Đã dần sáng tỏ nguyên nhân cá chết

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính là độc tố học và tảo độc để làm rõ vụ cá chết. Ảnh minh họa
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính là độc tố học và tảo độc để làm rõ vụ cá chết. Ảnh minh họa
TPO - Chiều nay (14/5), tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc trả lời báo chí về hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung thời gian qua.

Ông Tạc cho biết, sau hơn một tháng tìm hiểu, nghiên cứu, việc xác định nguyên nhân cá chết đã đi đến giai đoạn nước rút. Kịch bản nguồn phát sinh tác động lan truyền ra sao, ảnh hưởng đến cá và sinh vật biển, kể cả san hô như thế nào đã dần được sáng tỏ.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Thưa thứ trưởng, những ngày qua hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở miền Trung là vấn đề mà người dân tại các địa phương cũng như cộng đồng xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm, lo lắng. Với trách nhiệm chủ trì xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng trên,  Bộ KH&CN đã làm những gì?

Như nhà báo và cộng đồng xã hội đã biết, hiện tượng hải sản chết bất thường hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4/2016, tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Quảng Bình ngày 10/4/2016, Thừa Thiên Huế ngày 15/4/2016, Quảng Trị ngày 16/4/2016, với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến 4/5/2016. Các hiện tượng bất thường, từ góc độ khoa học đều đã được tiếp cận duy trì cập nhật và xử lý làm cơ sở cho việc phân tích xác định nguyên nhân.

Ngay khi có thông tin và báo cáo, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã kịp thời quyết liệt và thường xuyên chỉ đạo, giao nhiệm vụ theo đúng trách nhiệm và lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành và yêu cầu báo cáo kịp thời. Đặc biệt, Bộ KHCN nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ hàng ngày, với tinh thần xuyên suốt là đảm bảo khẩn trương, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, có kết quả độc lập khách quan, với đầy đủ căn cứ khoa học thuyết phục không bao che cho bất cứ tổ chức cá nhân nào vi phạm.

Bộ KH&CN đã phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức đoàn công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của các viện nghiên cứu liên quan, khảo sát thực địa vùng biển 4 tỉnh miền Trung để tổng hợp thông tin lấy mẫu, tiến hành phân tích mẫu để đánh giá hiện tượng và tìm hiểu nguyên nhân; đã chỉ đạo các sở KHCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến lấy mẫu hiện trường để phục vụ cho công tác phân tích xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo nhanh kết quả và đề xuất kiến nghị về Bộ.

Ngay khi các tổ chức KHCN độc lập có được một số kết quả phân tích chỉ tiêu ban đầu, Bộ KHCN đã chủ trì tổ chức họp với tất cả các tổ chức KH và CN, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để trao đổi thông tin kết quả nghiên cứu độc lập, từ đó định hướng kịch bản và phương án phối hợp nghiên cứu, nhằm xác định nguyên nhân hải sản chết hàng loạt.

Căn cứ vào diễn biến kết quả thu được của các nhóm nghiên cứu, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các bộ ngành, tổ chức KHCN liên quan họp thống nhất và ra quyết định thành lập hội đồng chuyên gia KHCN quốc gia, với ba tổ chuyên gia tập trung nghiên cứu các nhóm tác nhân. Một là hóa học, hai là sinh học, ba là nhóm khí tượng thủy văn và động lực học biển để phân tích đối chứng, so sánh, bổ sung căn cứ, đánh giá chéo và độc lập nhằm đi đến các kết luận đủ căn cứ khoa học, thành lập tổ công tác hiện trường thường trực tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. 

Thành lập tổ công tác điều phối, hỗ trợ để thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính Phủ, làm việc với các bộ ngành và Hội đồng Chuyên gia KH&CN  quốc gia. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Chuyên gia KH&CN  quốc gia đã mời một số chuyên gia khoa học nước ngoài như Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel có kinh nghiệm tham gia phối hợp xác định nguyên nhân của hiện tượng trên.

