“Quái kiệt” sân khấu mở trường

TP - Tôi quen Nguyễn Thế Vinh từ những đêm nhạc Trịnh Công Sơn cách đây cả dăm bảy năm. Khi đó, mỗi khi anh xuất hiện trên sân khấu với cây đàn ghi-ta và cây acmonica đều gây xôn xao cho người xem.

Chỉ có một tay duy nhất nhưng Nguyễn Thế Vinh có thể vừa đàn vừa thổi acmonica. Nhiều người xem phải thốt lên: “Đúng là quái kiệt”. Nhưng, điều làm mọi người bất ngờ và xúc động, là tấm lòng của anh dành cho những đứa trẻ bất hạnh.

Làm mọi nghề chỉ với một tay

Sinh ra ở Bình Thuận, Vinh có một tuổi thơ đầy bất hạnh, 4 tuổi mồ côi cha, lên 7 tuổi thì mẹ cũng qua đời, để Vinh lại cho ông bà ngoại nuôi trong nghèo khó. Nhưng chưa hết, năm 8 tuổi một bất hạnh khác lại đến với Vinh khi một lần đi chăn trâu, Vinh bị ngã gãy tay phải. Không có tiền chữa trị, cánh tay phải bỏ vì hoại tử…

Để vượt qua số phận, Vinh phải cố gắng hơn rất nhiều so với người khác. Nhà nghèo nên từ nhỏ Vinh đã phải đi làm, từ việc nhà tới đồng áng. Nhưng cứ rảnh Vinh lại vùi đầu vào sách. Vinh cho rằng chỉ có học mới có cơ thoát khỏi cái nghèo. Khát vọng đổi đời luôn mạnh mẽ trong Vinh, là động lực để Vinh học tốt dù khó khăn đến mấy. Giấc mơ của Vinh là sẽ trở thành một thầy giáo, nhưng lúc đó, vì anh bị khuyết tật nên trường Sư phạm không nhận hồ sơ. Vinh đành chọn thi vào trường Đại học Kinh tế TPHCM. Và anh đã đậu ngay trong kỳ thi đầu tiên. Bốn năm sinh viên cũng vẫn là những năm gian khó, để có tiền ăn học, Vinh đã phải làm đủ thứ nghề như sửa xe đạp, dạy kèm, phụ bán hàng, giữ xe máy… chỉ với một tay duy nhất. Rồi khi ra trường, Vinh lại bôn ba với nhiều nghề như sửa điện thoại di động, làm kế toán công ty xây dựng, đi bán hàng…

“Quái kiệt” sân khấu mở trường ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Trong cuộc đời bất hạnh, Nguyễn Thế Vinh có một người bạn đồng hành: âm nhạc. Vinh bảo: “Tôi tìm đến âm nhạc như một sự đồng cảm, như một sự sẻ chia, có thể giúp tôi nói lên nỗi niềm mà có lẽ không có âm nhạc, tôi không thể nói với ai. Nhưng để làm bạn với âm nhạc, tôi phải vất vả hơn rất nhiều người khác”. Thích chơi ghi-ta, Vinh tìm đủ mọi cách, từ việc dùng ống sắt buộc vào cánh tay cụt để thử gảy.

Không ăn thua! Lại thử dùng chân. Cũng vẫn thất bại. Loay hoay mãi đến cả vài năm Vinh mới nghĩ ra cách vừa bấm phím vừa gảy đàn chỉ bằng một tay. Thế là từ đó, Vinh bắt đầu luyện. Ban đầu thì chỉ vài giai điệu nhạc đơn giản, dần dần anh đã có thể trình diễn nguyên cả một ca khúc được chuyển soạn với nhiều hợp âm phức tạp. Diễn thử được bạn bè ủng hộ, Vinh lại tìm đến với nhiều ca khúc khác. Rồi nhân người bạn có cây acmonica, anh lại tò mò thử tập vừa đàn vừa thổi acmonica. Vinh kể, tập một nhạc cụ khó một thì tập song song cả hai nhạc cụ khó gấp 10 lần bởi phải phân tâm. “Được cái nọ thì quên cái kia, làm sao để phối hợp trong một bản hoà tấu thật là khó. Nhưng tôi nghĩ bao cái khó khác mình còn vượt qua được thì chẳng lẽ mình lại thất bại trước việc này hay sao”.

Với một người bình thường thì có lẽ cố gắng như thế là điều quá sức. Nhưng với Nguyễn Thế Vinh, sự nhẫn nại từ thuở ấu thơ đã rèn cho Vinh thói quen không nản chí trước bất cứ điều gì. Vì thế Vinh cứ tập, cứ tập để tiến từng bước thật chậm. Ngày qua ngày, rồi đột ngột trong một lần vui với bạn bè, tất cả đều bất ngờ khi Vinh trình diễn xuất sắc tiết mục vừa đàn vừa thổi acmonica. Như có phép màu, hai nhạc cụ trong tay Vinh réo rắt, thiết tha vang vọng. Thế là từ đó, trong các cuộc vui, tiết mục của Vinh đã thành chủ lực vì sự độc đáo, có một không hai mà ai cũng muốn xem, muốn nghe. Nhưng Vinh không dừng lại, anh tiếp tục trau chuốt từng tiết mục của mình để thổi vào đó giai điệu, và hơn nữa là cái hồn của ca khúc. Đặc biệt, những ca khúc của nhạc sỹ họ Trịnh với những nỗi niềm, những trăn trở về cuộc đời, về tình yêu… đã được Vinh làm mới một cách độc đáo.

