Chị Trần Phương Nhung (sinh năm 1983, quê Nam Định) là “công dân chính thức” của xóm chạy thận, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Năm 18 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cánh cửa cuộc đời như đóng sầm lại trước mặt chị khi phải vào viện cấp cứu vì bệnh viêm cầu thận mãn và suy thận.
Có những lúc chị tưởng như chỉ còn chờ chết khi bệnh rất nặng, thiếu máu, độc tố lên cao. May mắn, người phụ nữ 33 tuổi được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hậu thuẫn, động viên, đồng thời bản thân chị cũng quyết tâm để giành giật sự sống. Tử thần đã không thể mang chị đi, nhưng cơ hội để sống, làm việc như một người bình thường đã không còn.
Lúc mới phát hiện bệnh, việc thay thận ở Việt Nam chưa phổ biến, chị muốn phẫu thuật phải sang Trung Quốc với chi phí rất cao. Còn bây giờ, sau 13 năm chạy thận, phủ tạng đã suy, việc thay thận không còn giải quyết được vấn đề như trước. Giờ đây, chị không thể đi đâu xa do mỗi tuần 3 lần phải vào Bệnh viện Bạch Mai lọc máu. Ngay cả việc đơn giản như ăn cơm trưa, nữ nhà văn cũng phải thực hiện trên giường bằng tay trái.
Trước đây, chị ở chung phòng với hàng chục bệnh nhân. Thời gian này, với sự giúp đỡ của gia đình, chị được ra ở phòng riêng để có thể dưỡng bệnh tốt hơn và có điều kiện theo đuổi đam mê của mình.
Chị Nhung chia sẻ: "Với một người mắc bệnh thận lại sống một mình, nỗi cô đơn và ám ảnh bệnh tật luôn trực chờ. Cuộc sống buồn nhiều hơn vui. Vì thế, mình phải tiết kiệm, chắt chiu những niềm vui nho nhỏ để đưa vào ngân hàng hạnh phúc”.
Bị bệnh từ năm 18 tuổi, gia đình phải vất vả để có tiền giành lấy sự sống, chị không muốn sinh con, bởi ngày nay trời sinh voi nhưng không sinh cỏ nữa. Chị bằng lòng với việc những cô bé, cậu bé hàng xóm cứ mỗi chiều chạy sang nhà chơi.
Từ những câu chuyện vui nho nhỏ mỗi ngày, từ những trải nghiệm đau đớn của bản thân, chị bắt đầu viết nhật ký. Có lần, một người bạn lén lấy 5 bài trong nhật ký để gửi đăng báo. Cả 5 bài ấy đều được đăng. Chị sung sướng như tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chị lao vào viết, viết hăng say bởi người bình thường có 50 năm để làm việc mình mong muốn, còn người suy thận chỉ có khoảng 20 năm mà thôi.
Mỗi khi chạy thận trở về, khi cánh tay vẫn còn băng bó, chị lại viết say mê. Và khi gia tài văn chương ngày một nhiều lên, chị đã ra được cuốn sách Điều kỳ diệu quanh ta (2014) và chuẩn bị ra tiếp cuốn Những trái tim đẹp nhất.
Qua việc ra sách, chị quen được rất nhiều người tốt, nhận được nhiều lời động viên và những sự giúp đỡ. Mặt khác, chị cũng có cơ hội nhiều hơn để giúp những người khác. Hai tuần gần đây, khi thấy 2 bệnh nhân chạy thận nghèo không có tiền thuê trọ, phải ngủ lại trên ghế ở Bệnh viện Bạch Mai, chị đã mời họ về nhà, trải giường gấp và sắm thêm cái quạt.
Không những thế, kể từ năm 2012, nhà văn suy thận đứng lên tổ chức nấu cơm từ thiện cho các bệnh nhân thuộc khu lưu trú bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Bạch Mai. Kinh phí thực hiện khoảng 6 triệu đồng/tháng, do các bạn học cùng khoá với chị tại trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) đóng góp.
Một người bạn học cùng khoá 1998-2001 với chị chia sẻ: “Nhung bệnh tật, phải chạy thận, vẫn giúp được nhiều người. Mình khoẻ mạnh, bình thường, kiếm tiền ổn lại không giúp đỡ gì thì coi sao được”. Vì thế, cứ hai tuần một lần, chị Nhung lại cùng các thành viên câu lạc bộ "Dấu chân tuổi trẻ" nấu cơm từ thiện cho 200 bệnh nhân.
“Cũng là người bệnh nên mình càng hiểu rõ nỗi khổ, sự khó khăn của bệnh nhân chạy thận. Vì thế, giúp được họ dù chỉ là đỡ tiền mua một suất cơm chiều cũng là một niềm vui không gì đong đếm được”, chị Phương Nhung chia sẻ.