Đây là thông tin được ông Robin Na, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn mỹ phẩm Amorepacific - tập đoàn đang sở hữu các thương hiệu mỹ phẩm Laneige, Innisfree, Mamonde, Etude House, Sulwhasoo, Espoir và gần 30 nhãn hiệu khác- chia sẻ tại sự kiện "Exciting Amorepacific, Exciting ASEAN" do tập đoàn này tổ chức tại Jakarta (Indonesia) ngày 11/10.
Về chiến lược của Amorepacific tại Việt Nam, ông Robin Na cho hay, thị trường Việt Nam có đặc tính khác biệt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ở Việt Nam, các trung tâm thương mại quy mô lớn để đặt cửa hàng vẫn còn hạn chế so với một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam có đối tượng người tiêu dùng trẻ và năng động, họ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da. Cùng với đó là sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến. Bởi vậy, mục tiêu của Amorepacific tại thị trường này là làm sao để có một chiến lược kinh doanh khác biệt và hiệu quả để tạo ra thế mạnh cạnh tranh.
Về việc hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán nhiều trên các mạng xã hội tại Việt Nam, đại diện Amorepacific cho hay, tập đoàn nhận thức được nhu cầu của người tiêu dùng khi sử dụng hàng không rõ nguồn gốc.
“Có nhiều lý do cho việc tiêu thụ và kinh doanh các sản phẩm này như giá cả hay nhu cầu chăm sóc da của mỗi cá nhân. Vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng tôi tự tin vào chiến lược hiện tại của tập đoàn. Với việc đưa sản phẩm lên các kênh bán hàng trực tuyến và nền tảng thương mại điện tử, cũng như là chiến lược đa dạng hóa các kênh phân phối, chúng tôi tin đây sẽ là nền tảng cho việc giảm sức ảnh hưởng của hàng không rõ nguồn gốc”, đại diện Amorepacific cho hay.
Theo ông Robin Na, sự hiện diện của Amorepacific tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines tiếp tục đà tăng trưởng ổn định nhờ chiến lược đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu và sản phẩm và luôn nhận được những phản ứng tích cực từ khách hàng. Lãnh đạo tập đoàn đánh giá, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với trọng tâm là khu vực Đông Nam Á, được dự đoán sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định, do đó đây là khu vực tiềm năng hấp dẫn sự chú ý của các tập đoàn làm đẹp toàn cầu. Amorepacific đang nhắm đến mục tiêu đạt 500 tỉ KRW doanh thu hàng năm đến 2023 tại khối ASEAN.
Để đạt được mục tiêu này, tập đoàn sẽ tập trung vào ba chiến lược chính: Mở rộng thị trường đến các thành phố khác ngoài khu vực trung tâm đông dân cư tại năm quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia); Mở rộng danh mục thương hiệu và củng cố trải nghiệm của khách hàng.
Trong báo cáo nghiên cứu về thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2019 của Q&Me, việc sử dụng các sản phẩm trang điểm đã tăng lên cả về mức độ thường xuyên sử dụng và chi tiêu. Số người trang điểm hằng ngày tăng lên 30% trong khi số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% của năm 2016 xuống còn 14%. Điều này giúp thị trường mỹ phẩm Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực dù quy mô thị trường còn nhỏ so với các quốc gia như Indonesia, Thái Lan...
Còn theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel (có trụ sở tại London), năm 2019 thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỉ USD. Hiện tại, các thương hiệu nước ngoài chiếm 90% thị phần mỹ phẩm của Việt Nam, trong đó các sản phẩm Hàn Quốc đứng đầu về thị phần.
Cùng với những nỗ lực mở rộng kinh doanh, tập đoàn Amorepacific (có mặt tại Việt Nam vào năm 1998) cũng thực hiện các cam kết sâu rộng của doanh nghiệp tại mỗi địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Chiến dịch Makeup Your Life (Điểm tô niềm hy vọng), sáng kiến trách nhiệm xã hội hàng đầu của tập đoàn, đã được triển khai tại Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng vừa trao tặng thiết bị y tế và xe buýt cho cộng đồng địa phương tại thành phố Quy Nhơn (Việt Nam).