Tiếng lành đồn xa, chuyện một anh chàng chỉ còn một tay nhưng có thể vừa đàn vừa thổi kèn rất hay đến tai vài nhà tổ chức. Họ đã tìm đến Nguyễn Thế Vinh. Thế là trên sân khấu giải trí ở Sài Gòn xuất hiện thêm một hiện tượng âm nhạc mới: Đó là “quái kiệt” Nguyễn Thế Vinh. Nhiều nơi mời Vinh diễn, nhưng anh ít nhận diễn trong các điểm giải trí, anh thường chỉ nhận diễn ở những chương trình có tính chủ đề như những đêm nhạc Trịnh Công Sơn, đêm nhạc hướng về các chương trình từ thiện…. “Quái kiệt” ít diễn lại khiến cho khán giả càng chú ý hơn.

Tự mình xây trường

Lẽ ra với sự nổi tiếng đó, Nguyễn Thế Vinh có thể sống khỏe với nghề diễn. Nhưng dù đã thành công bước đầu trong nghiệp diễn nhưng Vinh vẫn đáu đáu giấc mơ ngày xưa: Trở thành thầy giáo. Và khi đã có đủ điều kiện, anh quyết tâm thực hiện ước mơ đó của mình là mở một ngôi trường riêng cho bản thân. Được bạn bè ủng hộ và giúp đỡ, đặc biệt một ông chủ vườn cao su ở Bến Cát - Bình Dương vì mến mộ Vinh mà sẵn lòng cho mượn hơn 600m2 đất trong vườn cao su của mình nên đầu năm 2010, Nguyễn Thế Vinh bắt đầu xây dựng ngôi trường. Không có nhiều tiền, anh tự mình thiết kế, tự đi mua vật liệu và tự tay xây trường cùng với vài người thợ phụ. Kinh nghiệm của những ngày làm xây dựng đã giúp cho Vinh tự tin khi làm ngôi trường của chính mình.

Bẵng đi mấy tháng không gặp, rồi đột nhiên bạn bè nhận tin Vinh khánh thành ngôi trường mang tên Hướng Dương. Một ngôi trường tuy nhỏ nhưng khá xinh xắn với các phòng học, phòng nghỉ, bếp ăn thư viện… có thể nuôi dạy trên 100 em.

Trung tâm Hướng Dương của thầy Vinh đang nuôi dạy 89 em thì 56 em dự thi đại học đã đậu 100%, trong đó có 5 em đã đi du học nước ngoài. Để tạo điều kiện cho các em theo học, hàng tháng trung tâm vẫn chu cấp tiền học, tiền ăn cho các em.

Trong số gần 100 học sinh của thầy Vinh hiện nay có nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn. Như em Nguyễn Thị Liên (Thanh Hóa) bị liệt tay chân, mồ côi cha, mẹ giáo viên tiểu học. Gia đình nghèo, 11 đi năm học Liên phải nhờ một người bạn cõng. Vào Hướng Dương, Liên được tạo mọi điều kiện theo học tiếp phổ thông, đã tốt nghiệp và thi đậu đại học. Giờ Liên trở thành sinh viên của trường Sư phạm kỹ thuật TPHCM.

Hay như cô bé Lưu Thị Kim Phụng (Bình Thuận) bị liệt từ nhỏ, gia cảnh khó khăn nên Phụng đã phải bỏ học giữa chừng. Nhờ sự tiếp sức của Hướng Dương, Phụng được học tiếp và đã trở thành sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải. Rồi hai anh em ruột Nguyễn Thái Tuấn - Nguyễn Thái Tú ở Bình Thuận cũng từng phải nghỉ học do gia đình quá khó khăn. Khi vào trường Hướng Dương, do Tuấn vốn là lao động chính trong nhà nên thầy Vinh đã nhận bảo trợ cả hai em, bao gồm tiền ăn học và cả tiền hàng tháng gửi về giúp gia đình thay cho Tuấn. Giờ đây hai anh em đang theo học ổn định.

Nguyễn Thế Vinh đã tạo ra phép màu, trung tâm Hướng Dương đang nuôi dạy 89 em thì 56 em dự thi đại học đã đậu 100%, trong đó có 5 em đã đi du học nước ngoài. Để tạo điều kiện cho các em theo học, hàng tháng trung tâm vẫn chu cấp tiền học, tiền ăn cho các em.

