Cuộc sống của người kiếm hàng chục triệu USD cho Triều Tiên

Ri Jong-ho từng là người kiếm tiền hàng đầu cho Triều Tiên, gửi hàng triệu USD một năm về Bình Nhưỡng.

Ri Jong-ho đã làm việc trong ba thập kỷ tại Văn phòng 39, bộ phận của Đảng Lao động Triều Tiên chịu trách nhiệm kiếm tiền cho lãnh đạo nước này. Văn phòng được cho là tham gia hoạt động buôn bán cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Họ bị cáo buộc liên quan cả đến tiền giả và buôn lậu ma túy.

"Chúng tôi không chịu bất kỳ 'vết thương' nào trong thương mại vì các biện pháp trừng phạt. Thay vào đó, chúng tôi đã tiến hành cuộc thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006", Ri Jong-ho nói trong cuộc phỏng vấn.

"Tôi đã từng bị trừng phạt, vì tôi là người Triều Tiên dẫn dắt vấn đề thương mại của Triều Tiên, nhưng tôi chả thấy hề hấn gì. Các biện pháp trừng phạt rất hời hợt", Ri nói.

Ông mô tả việc có thể gửi hàng triệu USD cho Triều Tiên chỉ đơn giản bằng cách trao túi tiền mặt cho thuyền trưởng của một chiếc tàu đi từ thành phố cảng Đại Liên của Trung Quốc đến cảng Nampo của Triều Tiên, hoặc đưa cho ai đó để đem lên tàu hỏa qua biên giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, trước khi ông đào tẩu vào tháng 10, Ri cho biết ông đã gửi khoảng 10 triệu USD về Bình Nhưỡng theo cách này.

Ri cho biết ông làm lãnh đạo một công ty vận tải và là chủ tịch Tập đoàn Korea Kumgang. Họ liên doanh với Sam Pa, doanh nhân Trung Quốc, để phát triển một công ty taxi ở Bình Nhưỡng.

Ri được trao tặng danh hiệu "anh hùng lao động" vào năm 2002. Ông có cuộc sống sung túc ở Bình Nhưỡng với TV màu và xe hơi. "Tôi đã rất trung thành với ông Kim Jong-il, vì vậy tôi được ông ấy trọng thưởng", Ri nói. "Tôi giàu có".

Vị trí cuối cùng mà ông điều hành là tại chi nhánh Đại Liên của Daeheung, một công ty chuyên chở than, thủy sản xuất khẩu và dầu nhập khẩu.

Nhưng vào năm 2014, Ri ngày càng vỡ mộng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên án chú rể Jang Song-thaek là "kẻ phản bội" và xử tử ông vào cuối năm 2013.

Jang là người dẫn đầu các nỗ lực hợp tác kinh tế với Trung Quốc và hàng chục cấp dưới của ông này cũng bị thanh trừng vào thời điểm đó. Ri đã rất lo lắng rằng gia đình mình sẽ là người kế tiếp. Họ trốn sang Hàn Quốc trước khi chuyển đến Mỹ.

Các chuyên gia nói việc Ri tới Mỹ có thể là một lợi ích cho những nỗ lực của Mỹ nhằm trấn áp Triều Tiên. "Sẽ luôn hữu ích khi một người đào tẩu, đặc biệt là người biết các hoạt động nội bộ của Văn phòng 39 có thể giúp chúng ta". Anthony Ruggiero, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói.

Mỹ đã cố gắng hiểu cách Triều Tiên sử dụng các ngân hàng ở Trung Quốc để tài trợ cho các hoạt động của mình. "Tôi hy vọng Bộ Tài chính và một số cơ quan chính phủ khác tìm đến ông ấy để hiểu thêm thông tin", Ruggiero nói.

Ri nói rằng Triều Tiên luôn tìm được cách luồn lách qua bất kỳ lệnh trừng phạt nào họ bị áp đặt. "Triều Tiên là một doanh nghiệp nhà nước 100%, vì vậy các công ty này chỉ cần đổi tên sau khi bị trừng phạt", ông nói. "Bằng cách đó công ty tiếp tục hoạt động, nhưng với một cái tên khác với tên trên danh sách trừng phạt."

Các đối tác Trung Quốc của Ri cũng chẳng ái ngại. "Đối tác của tôi ở Trung Quốc muốn kiếm được lợi nhuận, vì vậy họ không quan tâm nhiều đến các lệnh trừng phạt", ông nói. "Khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho họ dừng giao dịch với chúng tôi, họ dừng lại vài ngày rồi sau đó nối lại".

Ri cho rằng để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ nên xem xét đến việc đối thoại.

"Tôi nghĩ rằng cần có những cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên, để họ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề", Ri nói.

Những nỗ lực ngoại giao trước đây nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân đã thất bại, có rất nhiều hoài nghi ở Washington về việc đàm phán.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG