“Cú bắt tay” táo bạo…
Nói đến xiếc, người ta nghĩ đến những động tác, kỹ thuật khó, đòi hỏi sự tập trung, uyển chuyển, nhẹ nhàng, đôi khi khiến khán giả vừa xem vừa… nín thở. Còn với rock, thường người ta hay nghĩ đến thể loại âm nhạc sôi động, dữ dội và ồn ào. Hay tin Liên đoàn Xiếc “bắt tay” với ban nhạc rock, thật không hiểu sẽ như thế nào. Mang băn khoăn hỏi NSND Tống Toàn Thắng (Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam), anh tự tin khẳng định: Sự kết hợp này không chỉ lạ mà còn chất, bởi cả xiếc và rock đều có điểm chung là mang màu sắc tự do, bay bổng, phóng khoáng. Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng kỳ vọng “cuộc hôn phối” này sẽ mở ra cho các nghệ sỹ xiếc, các rocker và khán giả có thêm nhiều trải nghiệm mới và các sản phẩm nghệ thuật tiếp theo.
“Thiên thần lên núi” có sự tham gia của các nghệ sỹ Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhóm rock Ngũ Cung, quán quân rock Việt 2022 - Thỏ Trauma cùng ê kíp sáng tạo là các nghệ sỹ nổi tiếng. Bên cạnh không gian sân khấu tròn, chương trình còn sử dụng 3 sân khấu phụ trên cao để mở rộng không gian biểu diễn. Ở đó, các nghệ sĩ xiếc sẽ có những màn biểu diễn tung hứng theo nhịp điệu của âm nhạc cùng các nhạc công chơi trực tiếp trên sân khấu. Đồng thời, các nghệ sĩ trong ban nhạc cũng sẽ có những phần trình diễn bất ngờ, khi vừa chơi nhạc, vừa tham gia thể hiện động tác xiếc.
Có thể kể đến một số tác phẩm như: “Hành khúc ngày và đêm” - “Lá đỏ” kết hợp với tiết mục xiếc “Tốp nam nữ cầu bật - đu nữ 4 dây lụa”; “Cướp vợ” kết hợp với tiết mục xiếc Ngày hội người Mông; “Cô đôi Thượng Ngàn” kết hợp ảo thuật; “Nỗi đau” kết hợp với tiết mục xiếc cột đôi nam nữ; Ngũ cung solo với xiếc tung hứng bóng, quả trám, lắc vòng, quay lửa; “Ngọn lửa cao nguyên” kết hợp xiếc trăn… Đây cũng sẽ là sân khấu có nhiều nghệ sỹ xiếc xuất hiện nhất (hơn 60 nghệ sỹ biểu diễn trong hơn 90 phút). “Hoàng tử xiếc trăn” Tống Toàn Thắng cũng sẽ tham gia biểu diễn, hứa hẹn với một phong cách mới, rất rock.
Theo nhạc sĩ Trần Thắng - Ban nhạc Ngũ Cung, ý tưởng kết hợp xiếc và rock đã được anh và NSND Tống Toàn Thắng bàn bạc từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Và khi xây dựng kịch bản chương trình, cái khó nhất với các nghệ sĩ là làm sao để xiếc và rock cùng hòa quyện, chứ không chỉ dừng ở việc dùng nhạc rock minh họa cho các tiết mục xiếc. Bởi vậy, bên cạnh sáng tác âm nhạc bám sát từng tiết mục theo kịch bản của NSND Tống Toàn Thắng, các thành viên trong ban nhạc Ngũ Cung cũng phải dốc sức tập luyện “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cùng các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Trần Thắng tiết lộ bản thân anh cũng sẽ thực hiện màn biểu diễn đặc sắc: vừa cưỡi ngựa vừa biểu diễn âm nhạc trong tiết mục xiếc khai thác tục cướp vợ của người dân vùng cao.
… Và nỗ lực xóa định kiến “chỉ làm trò cho thiếu nhi”
Ban nhạc rock Ngũ Cung đang tập luyện cùng các nghệ sĩ xiếc để chuẩn bị cho đêm diễn “Thiên thần lên núi” |
Những năm gần đây, không thể phủ nhận xiếc Việt đã khởi sắc rất nhiều. Thay vì biểu diễn các tiết mục đơn lẻ như trước, đã có sự mạnh dạn kết hợp với nhiều loại hình khác, tận dụng sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật tổng hợp. Nỗ lực này giúp xiếc thu hút đa dạng đối tượng khán giả các lứa tuổi trong và ngoài nước bởi yếu tố giải trí hấp dẫn, mang đậm văn hóa dân tộc.
