Cưới to no nợ

Cưới to no nợ
TP - Anh Lực, chị Nghĩa yêu nhau từ hồi sinh viên. Anh Lực không chỉ là con trai duy nhất trong gia đình có bốn chị em mà là người kế nhiệm chức trưởng tộc dòng họ Lê. Chính vì thế khi tổ chức đám cưới, ôngLê Quang, bố anh Lực, chuẩn bị rất chu đáo.

Ông tuyên bố: “Đám cưới của thằng Lực phải thật lớn để mát mặt  với thiên hạ, tôi sẽ mời cả làng”.

Là người có học, và biết gia cảnh còn nhiều khó khăn anh Lực lên tiếng phản đối: “Nhà mình chẳng phải khá giả gì! Con và Nghĩa yêu nhau, không cần đám cưới đình đám, chỉ cần tổ chức đơn giản là được”.

Ông Quang quát: “Anh là con trai duy nhất, là cháu đích tôn thì phải tổ chức ra trò. Đơn giản thế nào được, vay mượn cũng phải tổ chức lớn”. Rồi ông dịu giọng: “Tổ chức lớn thì cũng thu về nhiều chứ, lo gì”.

Ông Hải, thành viên trong họ Lê nói xen: “Cậu là bộ mặt của cả dòng họ phải làm thật hoành tráng cho họ Nguyễn, Trịnh phải lác mắt”. Chẳng thể can ngăn, đám cưới Lực được tổ chức linh đình. Mọi người trong làng ngoài xã ai cũng khen đám cưới con trai ông Quang to nhất làng.

Sau đám cưới với khuôn mặt ngại ngùng, ông giao cho đôi vợ chồng trẻ cuốn sổ ghi nợ mà ông đã vay chi cho đám cưới. Anh Lực cầm cuốn sổ không nói gì, rồi quay sang nhìn vợ với vẻ mặt ái ngại. Chị Nghĩa vừa về nhà chồng đã nhận được món quà là cuốn sổ ghi nợ.

Với đồng lương ít ỏi của giáo viên tiểu học anh Lực, chị Nghĩa cũng chỉ đủ chi tiêu cho sinh hoạt thường ngày, lấy gì để trả nợ. Nhìn vào chiếc xe máy vừa mới tậu, anh Lực đành phải ngậm ngùi bán nó đi để trả nợ.

Giờ nhìn con trai và con dâu đi làm bằng xe đạp, ông Quang thỉnh thoảng lại thở dài. 

Bài tham gia chuyên mục Sau lũy tre làng xin gửi về hộp thư sauluy@gmail.com hoặc gửi đến Tòa soạn báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG