Đại lý xăng dầu kiệt sức vì phải gồng lỗ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo phản ánh của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tình trạng cắt chiết khấu dẫn đến việc nhiều cửa hàng bán lẻ ở các địa phương buộc phải đóng cửa vì không chịu nổi sức ép. Dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên điều chỉnh giá ngày hôm nay (3/10).

Doanh nghiệp tố góc khuất của thị trường

Sở Công Thương An Giang vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình khó khăn trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh này.

Theo đại diện Sở Công Thương An Giang, cơ quan đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh xăng dầu từ các doanh nghiệp với lý do kinh doanh thua lỗ, hoa hồng thấp, hết vốn kinh doanh...

Đại lý xăng dầu kiệt sức vì phải gồng lỗ ảnh 1

Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội đã hạn chế bán ra trong những ngày qua (Ảnh minh họa). (Ảnh: Nguyễn Bằng).

Công ty TNHH một thành viên thương mại xăng dầu Minh Thư (tỉnh Bến Tre) mới đây đã có văn bản gửi Sở Công Thương xin được tạm nghỉ trong 29 ngày với lý do kinh doanh thua lỗ và mất khả năng thanh toán tiền mua hàng. Nhiều cửa hàng xăng dầu khác tại Bến Tre cũng đã làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng và xin được tạm đóng cửa, do hết vốn kinh doanh và bị thua lỗ kéo dài.

Khẳng định cơ quan quản lý đang không thật sự quan tâm đến những khó khăn đại lý xăng dầu gặp phải, ông Nguyễn Gia Cường - chủ một DN kinh doanh xăng dầu - cho rằng, nếu kéo dài tình trạng hiện nay, những nút thắt của thị trường sẽ ngày càng khó giải quyết khi số cửa hàng ngừng hoạt động ở các địa phương gia tăng.

Về tình trạng DN hạn chế nhập, hạn chế bán xăng dầu thời gian qua, theo ông Cường, cuộc chơi trên thị trường hiện nay về bản chất nằm trong tay cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đầu mối theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé". Thực tế, các đại lý, cửa hàng bán lẻ, dù là bộ mặt của ngành xăng dầu, luôn hưởng lợi ít nhất khi xăng dầu có lãi và chịu lao đao nhiều nhất khi đầu mối kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Bất hợp lý này xuất phát từ việc đầu mối thường sử dụng công cụ dự báo giá xăng dầu. Nếu xăng dầu thành phẩm có dấu hiệu đột biến tăng họ sẽ lập tức giảm thù lao đại lý (còn gọi là chiết khấu) từ mức 500 đồng/lít về mức 0 đồng/lít, thậm chí là âm thù lao.

“Trường hợp đầu mối bán giá cao hơn giá bán lẻ cho đại lý, họ lách luật bằng cách xuất hóa đơn vận chuyển, hoặc chuyển khoản riêng trong khi giá trên hóa đơn vẫn bằng giá bán lẻ tại thời điểm đó. Đại lý muốn có hàng bán thì phải chấp nhận lỗ nặng, cắn răng nhập hàng để không bị quản lý thị trường và sở công thương xử phạt”, ông Cường tiết lộ.

Giá xăng sẽ giảm lần thứ 4 liên tiếp

Theo tính toán của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, trong kỳ điều hành giá ngày hôm nay, 3/10, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước dự báo giảm khá mạnh, trong đó xăng sẽ giảm lần thứ 4 liên tiếp với mức giảm có thể lên đến gần 1.000 đồng/lít.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông L.A.S, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (Hà Nội) cho biết, tình trạng lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã kéo dài cả năm qua khiến không ít doanh nghiệp mắc kẹt, mất vốn sau nhiều năm đầu tư. Theo ông S, hiện chi phí để hoàn tất việc cấp phép, xây dựng một cây xăng mất nhiều tỷ đồng và kéo dài 4-6 năm mới đi vào hoạt động được. Mỗi lít xăng bán ra, theo quy định, doanh nghiệp chỉ được lãi định mức 300 đồng/lít, trong điều kiện bình thường, mỗi tháng cửa hàng lãi 40 triệu đồng. Còn từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng các cửa hàng bị lỗ 50 đến 80 triệu đồng.

“Tính chung tất cả các cửa hàng đang hoạt động, từ đầu năm doanh nghiệp bị lỗ gần 1 tỷ đồng. Để gỡ riêng số lỗ này, doanh nghiệp phải mất khoảng 3 năm. Còn với cách điều hành của Bộ Công Thương hiện nay, không cần biết các bất cập của thị trường vĩnh viễn doanh nghiệp không gỡ được lỗ”, ông S nói. Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn khẳng định, mức lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện đã được các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối "gánh đỡ" cho rất nhiều.

Cơ quan quản lý bất lực?

Phản ánh với PV Tiền Phong, thành viên HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn khẳng định, không ít doanh nghiệp đầu mối lớn đang rất bức xúc về việc các đầu mối lớn uy tín luôn tuân thủ các quy định nhưng rất nhiều doanh nghiệp đầu mối tư nhân lại luôn phớt lờ các quy định mà không bị làm sao.

Vị này dẫn việc các doanh nghiệp như Petrolimex, PVOil, Saigon Petrol… đều định kỳ công bố giá bán lẻ, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, báo cáo định kỳ công khai số liệu nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu trong nước để các cơ quan quản lý giám sát nhưng hàng loạt doanh nghiệp khác trong ngành đang ngang nhiên vi phạm quy định nhưng không hề bị xử lý.

“Hiện nay, đều đặn hàng tháng các doanh nghiệp phải chấp hành quy định báo cáo theo Văn bản số 969 của Bộ Công Thương về lượng xăng dầu nhập xuất. Thế nhưng hàng loạt doanh nghiệp vẫn phớt lờ, ngang nhiên vi phạm quy định tại Điều 39 Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu do liên quan đến quy định phải công bố trên trang tin điện tử của doanh nghiệp về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hàng tháng, báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán. Không thể hiểu nổi vì sao cơ quan quản lý không xử lý các vi phạm này khi tình trạng diễn ra công khai nhiều năm nay”, vị này bức xúc.

Xác nhận với PV Tiền Phong, một quan chức thuộc Bộ Công Thương thừa nhận có tình trạng lọt lưới xử lý vi phạm trong một thời gian dài của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu chiếu theo Điều 39 Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ.

“Ở giai đoạn hiện nay, điểm then chốt và quan trọng nhất đối với Bộ Công Thương phải làm bây giờ là thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả thị trường bán buôn, để đảm bảo tính cạnh tranh, đảm bảo quyền lực quản lý của nhà nước và cơ chế điều hành”.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

MỚI - NÓNG