Đà Linh người xây cây cầu văn hóa

TP - Nói đến Đà Linh - tên thật Nguyễn Đức Hùng (bút danh khác: Đa Huyên, 1958 - 2013) là nói đến bản lĩnh của một người làm xuất bản.

Những cuốn sách “nhạy cảm” nhất, những cuốn sách “gai góc” nhất, những bản thảo tác giả và đối tác xuất bản biết là “khó” nhất, họ hầu như đều tìm đến Đà Linh để gửi gắm. Tên tuổi anh gắn liền với những cuốn sách “Ba người khác” (Tô Hoài), “Trần Dần - Thơ”, Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), “Ngồi” (Nguyễn Bình Phương)...

Nhà văn Hồ Anh Thái nhớ lại “Thời Đà Linh là người chịu trách nhiệm bản thảo, sách của nhà xuất bản Đà Nẵng thường được người mua tin rằng đã được bảo đảm chất lượng”. Tháng 9 năm ngoái, nhà văn Đà Linh ra đi mãi mãi, nhớ về người bạn, người cộng sự thân thiết, TS Trần Thu Dung gửi bài viết này tới TPCN.

Đà Linh người xây cây cầu văn hóa ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Một lần, Đà Linh qua Paris với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến để làm việc với nhà triết học F. Jullien. Quán ăn Việt Nam ở Monge tổ chức buổi nói chuyện văn hóa và biểu diễn văn nghệ ủng hộ trẻ em bị chất độc da cam. Anh Hiến và Đà Linh mời tôi đến nghe nói chuyện về văn học và vấn đề xuất bản sách ở Việt Nam hiện nay.

Đà Linh nói về tình hình xuất bản. Buổi đó anh nói anh sẵn sàng in những tác phẩm của các tác giả người Việt hải ngoại có giá trị. Cánh cửa nhà xuất bản Đà Nẵng luôn mở cửa đón chờ tác phẩm từ hải ngoại. Anh đã biên tập và cho in một số cuốn sách gây được tiếng vang. Anh nói ngắn gọn, không thích đao to búa lớn, nhưng tôi biết anh chưa nói hết những điều anh khát vọng.

Văn học, hội họa âm nhạc không biên giới. Anh muốn đem văn học Việt ra giới thiệu ở nước ngoài và đem văn học Pháp giới thiệu với độc giả Việt Nam. Nhưng khả năng ngoại ngữ có hạn, anh muốn Việt kiều chung sức với anh để làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Việt kiều vẫn còn e dè vì nhiều vấn đề tế nhị. Anh khát vọng hòa hợp dân tộc qua nhà xuất bản Đà Nẵng. Văn hóa cũng là hình thức hòa hợp dân tộc, xích con người gần nhau, và thân thiện với nhau.

Trong thâm tâm, anh muốn cùng Việt kiều xây cây cầu thân thiện nối kết tình cảm người Việt trên thế giới bằng con đường văn hóa, và xóa bỏ hận thù do chiến tranh để lại. Nhưng buổi đó anh chỉ nói sự mạnh dạn tiên phong của nhà xuất bản Đà Nẵng trong việc xuất bản. Kẻ tiên phong bao giờ cũng là kẻ phiêu lưu, liều lĩnh.

Kẻ dám giơ ngực ra hứng đạn đầu tiên trong lúc xung trận. Không ai nghĩ cái dáng phong nhã của anh chứa cái máu phiêu liều của người nghệ sỹ mạnh đến thế. Anh dám làm. Anh đã song hành cùng Hoàng Ngọc Hiến để giới thiệu sách triết của Jullien đến Việt Nam, và xuất bản vài cuốn của tác giả hải ngoại.

Rất tiếc những ước mong của anh cùng Hoàng Ngọc Hiến làm cầu nối văn hóa Pháp - Việt đang mới bén rễ, thì anh phải rời cương vị, chuyển về Hà Nội công tác và Hoàng Ngọc Hiến ra đi mãi mãi.

