'Đặc sản' thịt thối

'Đặc sản' thịt thối
TP - Chưa hết bàng hoàng sau khi thịt lợn ngậm chất tạo nạc độc hại, người tiêu dùng lại sửng sốt khi biết được những món ăn khoái khẩu, có khi được gọi là “đặc sản” mà mình đang ăn từng ngày, được chế biến từ hàng chục tấn thịt thối mà không hay biết.

Thịt thối, thứ người ta vứt đi hoặc cùng lắm chỉ làm được phân bón. Nhưng ít ai tưởng tượng được, ngày ngày chúng vẫn được vận chuyển hoặc lén lút hoặc công khai đến các cơ sở giết mổ, chế biến… rồi phù phép để đưa đến tay người tiêu dùng. Không ai tổng kết được nhiều năm nay có bao nhiêu tấn thịt thối như thế đã tuồn vào thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ, chỉ biết rằng gần như ngày nào các trạm thú y ở 4 cửa ngõ của thành phố gần 10 triệu dân này, cũng bắt được vài ba tấn thịt thối từ khắp nơi chuyển tới. Họ dùng xe máy, xe ba gác, cả xe tải rồi xe khách… chỉ để chở thịt thối. Họ sẵn sàng bỏ của chạy lấy người khi bị ngành chức năng phát hiện. Manh động hơn, họ chống trả, liều mình “cướp” cả thứ thịt bỏ đi ấy bất chấp cả tính mạng của mình.

Nhiều lần vấn nạn thịt thối đã được các cơ quan chức năng ở TPHCM đặt lên bàn nghị sự. Ai cũng hô hào quyết tâm chặn đứng tình trạng này, nhưng rút cục lại thừa nhận một thực tế phũ phàng: rất khó để chặn tận gốc. Những vụ bắt giữ, tiêu hủy thịt thối hằng ngày tại đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” như lời ông Phan Xuân Thảo- Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM nói, bởi một lượng thịt thối lớn hơn vẫn tìm trăm phương nghìn kế tuồn vào các cơ sở chế biến nhưng không thể bắt giữ được. Khi cơ quan chức năng vẫn không thể gồng mình chống đỡ nổi sự lươn lẹo của lái buôn, của những kẻ kinh doanh hám lợi thì các cơ sở chế biến vô đạo đức lại tìm đủ cách để “tân trang” những miếng thịt thối, có khi đã sình lên vì dòi bọ thành cả đặc sản. Họ nhẫn tâm đến nỗi, cho chúng vào các loại hóa chất ngâm tẩm độc hại, mông má lại thịt thối thành “đặc sản” thịt đà điểu, thịt heo rừng… rồi bán cho nhà hàng với giá ngất ngưởng. Bình dân hơn, những con người vô nhân tính kia tẩy rửa hóa chất cho thịt tươi mới rồi bỏ mối cho các chợ cóc, vỉa hè và các quán ăn, quán nhậu bình dân. Không chỉ người nghèo dính bẫy mà người giàu cũng không tránh khỏi những món “đặc sản” mà chúng tạo ra để rồi khi ăn vào lại tiền mất tật mang.

Mới đây người ta lại bắt được 170 kg thịt bò thối, có dòi từ một cơ sở ở Đồng Nai chuyển cho một cơ sở ở quận 8, TPHCM để chế thành thịt bò viên. Hàng tấn thịt thối khác lại chở về tận miền Tây để làm lẩu bò và phá lấu. Những kiểu làm ăn vô đạo đức như vậy không còn hiếm trong thời buổi ngày nay. Chỉ có điều, việc truy tìm tận gốc vấn đề và xử lý mạnh tay những trường hợp như vậy hình như vẫn chưa được quan tâm, có thể nói là thả nổi. Điều đó cũng có nghĩa miếng ăn của người dân vẫn ngày ngày bị đe dọa. Sẽ ra sao nếu miếng ăn của người dân từng ngày bị đầu độc như vậy? Sẽ ra sao những thế hệ tương lai khi ngày ngày phải ăn thứ thực phẩm độc hại này? Câu trả lời không còn quá khó nếu ngành chức năng quyết liệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.