Có thể nói, tất cả lực lượng các tổ chức khoa học công nghệ, nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan đã tham gia vào quá trình phân tích, đánh giá và xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt này. Chúng tôi hoan nghênh trách nhiệm và sự quan tâm của các nhà khoa học độc lập và trên thực tế chúng tôi đã mời một số nhà khoa học tham gia tổ chuyên gia và tiếp nhận những kết quả, thông tin nghiên cứu độc lập để tăng cường bằng chứng và căn cứ khoa học. 

Với tính chất là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành như hải dương học, địa chấn thủy văn, động lực học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái… việc xác định nguyên nhân thực sự là một vấn đề lớn, phức tạp và đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật. Các nhà khoa học đã được tạo mọi điều kiện để trả lời bằng luận cứ khoa học của mình một cách độc lập và khách quan nhất.

Đã dần sáng tỏ nguyên nhân cá chết ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc. Ảnh: Bộ KHCN

Thưa ông, từ những chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ KH&CN  như ông nói trên, đến nay chúng ta đã thu nhận được kết quả gì?

Bộ KH&CN và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ý thức được trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về việc nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt nêu trên để sớm báo cáo Chính phủ, công bố trước nhân dân.

Thực chất đến nay đã xác định đây là sự cố môi trường trên diện rộng mà việc giải quyết về mặt khoa học vừa đỏi hỏi huy động liên ngành, vừa yêu cầu tính chuyên sâu cao trong từng xem xét, phân tích khoa học. Đó là chưa nói đến yêu cầu phân tích hồi tố về điều kiện thực địa ban đầu. Các kết quả phân tích riêng lẻ không đủ  cơ sở để có câu trả lời đầy đủ căn cứ khoa học vững chắc. Khi làm việc với các nhà khoa học, có những thời điểm làm việc ban đầu, đôi khi có cảm nhận là thực sự khó khăn để có được một kết luận tổng hợp, toàn diện và thuyết phục

Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học liên ngành như hải dương học, địa chấn thủy văn, động lực học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái, viễn thám, kỹ thuật hạt nhân. 

Tính đến thời điểm 26/4/2016, các kết quả phân tích cho thấy đã có đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính là độc tố học và tảo độc.  

Có thể khẳng định việc cập nhật liên tục diễn biến hiện trường và phối hợp tổ chức lấy các mẫu vật, kết hợp với phân tích hồi tố về điều kiện thực địa lúc xảy ra sự cố môi trường, đã đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu, phân tích để xác định nguyên nhân một cách khoa học. Các đối tượng lấy mẫu gồm cá, nước tầng mặt và tầng đáy, trầm tích, san hô, sinh vật phù du, hệ sinh thái, động vật đáy, các dữ liệu ảnh viễn thám.. là cơ sở để phân tích đánh giá đầy đủ kết luận khoa học.

Thực chất đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan. Các nhà khoa học nước ngoài khi được trao đổi tham vấn với Hội đồng chuyên gia KHCN quốc gia đã khẳng định về việc tiếp cận và đi đúng hướng của các nhà khoa học trong nước để từng bước xác định nguyên nhân. Cho đến nay, các kết quả phân tích mẫu, kết quả đối chứng đã cơ bản thể hiện sự hội tụ và phù hợp với những quy luật và diễn biến thực địa.

Kịch bản nguồn phát sinh tác động lan truyền ra sao, ảnh hưởng đến cá và sinh vật biển, kể cả san hô như thế nào đã dần được sáng tỏ. Trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học cho thấy, hơn một tháng qua, chúng ta đã nỗ lực và đã đi một chặng đường dài đến giai đoạn nước rút. Cuối cùng thực hiện mục tiêu đề ra.

Như vậy, có thể nói đã đủ cơ sở khẳng định sẽ có câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận. Bộ KH&CN đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia KHCN và các bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.