Văn nghệ, văn hóa là cầu nối cho mọi ngả đường thế giới, là con đường giữ hòa bình đẹp nhất. Mỗi lần tôi về Việt Nam, Đà Linh hay dẫn đến chỗ bạn bè văn nghệ như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, và cả lớp trẻ như Lê Anh Hoài, Đặng Thân, rồi Trần Nghi Hoàng - Việt kiều Mỹ… với hy vọng bạn bè trong và ngoài nước gần gũi nhau qua văn chương.

“Hiếm thấy một người hết mình với bạn bè như Đà Linh. Anh còn hết mình hơn nữa trong công việc. Gặp nhau ở đâu anh cũng say đắm nói đến công việc. Trong những ngày trọng bệnh, bạn bè đến thăm, anh say sưa nói về những dự định sáng tác, xuất bản, chỉ đến khi mệt lả mới dừng lại lấy sức”.

Hữu Thỉnh

Đà Linh là người hóm hỉnh, hay đùa, thường quan tâm đến bạn bè. Hầu như thư nào tôi nhận được cũng kèm theo câu đùa tếu nhưng là sự quan tâm sức khỏe bạn bè.

Đà Linh ra đi bất ngờ đối với tôi cũng như nhiều bạn bè khác, vì mới mấy tháng trước, anh còn đùa với tôi trên mạng. Anh gọi tôi là nữ “du kích” vì hay xuất hiện bất ngờ chẳng bao giờ báo trước. Hễ “nữ du kích” về đến Hà Nội, nhắn tin vào điện thoại thì anh trả lời ngay và mời đi uống cà phê cùng một số bạn bè.

Đối với tôi, anh hay “bắt cóc”. Nhiều khi tôi đang bận việc nơi khác, anh cũng giục tôi phải đi taxi đến ngay nơi anh và bạn bè đang ngồi chờ. Anh gọi liên tục, buộc tôi phải bỏ cuộc nơi này sang chỗ anh để vui vẻ cùng bạn bè. Vậy mà vài tháng sau anh đã ra đi.

Ham vui, hào phóng nhưng anh cũng rất giản dị, không lãng phí. Cuộc vui sắp tàn, anh vẫn gọi thêm đĩa cá hấp rất lớn. Món ăn đầy hấp dẫn, nhưng bốn người đã no, hầu như không ai động đũa.

Anh không ngần ngại hay sỹ diện như một số người mới có chút tiền, ra vẻ đại gia, bỏ thừa mứa trên bàn, ăn xong khệnh khạng đi ra nói năng hênh hoang, trong khi người đói và thiếu ăn ở Việt Nam còn nhiều. Anh gọi chủ quán đóng gói đem về để nhỡ nửa đêm đói thì ăn.

Buổi tối anh về làm việc rất khuya, vợ con đều ở Đà Nẵng, nên anh lười nấu ăn. Pháp và Việt Nam lệch múi giờ, bên này ngày, bên kia đêm, nhiều lúc nhận được thư anh, cùng trao đổi, bàn luận, tôi biết anh làm việc rất khuya. Người cầm bút thường có cuộc sống như con chuột chũi. Hà Nội nóng nực, ồn ào nhất là mùa hè. Đêm yên tĩnh mới tỏa ý được trên giấy...

Tự nhốt mình làm bản dịch cuối cùng

Đà Linh vốn nổi tiếng can đảm trong việc chọn in những tác phẩm “hóc”. Nhưng ít ai biết anh cũng rất can đảm trong dịch thuật.

Tháng 8/2012, Đà Linh gọi điện thoại cho tôi nhờ dịch cùng để hoàn thành kịp cuốn triết học của F. Julien mà Hoàng Ngọc Hiến đã nhận dịch nhưng mới bắt đầu đã ra đi vội vàng vì căn bệnh ung thư. Hoàng Ngọc Hiến bỏ lại Đà Linh chới với giữa đống công việc ngổn ngang. Công trình nghiên cứu chung với Hoàng Ngọc Hiến của tôi cũng bị dở dang. Lúc đó tôi đang kẹt phải đọc lại bản thảo của tôi sắp in, tôi không có thời gian nhiều để giúp, chỉ giúp xem lại một phần và dịch giúp một số đoạn.

Để hoàn thành cuốn sách này, Đà Linh tự nhốt mình không tiếp xúc bạn bè gần như mấy tháng mặc dù anh rất ham vui. Tôi ở xa về Hà Nội, nên anh có chút “ưu ái”, và có cớ để chui ra khỏi nhà thở hít bụi Hà Nội. Anh thư cho tôi hôm thứ tư, 8/8/2012: …“Chôn chân ở Đà Nẵng vì có "Thư viện" tại gia, để cố làm xong cuốn "Philosophie du vivre" của Francois Jullien...”.

(Philosophie du vivre = Triết lý sống, sau này cuốn sách được in với tựa đề “Triết sống”/TTD).

Có lẽ sự cố gắng dồn sức của Đà Linh với cuốn sách này đã thúc đẩy căn bệnh dạ dày làm anh nhanh chóng ra đi. Khi tôi nhận được thư của nhà văn Lê Anh Hoài báo Đà Linh vào bệnh viện vì ốm nặng, tôi giật mình.

Tôi gọi điện thoại hỏi thăm anh, anh đã không nghe được nữa. Tôi nhắn tin cho anh, anh không trả lời nữa. Tôi gửi thư điện tử, anh không đọc được nữa. Mọi khi tôi viết thư hay tôi gọi dù ở đâu anh cũng trả lời ngay. Tôi hiểu tôi sắp mất một người bạn thân.

Anh Hoàng Ngọc Hiến đang làm dở với tôi cũng đã ra đi. Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng luôn sát cánh cùng Hoàng Ngọc Hiến bao nhiêu năm nay để giới thiệu những cuốn triết học nhân bản sâu sắc của F. Julien đến với bạn đọc Việt Nam cũng sắp ra đi.

Cũng may anh đã kịp hoàn thành cuốn sách. Có thể anh đã cảm thấy mình không còn sức khỏe nữa, nên gắng hết sức. Trong một lá thư, Đà Linh tâm sự với tôi:

…“ngày 25/8 phải chuyển qua Hội đồng thẩm định bên Pháp rồi, chính vì thế lúc này hết sức cần " tăng tốc",... làm sao chị gửi lại cho tôi trước ngày 23/8, khối lượng thực tế chị thực hiện (không cầu toàn), còn 2 ngày, tôi sẽ dốc sức "tout" cả 237 trang, như vậy mới đúng hạn”.

(Tout = tất cả - TTD)

Anh luôn là người cầu tiến, không ngại giấu những gì mình không biết. Anh sẵn sàng học và đi hỏi bạn bè. Khi biết tôi bày cho anh Hoàng Ngọc Hiến sử dụng một lúc hai văn bản song song trên màn hình để đối chiếu, anh cũng nhờ tôi giúp anh. Anh nhờ tôi viết hộ thư F. Jullien (vì trước đây mọi liên lạc là Hoàng Ngọc Hiến). Anh tự học tiếng Pháp là chủ yếu vì vốn tiếng Pháp nhà trường không đủ. Anh là người can đảm khi tiếp tục công việc dịch triết F. Jullien do Hoàng Ngọc Hiến để lại.

Anh bơi vào lĩnh vực triết học. Dịch bài văn thường đã bở hơi tai, còn dịch văn bản triết là một kỳ công. Đọc triết bằng tiếng Việt không đã mệt, lại còn phải hiểu nghĩa từ tiếng Pháp lại càng mệt huống chi dịch. Vậy mà anh vẫn quyết tâm lao vào. Tôi ở Pháp bao nhiêu năm và học tiếng Pháp từ thời trường năng khiếu mà còn thấy khó. Tôi cảm phục sự chịu khó và quyết tâm của anh. Tôi than dịch khó, tuy nhiên cũng nhận giúp anh một phần.

Tôi viết bài này để nhớ một người bạn cởi mở, hòa nhã luôn sẵn sàng giúp bạn bè, một người đàn ông thanh lịch, độ lượng nhưng rất thẳng tính. Với anh, bạn bè vẫn là trên hết. Sống cần tha thứ và giúp nhau.

