Đắc tội với thiên nhiên

Đắc tội với thiên nhiên
TP - Đã 8 năm trôi qua kể từ khi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (nằm trên địa phận hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa, Quảng Bình) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo.

> Tiếng kêu cứu từ di sản
> Quảng Bình cần khai thác thế mạnh rừng và biển

Báo đài, các chiến dịch tuyên truyền của nhà nước, của các tổ chức xã hội đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của khu bảo tồn thiên nhiên này. Thế nhưng dù đã trở thành di sản thiên nhiên thế giới năm 2003, thì từ đó đến nay, tình trạng nổ mìn phá núi, đục đẽo khai thác đá bán kiếm lời tại khu vực Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng lúc âm ỉ, lúc bùng phát diễn ra trước mắt chính quyền sở tại, dù đã có hàng chục bài báo, trong 8 năm qua, lên tiếng về chuyện này.

Và trong khi Phong Nha-Kẻ Bàng đang hướng tới mục tiêu được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, theo ý chí của những cơ quan quản lý văn hóa, quản lý tài nguyên thiên nhiên cấp cao, thì hằng ngày, người ta vẫn săn bắt thú rừng hoang dã trong vườn quốc gia này để bán cho các quán ăn, nhà hàng trong và ngoài địa phương.

Theo những nhà báo từng có nhiều dịp thực tế ở khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng, động vật hoang dã ở đây bị săn bắt, mua bán, giết thịt một phần do ý thức của người dân kém, nhưng không thể không nói đến sự làm ngơ của các cơ quan có thẩm quyền địa phương, thậm chí có chuyện một số cán bộ lãnh đạo thôn xã lại là lái buôn động vật hoang dã, có cán bộ công an địa phương làm chủ một nhà hàng thịt rừng chuyên phục vụ các món ăn từ động vật hoang dã được săn bắt từ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Các quan chức quản lý tài nguyên thiên nhiên cấp quốc gia, những người đang cố gắng xây dựng và bảo vệ thêm một danh hiệu cấp quốc tế cho Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ trả lời sao nếu các nhà sinh vật học nước ngoài nói rằng vườn quốc gia của các ngài hiện không còn có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ, voi và các loài bò hoang dã và hằng ngày, bao nhiêu loài có trong sách đỏ đang bị người dân và quan chức của các ngài “chung tay” hóa kiếp?

Sẽ là có tội với mẹ thiên nhiên khi chúng ta hô hào một danh hiệu quốc tế về đa dạng sinh học cho Phong Nha-Kẻ Bàng trong khi núi vẫn hằng ngày bị xẻ thịt, gỗ quý hằng ngày bị đốn hạ và trong những dãy quán xá, nhà hàng san sát vườn quốc gia kia, tiếng rên xiết của khỉ, của vượn, hươu nai, heo rừng vẫn chưa ngưng. Có thể sẽ đến lúc chúng ngừng kêu than, nhưng e rằng lúc ấy chỉ có thể nhìn thấy chúng trong các tiêu bản..

Danh hiệu dù đã được trao, nhưng nếu sau đó không còn xứng đáng, thì việc thu hồi hay tước bỏ danh hiệu cũng là chuyện đã có tiền lệ. Ắt hẳn, chúng ta không muốn điều đó xảy ra với Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG