Đặc phái viên Philippines đạt được gì sau chuyến đi “phá băng”?

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough trên biển Đông. Ảnh: AP.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough trên biển Đông. Ảnh: AP.
TP - Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos vừa về nước sau chuyến đi đáng chú ý đến Hong Kong, Trung Quốc để “phá băng” quan hệ hai nước. Tuyên bố mà hai bên đưa ra không đề cập khả năng hợp tác khai thác, phát triển chung trên vùng biển tranh chấp.

Trong chuyến đi với tư cách cá nhân và phi chính thức này, ông Ramos đã gặp bà Fu Ying - cựu phái viên Trung Quốc ở Philippines và ông Wu Shicun - Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Hoa Nam. Cả Philippines và Trung Quốc đều lập luận rằng, vì lý do nghi thức ngoại giao, những cuộc gặp như vậy chỉ được coi là phi chính thức. 

Nhưng ông Ramos và những người Trung Quốc mà ông gặp đều được chính phủ của họ ủy nhiệm. Trên thực tế, ông Ramos được phái đến Trung Quốc theo yêu cầu cá nhân của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để đối thoại với “những người bạn cũ” Trung Quốc.

Cuộc đối thoại diễn ra sau phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay, Hà Lan. Theo đó, Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với các vùng biển ở biển Đông, “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý, việc Trung Quốc cản trở ngư dân Philippines đánh bắt ở một số bãi cạn, đá ngầm trên biển Đông là phi pháp… 

Theo giới quan sát, nội dung phán quyết nghiêng về Philippines dẫn đến một thời kỳ dường như bớt căng thẳng trên thực địa. Trong khi các tàu Trung Quốc tiếp tục tuần tra trên vùng biển tranh chấp, như bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã bớt những hành động nhằm chủ động thay đổi hiện trạng.

“Kinh nghiệm Ramos” là một nỗ lực của Tổng thống Duterte để xem quan hệ song phương với Trung Quốc có thể quản lý và khôi phục được không sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Trên tất cả, ông Duterte không muốn để các ngư dân nước này rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn trên vùng biển tranh chấp. Dù vậy, cách tiếp cận của Tổng thống Philippines không phải không có nguy hiểm, các nhà phân tích nhận định.

Lĩnh vực hợp tác

Kết thúc chuyến đi, ông Ramos mời phía Trung Quốc tham gia các cuộc “thảo luận chính thức”. Thông cáo báo chí đưa ra hôm 12/8 vạch ra một số lĩnh vực mà Trung Quốc và Philippines có thể hợp tác, gồm: khuyến khích bảo tồn biển; cùng nhau tránh căng thẳng và thúc đẩy đánh bắt hải sản; phòng chống ma túy và buôn lậu; nâng cao cơ hội du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư; khuyến khích trao đổi, giao lưu cấp chuyên gia tư vấn về các vấn đề thuộc lợi ích và quan tâm chung.

Ông Fidel Ramos, 88 tuổi, là Tổng thống Philippines từ năm 1992 đến năm 1998. Ông là người đề xuất thành lập Diễn đàn châu Á Bác Ngao quy tụ các cố vấn, chuyên gia quốc tế. Trụ sở diễn đàn đặt tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Danh sách lĩnh vực hợp tác không bao gồm việc phát triển chung hay khai thác chung trên vùng biển tranh chấp, trong đó có hoạt động đánh bắt ở bãi cạn Scaborough hay khai thác hydocarbon ở bãi Cỏ Rong. Theo giới quan sát, vì một số lý do, Tổng thống Duterte sẽ không đưa nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài vào những cuộc thương lượng song phương với Trung Quốc. Sau khi hai nước đi theo lộ trình đối thoại chính thức hơn, Manila có thể sẽ có những thay đổi nhất định về nội dung đàm phán.

Tuyên bố của phía Philippines và Trung Quốc đã đạt được một điểm quan trọng. Đó là nhấn mạnh việc “xây dựng lòng tin rất quan trọng đối với quan hệ cùng có lợi lâu dài giữa Philippines và Trung Quốc”. Lòng tin giữa hai nước rõ ràng đang thiếu và sự thành công của chuyến đi của ông Ramos ít nhất có thể giảm bớt sự thiếu hụt đó trong tương lai ngắn hạn, giới chuyên gia quốc tế nhận định.

Trung Quốc sẽ giảm số lượng tàu cá

Trong một diễn biến khác, chính phủ Trung Quốc vừa cam kết giảm quy mô đánh bắt thủy hải sản ồ ạt để bớt tàn phá môi trường. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng, “không còn con cá nào” trên vùng ven biển Hoa Đông và ngư dân nước này không khai thác được nhiều ở các vùng nước gần bờ. 

Vì thế, Bộ trưởng Nông nghiệp Hàn Trường Phú nói với Đài Phát thanh Trung Quốc rằng, đã đến lúc phải giảm quy mô ngành đánh bắt hải sản của nước này (với lực lượng tàu đánh bắt đông nhất thế giới) để bảo vệ nguồn cá. Ông Hàn vạch ra hàng loạt biện pháp mà Bộ Nông nghiệp sẽ thực hiện để thu hẹp ngành đánh bắt, trong đó có biện pháp giảm số lượng tàu cá. Nhưng Bộ Nông nghiệp không đưa ra con số cắt giảm cụ thể.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng, những vùng biển mà nước này kiểm soát có thể cung cấp khoảng 8-9 triệu tấn hải sản mỗi năm, nhưng nước này đã khai thác khoảng 13 triệu tấn/năm trong vài năm gần đây.

Số lượng hải sản ven bờ giảm khiến ngư dân Trung Quốc ngày càng tiến ra xa hơn, bao gồm các vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc hay thậm chí đến tận Ấn Độ Dương. Nhật Bản gần đây phản đối Trung Quốc sau khi hơn 230 tàu cá Trung Quốc dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh có vũ trang tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp trên biển
Hoa Đông.

GS Cai Shengli, nhà sinh vật học biển tại ĐH Đại dương Thượng Hải, cho rằng, một giải pháp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hải sản rất lớn của dân Trung Quốc mà không làm cạn kiệt nguồn hải sản của thế giới là chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng hải sản. 

Tuy nhiên, lồng bè nuôi hải sản có thể gây ô nhiễm môi trường ở vùng ven biển. Điều này có thể khiến chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho ngư dân nước này để họ dựng lồng bè nuôi hải sản ở các vùng biển xa bờ như biển Đông.

Trung Quốc đang tiêu thụ hơn 1/3 sản lượng hải sản toàn cầu. Ngân hàng Thế giới ước tính, nhu cầu hải sản ở Trung Quốc đến năm 2030 sẽ tăng thêm 30%. Nhiều tỉnh ven biển Trung Quốc đang trợ cấp dầu cho ngư dân để họ đi đánh bắt trên các vùng biển xa.

Theo Theo Diplomat, Japan Times
MỚI - NÓNG