Chủ đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét (Bình Thuận):

Đã nghiên cứu nguy cơ vỡ đập và đa dạng sinh học

0:00 / 0:00
0:00
TP - BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, chủ đầu tư dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét (Bình Thuận) cho biết, đơn vị tư vấn đã từng phải điều chỉnh, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định. Theo đó, bổ sung hồ sơ đánh giá nguy cơ vỡ đập và đa dạng sinh học khu vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho hay, hiện Bình Thuận đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đang hoàn thiện để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, xem xét, phê duyệt. Đây là điều kiện đủ về mặt thủ tục để địa phương triển khai các bước tiếp theo như thuê đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế tận dụng lâm sản, đo đạc từng cây, xác định trữ lượng gỗ cần phải khai thác… Sau đó, tỉnh Bình Thuận sẽ lập phương án khai thác, đấu giá, lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng.

Đã nghiên cứu nguy cơ vỡ đập và đa dạng sinh học ảnh 1

Vị trí xây dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét

Theo ông Đông, tháng 9/2020, dự án đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, tháng 6/2023 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư so với trước nên phải điều chỉnh lại ĐTM. Theo quy định mới nhất, công trình này phải bổ sung hồ sơ đánh giá nguy cơ vỡ đập ảnh hưởng đến công trình hạ du.

Ngoài ra, hồ thuỷ lợi Ka Pét nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, theo quy định, dự án có trên một ha thuộc khu bảo tồn phải nộp báo tác động đa dạng sinh học. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã làm việc với đơn vị tư vấn lập ĐTM yêu cầu bổ sung hai hồ sơ.

“Phải rất nỗ lực, UBND tỉnh Bình Thuận mới có thể hoàn thành dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội vào năm 2025. Trong đó, thủ tục là tốn nhiều thời gian nhất. Dự kiến đến quý II/2024, dự án mới có thể khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong một năm rưỡi để cấp nước cho dân”, ông Đông nói.

Trồng lại rừng như thế nào?

UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến trồng lại hơn 1.800 ha rừng thay thế cho hơn 600 ha rừng bị mất vì làm hồ thuỷ lợi Ka Pét. Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay các chủ rừng rà soát diện tích để đăng ký về Sở. Sở đang giao Chi cục Kiểm lâm thống kê. Sở cũng đang rà soát các vị trí dự kiến trồng rừng xem tính pháp lý, có tranh chấp hay không. Về công tác giám sát chất lượng trồng rừng thay thế, trong năm 2021, HĐND tỉnh Bình Thuận đã lập đoàn giám sát kiểm tra công tác trồng rừng thay thế giai đoạn 2016-2021. Qua đánh giá, kết quả giám sát, tình hình triển khai trồng rừng thay thế đảm bảo chất lượng.

Xem xét lại năng lực đơn vị tư vấn

Đã nghiên cứu nguy cơ vỡ đập và đa dạng sinh học ảnh 2

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét cần đánh giá tác động chuyển đổi đất rừng

Theo hồ sơ ĐTM, Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam, có trụ sở tại quận 7, TPHCM là đơn vị tư vấn lập ĐTM dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét. Ngày 4/6/2018, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận (khi đó là chủ đầu tư dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét) đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 3 về Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường công trình hồ thuỷ lợi Ka Pét. Giá trị gói thầu 812 triệu đồng, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam. Thời gian thực hiện 150 ngày. Ngoài gói thầu này, Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam còn trúng thầu nhiều gói thầu trị giá hàng trăm triệu đồng ở Bình Thuận.

Về lý do chọn Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam làm đơn vị đơn vị tư vấn lập ĐTM dự án hồ thủy lợi Ka Pét, ông Đông cho biết vào năm 2018, tỉnh Bình Thuận mời thầu công khai ĐTM dự án trên cả nước. Khi đó, 4 đơn vị mua hồ sơ nhưng chỉ 3 công ty tham gia đấu thầu. Theo đánh giá của chủ đầu tư khi đó là Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đơn vị tư vấn trúng thầu đảm bảo các điều kiện về năng lực. Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương hồi tháng 6/2023, chủ đầu tư đã làm việc với công ty tư vấn yêu cầu quan sát lại mẫu trong khu vực dự án, vì khảo sát cũ đã thực hiện từ năm 2017.

Trả lời về vấn đề, có hay không việc Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam đang thanh lý hợp đồng tư vấn dự án với tỉnh Bình Thuận, ông Đông cho biết, để hoàn thiện ĐTM dự án theo quy định tại Nghị định 08 năm 2022, phải có đánh giá lại về sự cố đập và đa dạng sinh học. Việc này đòi hỏi đơn vị thực hiện ĐTM phải thuê thêm các đơn vị tư vấn để thực hiện các nội dung. “Chúng tôi sẽ sớm làm việc với đơn vị tư vấn để thống nhất. Nếu đơn vị này không đủ năng lực thì làm thủ tục kết thúc hợp đồng, chúng tôi cũng sẵn sàng lựa chọn đơn vị khác đáp ứng yêu cầu dự án”, ông Đông nói.

“Cần đánh giá rõ tác động của việc chuyển đổi đất rừng”

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án hồ chứa nước Ka Pét của UBND tỉnh Bình Thuận được giao cho đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam, tuy nhiên theo danh sách những người tham gia lập báo cáo của công ty, thiếu các chuyên gia sâu về lĩnh vực rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong khi đó, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực này là rất cần thiết với dự án chuyển đổi đất rừng lớn như dự án hồ chứa nước Ka Pét. Từ đó, có đánh giá chi tiết, cụ thể, chuyên ngành về những tác động ngắn hạn và dài hạn của dự án với môi trường, đặc biệt là môi trường sinh thái.

TS Tùng cho rằng, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng cần đánh giá chi tiết hơn tác động của việc chuyển đổi rừng đến môi trường cũng như các giải pháp giảm thiểu tác động. Ví dụ, tác động của việc chuyển đổi rừng đến sinh cảnh của các loài động thực vật trong khu vực như thế nào, đến gia tăng các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất ra sao, biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động sẽ được triển khai thế nào.

“Ví dụ, biện pháp giảm thiểu đối với hệ sinh thái cần có các nghiên cứu, đánh giá từ các chuyên gia/đơn vị có chuyên môn sâu, không chỉ dừng ở mức phục hồi rừng trên lưu vực, thiết lập và thực hiện kế hoạch bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, dọn lòng hồ, quản lý nguồn thải nhằm giữ vệ sinh vùng hồ, thiết lập phương án trồng rừng thay thế như báo cáo đề xuất”, TS Tùng nói.NGUYỄN HOÀI

MỚI - NÓNG