Theo đoàn giám sát, số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh là 3.903 đại biểu, giảm 4 đại biểu so với đầu nhiệm kỳ (do qua đời), trong đó có 637 đại biểu hoạt động chuyên trách (chiếm 16,32%) tăng so với nhiệm kỳ trước. Địa phương có tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cao nhất là thành phố Đà Nẵng, địa phương có tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ít nhất là tỉnh An Giang.
Về Chủ tịch Hội đồng nhân dân, có 24 người là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, 5 người là Bí thư Tỉnh/Thành ủy, 1 người là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương, Phó bí thư Tỉnh ủy, 1 đồng chí là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, 25 đồng chí là Phó Bí thư và 7 trường hợp là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh/Thành ủy.
Đối với cấp phó, có 123 Phó Chủ tịch HĐND, trong đó 59 đồng chí là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh/Thành ủy, 60 đồng chí là Tỉnh/Thành ủy viên; 4 đồng chí không tham gia cấp ủy.
Theo đoàn giám sát, tình hình tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND các cấp về cơ bản đảm bảo số lượng, cơ cấu theo các quy định. Trình độ đại biểu HĐND ngày càng được nâng lên, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tăng (4%), số lượng Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tham gia cấp uỷ tăng so với nhiệm kỳ trước.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến hết tháng 6/2017, HĐND các tỉnh đã tổ chức từ 3-6 kỳ họp, ban hành 3803 nghị quyết, trong đó có 935 nghị quyết về công tác tổ chức, 1839 nghị quyết chuyên đề và 1029 nghị quyết khác… Việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy trình từ công tác chuẩn bị đề nghị xây dựng nghị quyết tới việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đoàn giám sát, việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND có lúc, có việc còn hình thức, vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Đối với việc ban hành nghị quyết của HĐND, việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ theo trình tự luật định; việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng chưa thống nhất cách hiểu về nghị quyết QPPL và nghị quyết cá biệt nên còn lúng túng trong xây dựng nội dung nghị quyết QPPL dẫn đến gửi hồ sơ đến các Ban của HĐND thẩm tra còn chậm.
Hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, hoạt động tái giám sát của Thường trực và các Ban HĐND, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Một số kiến nghị sau giám sát chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, nhiều địa phương chưa thực hiện được nội dung này.
Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự TXCT chủ yếu là cán bộ xã, thôn, bản, khu phố; còn có địa phương không tổ chức cho đại biểu TXCT sau các kỳ họp (Quảng Ngãi); việc giải quyết kiến nghị cử tri của một số đơn vị có lúc còn chậm...
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét ban hành Chỉ thị hoặc nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền địa phương trong tình hình mới.
Đối với công tác cán bộ, chỉ đạo cấp ủy địa phương tiếp tục bố trí chức danh Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch HĐND tham gia cấp ủy theo quy định của Hướng dẫn số 38- HD/BTCTW, ngày 31/01/2016 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIVvà đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành văn bản QPPL và một số Luật chuyên ngành liên quan tới tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để phù hợp theo tinh thần Nghị quyết trung ương 6 khóa XII của Đảng và nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về việc tiếp tục cải cách tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.