Lần cuối cùng tôi gặp anh là ngày bão lớn ở Hà Nội, anh điện thoại cho tôi “bị ướt hết và cây đổ giữa đường”. Cuối cùng anh vẫn đến để tiễn tôi về Pháp. Anh nhờ tôi mang sách sang tặng bạn bè bên Pháp. Anh tặng tôi một chiếc khăn hồng làm kỷ niệm. Rồi anh vội về để làm nốt cuốn sách dịch.

Bão to có lẽ đó là điềm báo trước anh ra đi và chúng tôi không bao giờ gặp nhau nữa. Từ Đà Nẵng anh bay ra gặp lại tôi trước khi về Pháp, anh gửi thư:

“Tôi sẽ cố gắng thu xếp, để gặp chị... Cùng lúc, tôi không chỉ làm Francois Jullien, thực sự công việc rất nhiều, tôi không nhớ ngày tháng ...”

Cuốn sách “Triết sống” chào đời thì anh ra đi. Trong bản dịch có mấy câu thơ mà tôi đã dịch gửi cho anh như điềm báo trước tiễn anh đi.

Thuyền nhẹ đón khách sang
Hồ xa bồng bềnh tới
Ly rượu bên lan can
Bốn bề hoa sen nở

Núi thu chút nắng tàn
Chim vội vã theo đàn
Ánh sáng sắp tắt dần
Đêm không nơi ẩn náu


Rất tiếc Đà Linh và Hoàng Ngọc Hiến đều ra đi đột ngột. Hy vọng ước mơ của hai anh sẽ có nhiều người tiếp sức để xây cây cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với thế giới và dùng văn hóa nối kết người Việt trên khắp địa cầu.

2/9/2014

Trần Thu Dung
Từ Paris, Pháp

Người hóm hỉnh, ham vui…

Sau buổi nói chuyện ở Monge, đến phần văn nghệ, Lệ Thu (nghệ sỹ nổi danh thời 80-90 ở Sài Gòn hiện định cư ở Paris, (không phải Lệ Thu nhiều tuổi hơn, định cư ở Mỹ) được mời đến hát. Lệ Thu hát “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang. Lệ Thu khuấy động buổi vui bằng bài dân ca vui vẻ “Bà rằng bà rí”. Sau đó Lệ Thu đề nghị mọi người tham gia hát.

Đà Linh người xây cây cầu văn hóa ảnh 2 Nhà văn Đà Linh (phải). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Thiên hạ biết Đà Linh - Nguyễn Đức Hùng với danh nghĩa người cầm bút, biên tập xuất bản, nhưng ít ai biết Đà Linh là người rất thích hát, và hát cũng khá. Tôi ngồi cạnh Đà Linh, nghe thấy anh hát khe khẽ theo Lệ Thu, tôi đề nghị luôn “Đà Linh lên hát đi, vui là chính”. Tôi ẩn Đà Linh ra, đứng cạnh Lệ Thu, mọi người vỗ tay hưởng ứng cổ vũ. Chút ngập ngừng, Đà Linh cầm micro.

Anh hát một bài tiếng Pháp quen thuộc đối với nhiều người “Main dans la main ” (Tay trong tay) và một bài hát của Trịnh Công Sơn. Lệ Thu hát cùng. Ai cũng bất ngờ Đà Linh hát rất khá. Đà Linh cười rất tươi khi được mọi người hoan hô nhiệt liệt và đề nghị hát thêm.

Đêm sinh hoạt văn hóa ở Paris thật vui, rất tiếc anh Hoàng Ngọc Hiến do sức khỏe nên phần văn nghệ không tham gia mà về khách sạn trước. Lệ Thu đi nhờ ô tô tôi về. Trên đường về Lệ Thu tâm sự “Đêm nay vui thiệt và anh Đà Linh từ Việt Nam qua chẳng ngại ngần đứng lên hát. Anh ấy hát dễ thương”. Đêm văn nghệ, tiếng hát của Đà Linh đã góp vui cùng bạn bè hải ngoại. Anh trở nên thân thiện và đáng mến hơn nữa trong mắt bạn bè

MỚI - NÓNG