Tại tọa đàm, Tiến sĩ Sử học Trần Đình Luyện nhắc lại lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi về thăm Bắc Ninh rằng, Bắc Ninh là một trong những vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến, nhân cách Việt Nam. Tiến sĩ Luyện cho hay, hiện nay Bắc Ninh có hơn 1.600 di sản văn hóa trên tổng số 700 làng.
Trong đó Chùa Dâu và Chùa Bút Tháp được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Bắc Ninh còn có hệ thống di sản phi vật thể phong phú với hàng trăm lễ hội, làng nghề truyền thống, cũng như các làn điệu dân ca mà nổi bật quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới.
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Đăng Bùi, Phó Giám đốc Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh chia sẻ cùng phần minh họa trực tiếp của diễn viên nhà hát để giới thiệu về dân ca quan họ.
Dù không biết tiếng Việt, nhưng khi được giới thiệu và xem các diễn viên biểu diễn, các đại biểu thanh niên Trung Quốc đã hào hứng đặt câu hỏi giao lưu, tập têm trầu cánh phượng và học hát ngay tại chương trình. Với sự trợ giúp của phiên dịch, nữ đại biểu A Tử Căn (Tây Tạng) lên sân khấu để được hai liền chị hướng dẫn hát “Còn duyên”.
A Tử Căn cho hay là một trong những người đang được kế thừa và giữ gìn dân ca Tây Tạng nên rất hứng thú khi được tiếp xúc với dân ca quan họ.
“Dù hát theo lối truyền thống không có nhạc đệm, hay có nhạc đệm thì dân ca quan họ Bắc Ninh đều rất mềm mại, hấp dẫn. Khó nhất khi hát quan họ là lấy hơi, thể hiện rền, vang, nền, nảy. Tuy thời gian học rất ít, nhưng nhất định về Trung Quốc mình sẽ tìm hiểu thêm về dân ca quan họ của các bạn”, A Tử Căn cho biết.
Vi Đông Ni (sinh viên khoa Ngoại ngữ, ĐH Dân tộc Quảng Tây) là một trong những phiên dịch viên tiếng Việt của đoàn chia sẻ: “Mình đã từng xem hát chèo, múa rối nước, nhưng dân ca quan họ cho mình ấn tượng đặc biệt về giai điệu, trang phục, hình thức hát đối đáp nam - nữ. Nếu có đĩa CD mình sẽ học hát dân ca quan họ”.
Ngoài ra, nhiều câu hỏi liên quan các hoạt động giữ gìn, phát huy dân ca quan họ Bắc Ninh như cuộc thi “Măng non Kinh Bắc”, “Tiếng hát quan họ măng non”, “Người đẹp Kinh Bắc”… được các đại biểu thanh niên Trung Quốc đặt ra trong phần giao lưu.
Tại chương trình, ĐVTN Bắc Ninh cũng có dịp tìm hiểu nhiều nét văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Các đại biểu thanh niên Trung Quốc cũng mang tới nhiều bài tham luận, câu chuyện đặc sắc về giữ gìn, phát triển hình thức văn hóa truyền thống như Kinh kịch, Hí kịch, Dệt vải… Một số tiết mục dân ca Trung Quốc được các đại biểu thể hiện.
Trước đó, đoàn đại biểu thanh niên Trung Quốc đã đến các điểm làng nghề là làng gỗ Đồng Kỵ, làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, các đại biểu tham quan các sản phẩm, công đoạn sản xuất và trực tiếp làm một số công đoạn đơn giản để tạo sản phẩm. Đặc biệt, các đại biểu Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung 2014 còn tham gia canh hát quan họ tối cùng ngày.