Nghiên cứu đối thủ để chiến thắng
Cuộc thi có chủ đề “Robot đánh cầu lông”, đòi hỏi công nghệ cao nhưng chưa thể tự động hoàn toàn mà còn phụ thuộc vào người điều khiển, nên còn cần tới bản lĩnh của các sinh viên thi đấu. Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Tăng Cường ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, giải thích đó là đòi hỏi người điều khiển có kỹ năng dự báo cầu tốt, vững tâm lý, kịp thời điều chỉnh hoạt động của robot. Mỗi đội ra sân có hai robot với hai sinh viên trực tiếp điều khiển và một đội trưởng chỉ đạo chiến thuật. Nếu như những lần thi trước, có công nghệ tốt và thiết kế hợp lý là chiến thắng nên đôi khi được tối ưu hóa thành một dạng ro bot, thì lần này, robot rất đa dạng. Phát cầu được lập trình sẵn để phát cầu bổng, phát cầu ngang; có robot chỉ một bộ vi xử lý nhưng có robot đến 8 bộ vi xử lý.
Để chiến thắng, bên cạnh sáng tạo kỹ thuật, phải tập luyện chiến thuật. Một đội trưởng của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên phát biểu trước khi vào trận chung kết: “Chúng tôi tập luyện chăm chỉ, nghiên cứu đối phương kỹ càng để có chiến thuật hợp lý”.
Nhưng hai đội vào chung kết đã quá hiểu nhau, chung công nghệ, mỗi đội có một robot với giàn vợt đỡ ngang và một robot với giàn vợt đỡ từ phía sau. Họ vào cuộc với tâm lý thoải mái và chỉ thắng ở bản lĩnh thi đấu. Quả đầu, giao cầu ngang hiểm hóc, đội FR1 ăn điểm. Quả tiếp theo, vẫn lối đánh mạnh, đội FR1 ăn điểm. Nhưng hai quả liền đó, đội Fire Win ăn điểm trở lại. Đến quả thứ năm, đội Fire Win vươn lên dẫn trước nhưng bị bắt kịp. Và khi đã dẫn trước một điểm, đến quả thứ tám, đột ngột đội FR1 thay đổi cách giao cầu, không phạt ngang nữa mà phát bổng nên ăn điểm. Đội FR1 chiến thắng với điểm số 5/3, giành chức vô địch và sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á – Thái Bình Dương (ABU Robocon 2015), tổ chức tại Indonesia vào tháng 8/2015.
Cùng chiến thắng
Hai trận bán kết cũng khá gay cấn. Đó là trận đấu giữa đội FR1 với đội CNĐT4 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Đội FR1 được phát cầu trước nhưng lúng túng nên mất điểm. Quả thứ hai, FR1 đỡ cầu lấy lại điểm. Cứ thế, suốt 12 quả, hai đội bám nhau từng điểm và cùng được 6 điểm. Hai đội dừng trận đấu để phân định thắng thua bằng phân tích trận đấu: đội FR1 ghi điểm trực tiếp 2 lần, hơn CNĐT4 chỉ một lần, nên chiến thắng để vào trận chung kết.
Trận bán kết thứ hai giữa đội Fire Win với đội LH SEED của Trường Đại học Lạc Hồng căng thẳng cả hai phía. Bởi vì, Trường Đại học Lạc Hồng đã 5 lần vô địch quốc gia, và năm 2014 còn vô địch cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á-Thái Bình Dương. Robot của LH SEED đến 8 bộ vi xử lý rất mạnh, lại có khả năng vừa di chuyển vừa phát cầu nên rất khó đỡ. Bốn quả đầu, LH SEED dẫn điểm, nhưng sau đó bị bắt kịp và đã thua trong sự tiếc nuối.
Đáng chú ý nữa, trận mở màn đêm chung kết cũng giữa hai đội của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên: Đội FR1 và đội MC1. Đội FR1 vẫn phong cách phát bóng hiểm, trong lúc đội MC1 bọc lót khá tốt. Đội FR1 thắng với tỷ số 6/4. Và trận chung kết cũng giữa hai đội của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, cả hai đội thắng lẫn thua cùng giương cao cờ Tổ quốc chạy vòng quanh sân thi đấu chào khán giả.
Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Tăng Cường - Học viện Kỹ thuật Quân sự, nói với PV Tiền Phong: “Cuộc thi có nhiều sáng tạo”. Ông phân tích, gắn việc đánh cầu lông vào trò chơi con người với máy móc (những năm trước gắn với văn hóa) tạo điều kiện cho sinh viên triển khai các giải pháp thực tế. Hai đội đấu đối kháng trực tiếp cũng cho người xem dễ thấy kết quả thắng thua. Về chất lượng công nghệ, ông Cường cho rằng, tốt hơn những năm trước thể hiện ở việc lập trình, giải pháp khí nén, cơ học chuyển động.
Hòa Hội
Cuộc thi Sáng tạo Robot 2015 Việt Nam lần này là lần thứ 14. Phía Bắc có 73 đội, thi đấu chọn 24 đội và phía Nam 17 đội, chọn 8 đội, tổng cộng 32 đội vào vòng chung kết tại Cần Thơ, từ ngày 12 đến 17/5. Kết quả: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đoạt chức vô địch, giải nhì và thêm giải robot có công nghệ tốt nhất; ĐH Lạc Hồng và ĐH Công nghiệp Hà Nội đoạt giải ba; CĐ Kỹ thuật Vĩnh Phúc đoạt giải robot đỡ cầu xuất sắc nhất và giải phong cách; CĐ Nghề Công nghệ Hà Tĩnh đoạt giải robot phát cầu xuất sắc nhất; ĐH Trần Đại Nghĩa đoạt giải ý tưởng.