Liên quan đến tình hình triển khai các dự án, UBND TP Đà Nẵng cho biết: các dự án đã đầu tư (hoặc đầu tư hoàn chỉnh một phần) và đưa vào hoạt động là 3 dự án. Cụ thể: Dự án Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (Intercontinental Peninsula Resort); Khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa và Khu nhà nghỉ và dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Trẹm với tổng số phòng đang hoạt động là 253 phòng. Dự án đang triển khai nhưng chưa hoàn thành thủ tục xây dựng là 01 dự án: Khu du lịch nghỉ sinh thái biển Tiên Sa. Các dự án đã triển khai một phần, đang tạm dừng là 03 dự án. Các dự án chưa triển khai là 11 dự án.
Liên quan đến bản kiến nghị của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và một số tổ chức khác về bản quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND TP Đà Nẵng cho biết: Kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm của ông Vịnh là “chưa phù hợp”. Bởi, theo số liệu thống kê năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng là 575 cơ sở với 21.324 buồng phòng, đón được gần 2,6 triệu lượt khách (trong tổng số khoảng 5,5 triệu lượt khách đến Đà Nẵng), đạt công suất buồng phòng khoảng 50%. Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm (gần gấp 3 lần) đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế thì thành phố Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp.
Kiến nghị chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm. UBND TP cho rằng: Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với nhiều chức năng: tham quan, vui chơi, giải trí, lưu trú, ngắm cảnh, nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên… tạo nên sự đa dạng hấp dẫn mà vẫn đảm bảo yếu tố bảo tồn thiên nhiên nếu có các giải pháp tốt về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và quy chế quản lý chặt chẽ. Việc hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm có thể hạn chế được bằng nhiều giải pháp tổ chức quản lý.
Kiến nghị, hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư. UBND thành phố Đà Nẵng ghi nhận kiến nghị này. Trong quá trình triển khai quy hoạch chung xây dựng khu vực Bán đảo Sơn Trà sẽ nghiên cứu lồng ghép một cách phù hợp.
Riêng về việc hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước. UBND Đà Nẵng cho biết: Vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu một cách khoa học. Thành phố sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học có liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo 3917, UBND TP Đà Nẵng cũng nêu ý kiến của Thành phố đối với bản quy hoạch. Trong đó, khẳng định: Về phương án phát triển, nội dung Quy hoạch du lịch xác định quy mô 1.600 buồng phòng khách sạn đến năm 2030 là phù hợp.Về việc tổ chức không gian các khu chức năng cơ bản phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi triển khai các bước tiếp theo cần nghiên cứu mở rộng ranh giới quy hoạch ra vùng biển bao quanh để đảm bảo yếu tố bảo tồn đa dạng sinh học.
Do việc tổ thực hiện Quy hoạch nêu trên sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà, UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức rà soát và làm việc với các nhà đầu tư, có báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2017.