Nhưng thầy Vinh khẳng định việc tiếp sức cho các em được đi học không phải là mục tiêu chính của trường, mà quan trọng hơn là Hướng Dương muốn đào tạo các em trở thành những con người lương thiện, có chí hướng và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy môi trường của Hướng Dương là một môi trường của chính các em khi các em được tự chủ trong cuộc sống của mình.

Vào trường, các em được dạy từ những hành động nhỏ nhất như tự gấp chăn màn, tự dọn dẹp bàn ghế sau bữa ăn. Ngoài giờ học, các em cũng chính là chủ của ngôi trường khi cùng thầy Vinh tự tay chăm sóc đàn gà, vườn rau để cải thiện cuộc sống.

Thầy Vinh chia sẻ: “Tôi muốn các em trước khi được học kiến thức ở trường thì các em còn phải có kiến thức xã hội. Chỉ có thế thì các em mới có thể tự lập trong cuộc sống dù gặp hoàn cảnh nào. Bởi vậy tôi làm mọi việc cùng các em, dùng kiến thức ngoài đời để dạy cho các em không chỉ ở trên lớp”.

Một bài toán khó với thầy Vinh là nguồn kinh phí cho hoạt động của trường. Hàng năm kinh phí nuôi dạy các em lên tới trên 2 tỷ đồng, trong đó một phần kinh phí được nhiều bạn bè của anh hỗ trợ.

Để nuôi trung tâm, thầy Nguyễn Thế Vinh hết đi diễn, tổ chức dạy thêm, lại cùng các em gia công hàng. Bởi vậy anh gần như không có thời gian rảnh rỗi. Với người bình thường chừng đó đã là vất vả, nhưng với người chỉ còn một tay thì còn vất vả hơn.

Nhưng Vinh bảo mình vất vả quen rồi, cố gắng một chút để cho các em thì Vinh có nề hà gì! Bù lại sự cố gắng đó là Vinh nhận được sự tin yêu, kính trọng từ các em, dù có đi học xa thì các em vẫn coi ngôi trường như căn nhà thứ hai của mình để cuối tuần các em về cùng vui vầy, cùng đoàn tụ với những tiếng cười, niềm vui.

Tôi đến trường Hướng Dương vào một buổi trưa mùa hè khi các em vừa ăn xong. Chứng kiến thầy trò cùng trò chuyện sôi nổi, cùng bàn cãi về một bài toán hóc búa. Rồi tranh thủ lúc trời không mưa, thầy và những trò nam lại xoay trần ra trộn vữa, làm thêm cái chuồng gà.

Nguyễn Thế Vinh vui vẻ khoe với tôi rằng 13 em thi đại học năm nay đều đậu 100%. Sang năm tới trường sẽ nhận thêm một số học sinh nên trong dịp hè thầy Vinh và học sinh phải tranh thủ cải tạo, sửa chữa trường để nhận các em. Nghĩa là lại thêm mối lo toan mới.

Tôi bảo Hướng Dương đã tạo ra một phép màu khi giúp các em đạt được ước mơ đại học thì thầy Vinh cười “Không phải chúng tôi tạo ra phép màu đâu mà chính các em đã tự cố gắng, chúng tôi chỉ tiếp sức, tạo thêm cơ hội mà thôi.” Và anh lại nói về tương lai của ngôi trường, Hướng Dương sẽ mở rộng hơn nữa, sẽ là điểm đến của nhiều học sinh khát khao được học nhưng có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. n

Thầy đi bốn phương tìm trò

Có trường thì phải có học sinh, Vinh đã nghĩ ra cách quy tụ các em không giống ai. Nghĩa là nghe bạn bè giới thiệu có em học sinh nào hiếu học, gia cảnh khó khăn thì Vinh tìm đến, thuyết phục gia đình cho em được vào trường Hướng Dương. Đây quả là một khó khăn không kém gì so với hồi gây dựng trường.

“Quái kiệt” sân khấu mở trường ảnh 2 Thầy Vinh khi dạy học, khi cùng làm với các em
Nhiều gia đình các em chưa biết gì về trường Hướng Dương, cứ nghĩ có chuyện gì lừa đảo gì đó nên không dám giao các em cho Vinh. Phải thuyết phục và kiên nhẫn khá lâu, trường mới có học sinh. Nguyễn Thế Vinh kể cứ đến dịp hè hay dịp Tết thì thầy lại thân chinh đi tìm học sinh (Vì thời gian khác anh phải dạy học).?

Cứ một mình, hết xe đò, xe lửa và thậm chí cả xe ôm, thầy Vinh tìm đến các gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn, miền Nam có, miền Trung có và thậm chí ở ngoài Bắc xa xôi. Anh kể: “Ba năm nay, năm nào tôi cũng ăn Tết ở ngoài đường, trên xe lửa, xe đò hay ở phòng trọ rẻ tiền nào đó. Nhưng không phải gia đình nào cũng tin tưởng, gửi học sinh cho tôi. Có người từ chối, cũng có người thì bảo do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cháu còn phải làm việc để giúp đỡ gia đình. Nhưng cũng may nhiều gia đình vì nghĩ tới tương lai của các em nên đã giao học sinh cho tôi”.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.