Đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng vùng mặt, cổ và ngực nổi nhiều mụn nước thành từng mảng trên da, chị Nguyễn Tuyết M. (25 tuổi) được bác sĩ chẩn đoán bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Chị cho biết, quanh chung cư gia đình sinh sống có bãi cỏ và nhiều cây, những ngày mưa nhiều côn trùng và kiến ba khoang thường từ bên ngoài bay vào phòng dù đã đóng cửa nhưng không thể ngăn được hoàn toàn.
Nữ bệnh nhân bị độc tố của kiến ba khoang gây tổn thương da mặt đến Bệnh viện Da Liễu thăm khám |
Một trường hợp khác là anh Trần Thái S. (38 tuổi) đến bệnh viện trong tình trạng da phồng rộp nhiều đám trên bụng, chân và vùng bẹn. Trước đó, ít ngày khi cơ thể nổi mẫn ngứa, rát anh ra nhà thuốc và được nhân viên y tế chẩn đoán bị zona và cho thuốc uống kết hợp với thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên, tình trạng mỗi ngày một nặng, các mụn nước vỡ ra tạo bội nhiễm khiến bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau nhức.
Sau 1 tuần mở cửa khám chữa bệnh thông thường trở lại, Bệnh viện Da Liễu, TPHCM ghi nhận số ca bị viêm da tiếp xúc do độc tố kiến ba khoang đến thăm khám, điều trị ở mức rất cao. TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc bệnh viện cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 bệnh nhân được chẩn đoán viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. TPHCM đang trong mùa mưa là giai đoạn cao điểm kiến ba khoang gây họa cho cộng đồng.
Theo Bác sĩ Võ Thị Đoan Phượng - Trưởng khoa Lâm sàng 1, khi kiến ba khoang bị chà xát hoặc bị giết, chúng giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin - một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh. Nếu con người tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang qua tuần hoàn không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Tuy nhiên, loài côn trùng này không cắn hoặc chích, con người chỉ vô tình bị ảnh hưởng tới sức khỏe khi tiếp xúc hay cọ vào chúng.
Mùa mưa là thời điểm kiến ba khoang gia tăng gây họa cho cộng đồng |
“Nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang nhưng lại bị chẩn đoán nhầm bệnh Zona và cho sử dụng thuốc Acyclovir bôi ngoài da. Một số khác thì tự ý bôi các thuốc màu, đắp lá cây hoặc các biện pháp dân gian khác khiến vết thương bị loét, lan rộng hoặc nhiễm trùng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe” – BS Đoan Phượng nói.
Để hạn chế hiểm họa do kiến ba khoang gây ra, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng tránh đập nát kiến ba khoang khi thấy chúng. Nếu thấy chúng ở trên da có thể thổi chúng đi hoặc cho chúng vào 1 tờ giấy rồi bỏ đi. Vùng da tiếp xúc ngay lập tức phải được rửa bằng nước sạch. Quần áo sau khi tiếp xúc cần được giặt thật kĩ.
Ban đêm, kiến ba khoang thường bay tới những nơi có ánh đèn. Do đó, khi làm việc dưới ánh đèn tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Cộng đồng cần giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Vào mùa mưa đề phòng côn trùng bay vào nhà, các gia đình có thể xịt thuốc diệt côn trùng, nên ngủ mùng và tắt đèn khi ngủ, hạn chế mở cửa nhiều vào ban đêm và nên bung rèm cửa.
Cần chủ động các giải pháp để bảo vệ an toàn trước hiểm họa kiến ba khoang |
Những trường hợp bị bỏng da do kiến gây ra cần tránh tiếp xúc với xà bông và ánh sáng mặt trời. Tránh gãi, cọ xát để dính độc tố sang các vùng da khác làm lây lan thương tổn.
Trường hợp nhẹ, có thể sử dụng các loại corticoid bôi mức độ nhẹ thời gian ngắn khoảng 5 đến 7 ngày. Nếu không đỡ hoặc trường hợp nặng da đỏ hay nóng rát nhiều, chảy mủ, lở loét cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.