Đà Nẵng: Phỏng da, hỏng mặt vì kiến ba khoang tấn công khu dân cư

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Hôm nào trước khi đi ngủ tôi cũng phải kiểm tra khắp phòng để bắt kiến ba khoang. Có bữa cả nhà phát hoảng vì thấy cả tổ hàng chục con”, chị Thu Huyền nói.

Rất nhiều hộ dân ở Đà Nẵng kêu trời vì bị kiến ba khoang tấn công gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với các em nhỏ. Chị Thu Huyền (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cho hay, nhà chị ở chung cư cao tầng nhưng vẫn bị kiến “bủa vây” khiến cuộc sống đảo lộn.

“Một tuần trở lại đây nhà tôi xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang, từ vách tường, cửa sổ, trần nhà đều có. Con tôi bị dính dịch của nó làm phồng rộp cả vùng da ở mắt, đau rát rồi loét ra phải đến viện điều trị. Cả nhà làm gì cũng sợ kiến, suốt ngày phải canh bắt kiến”, chị kể.

Đà Nẵng: Phỏng da, hỏng mặt vì kiến ba khoang tấn công khu dân cư ảnh 1

Kiến ba khoang không cắn nhưng dính dịch sẽ gây rộp da, lở loét.

Anh Nguyễn Văn Thái (đường Nguyễn Hữu Tiến, quận Cẩm Lệ) cũng kêu trời vì kiến ba khoang tấn công làm hai cháu nhỏ nhà anh bị phồng rộp, lở da nhiều nơi trên cơ thể. Anh cho hay nhà ở gần sông, cứ tới tới đoạn giao mùa thường hay có loại kiến này nên đã chủ động đóng cửa sổ, xông tinh dầu nhưng vẫn không ăn thua.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) bị kiến ba khoang làm hỏng cả phần da mặt. “Lúc đầu tôi thấy hơi ngứa, đưa tay lên gãi thì ngứa lan rộng ra cả mặt. Hôm sau phần da này bắt đầu sưng, rộp nước và rát. Tôi hoảng quá đi bệnh viện mới biết mình bị kiến ba khoang, phải điều trị mất cả tuần vết thương mới khô nhưng để lại sẹo”, chị Tuyết ngán ngẫm.

Hầu hết những khu dân cư bị kiến ba khoang tấn công đều nằm ở vùng gần sông, nhiều cây cối. Đặc biệt khi thời tiết trở mưa, lạnh, loại côn trùng này xuất hiện càng nhiều. Loại kiến này bị hấp dẫn bởi ánh sáng trắng nhiều hơn các loại ánh sáng vàng, đỏ.

Đà Nẵng: Phỏng da, hỏng mặt vì kiến ba khoang tấn công khu dân cư ảnh 2

Cháu bé dính dịch kiến ba khoang làm lở loét cả vùng tai.

Trao đổi với Tiền Phong, ThS.BS. Nguyễn Anh Tuyến - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho hay, thời gian gần đây bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp viêm da do kiến ba khoang gây ra. Theo bác sĩ Tuyến, kiến ba khoang không cắn hoặc đốt như nhiều người nhầm tưởng. Phần dịch chứa trong khoang cơ thể của kiến, có tên là pederin chính là nguyên nhân gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc với dịch chất này qua đồ vật hoặc vô ý đập vào kiến ba khoang, chất pederin này sẽ dính vào da và gây viêm da ngay tại vùng tiếp xúc và sẽ lan đến các vùng da khác.

Sau khoảng 12 – 24 giờ tiếp xúc với dịch kiến ba khoang, da người bệnh mới có cảm giác hơi ngứa rát, đỏ da dạng vệt, đường hoặc một vùng lan rộng. Trong khoảng 12 – 24 giờ tiếp theo, vùng da đỏ sẽ xuất hiện thêm những mụn nước hoặc mụn mủ li ti. Các ngày tiếp theo, những mụn nước mụn mủ có thể hợp với nhau thành những bóng mủ to dần, kèm triệu chứng rát, đau hoặc ngứa. Những vết đỏ da tại vùng cẳng tay, cẳng chân sẽ có thể xuất hiện vùng da tương tự đối xứng qua nếp gấp, do hiện tượng tiếp xúc dịch độc khi gấp tay hoặc chân.

“Nếu tình trạng bệnh nhẹ và vùng da bệnh nhỏ có thể tự khô, đóng mài và khỏi sau 1 - 3 tuần, không để lại sẹo nhưng có thể để lại thâm da. Còn diện tích da bệnh lớn, tổn thương sâu hay triệu chứng xảy ra ở vùng sinh dục, mắt… thì nguy cơ gặp các biến chứng nhiễm trùng thứ phát, loét da sâu, viêm kết giác mạc kèm theo…”, bác sĩ Tuyến nhấn mạnh.

Đà Nẵng: Phỏng da, hỏng mặt vì kiến ba khoang tấn công khu dân cư ảnh 3
Kiến ba khoang hoạt động mạnh vào đầu mùa mưa, khi độ ẩm cao, những khu vực ở gần sông, nhiều cây cối càng dễ bị kiến tấn công.

Bác sĩ Tuyến lưu ý, ngay sau khi tiếp xúc hay nghi ngờ tiếp xúc với chất dịch của kiến ba khoang, người dân cần rửa tổn thương với xà phòng và nước sạch, tránh chạm tay đã tiếp xúc vào các vùng da khác. Trường hợp nhẹ, bệnh sẽ tự khỏi. Nếu bị tiếp xúc vùng mắt, người dân cần rửa tay và vùng tiếp xúc nhiều bằng nước muối sinh lý 0.9% và đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được xử lý. Nếu xuất hiện các triệu chứng da phồng rộp lan rộng, lở loét, đau nhiều… cũng cần tới bệnh viện sớm. Tuyệt đối không điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá, đắp thuốc,… để tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn.

MỚI - NÓNG