ tăng 1% lương cho các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống đại dịch. Mức tăng 1% là “tối đa” mà chính phủ có thể trang trải vì những tổn thất kinh tế do khủng hoảng COVID-19 gây ra, Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries nói với Sky News.

Tổn thương tinh thần

Đối với nhiều người, những biện pháp hạn chế xã hội trong thời gian phong toả sẽ để lại những tác động lâu dài. Đó là sự căng thẳng, trầm cảm, mất ngủ, lo sợ, giận dữ, buồn chán. Khi làm việc trên tuyến đầu, các nhân viên y tế cũng phải đối diện với tất cả những điều đó.

Y tá Chris Prott thấy đầu gối run bần bật, tim đập loạn nhịp, miệng khô khốc và đầu óc tối sầm khi anh nói về giai đoạn làm việc trong khu chăm sóc tích cực (ICU) của Trung tâm y tế cựu chiến binh Milwaukee (bang Wisconson, Mỹ) trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành.

Prott có nhiều triệu chứng giống các cựu binh Mỹ mà anh đã chăm sóc nhiều năm: rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD). Prott và hàng chục nhân viên ICU đã kể với Reuters về những triệu chứng như choàng tỉnh giấc và đầm đìa mồ hôi sau cơn ác mộng, hồi tưởng về những bệnh nhân sắp chết trong những ngày đầu đầy hoang mang của đại dịch, cơn giận bùng lên và sợ tiếng còi hú cấp cứu. Những triệu chứng đó kéo dài hơn 1 tháng và đủ nghiêm trọng để cản trở cuộc sống hằng ngày đến mức tương đương triệu chứng PTSD.

Một khảo sát ở Úc cho thấy 64% nhân viên y tế ở tuyến đầu cảm thấy lo lắng vì đại dịch, trong khi 35% cần hỗ trợ nhưng cảm thấy cần hỗ trợ không thể yêu cầu điều đó. Nỗi lo của các nhân viên y tế chủ yếu là sợ mắc bệnh và mang bệnh về cho gia đình, báo The Conversation đưa tin. Nhiều nhân viên y tế phải thay đổi vai trò, ca làm việc dài hơn, nhiều trách nhiệm hơn và làm việc trong những bối cảnh khác nhau.

MỚI - NÓNG