Năm 2012, vở “Làng tôi” công diễn ở Việt Nam sau 7 năm chu du khắp các châu lục với hàng trăm đêm diễn, đã gây tiếng vang trong giới nghệ thuật, bởi lần đầu tiên xiếc kết hợp cùng âm nhạc dân tộc phối khí theo lối đương đại, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật hình thể. Ở đó, sân khấu xiếc xuất hiện thêm nhiều đạo cụ vừa lạ vừa quen như tre nứa, rơm rạ và được đặt trong một vở diễn có nội dung cụ thể, làm bật lên bức tranh làng quê Việt Nam. Sau thành công của “Làng tôi”, một loạt tác phẩm khác như “À Ố Show”, “Teh Dar”, “Ionah”, “Ký ức Hội An”... đã khiến khán giả có cái nhìn khác về xiếc. Các vở diễn đã kết hợp nhuần nhuyễn nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc, nhảy múa, kịch, nghệ thuật thị giác, âm nhạc, ánh sáng... tạo nên các tác phẩm chinh phục khán giả, khi vừa thể hiện được cốt truyện, thông điệp, vừa có phần thị giác hấp dẫn, bắt mắt.
Xiếc Việt đang ngày càng khởi sắc khi kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác |
Năm 2020, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đầu tư sô diễn lớn mang tên “IMi show”- “Kỳ tích phương Nam”, kết hợp ấn tượng hai loại hình nghệ thuật khác biệt về ngôn ngữ tạo hình: xiếc và rối. Nhạc sĩ - NSƯT Hồ Văn Thành cũng có nhiều sáng tạo trong việc đưa âm nhạc ngũ cung vào trong từng tiết mục xiếc hòa quyện với rối cạn, rối nước.
Cuối năm 2022, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiếp tục ra mắt tác phẩm nghệ thuật “Lửa tình cao nguyên”, kết hợp giữa các màn nhào lộn, đu dây trên cao, đế kiếm, tung hứng, thăng bằng, xiếc thú, ảo thuật... và các loại hình ca múa nhạc, nghệ thuật sắp đặt gắn với các phong tục, lễ hội truyền thống, diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên... mang đến cho công chúng một vở diễn ấn tượng. NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam đã phải thốt lên chia sẻ, đã lâu lắm rồi, ông mới thấy xiếc có một chương trình nghệ thuật sáng tạo như thế.
Ba năm gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng và biểu diễn hai vở “Cây gậy thần” và “Thượng thiên Thánh mẫu” nằm trong dự án dài hơi “Huyền sử Việt”. Sân khấu cải lương vốn ước lệ, sân khấu xiếc lại thiên về trình diễn hình thể công phu. Tưởng chẳng ăn nhập với nhau, nhưng đã đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thưởng thức các nghệ sĩ cải lương đu dây hát trên sân khấu, những tiết mục xiếc mãn nhãn xen kẽ trong vở diễn... “Cây gậy thần” được nhiều nhà chuyên môn gọi là “cuộc hôn phối chưa từng có” để kéo khán giả gần lại với sân khấu nghệ thuật cả 2 loại hình này.
Theo NSND Tống Toàn Thắng: Trước đây người ta vẫn định kiến xiếc là dành riêng cho trẻ con, là làm trò, tính sân khấu ít, nhân vật trong xiếc gần như không có. Những năm gần đây, các tác phẩm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã được dàn dựng có tính sân khấu, có nhân vật, có cảm xúc nhiều hơn. “Những buổi diễn không chỉ khiến khán giả xúc động, mà nghệ sĩ xiếc cũng thăng hoa, thậm chí khóc trên sân khấu. Đây là điều hiếm thấy vì bình thường diễn viên phải tập trung chú ý để làm chuẩn từng động tác khó và mạo hiểm”, Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc cho hay.
Anh cũng tiết lộ, thời gian tới, khán giả yêu nghệ thuật xiếc sẽ tiếp tục được thưởng thức sự kết hợp của xiếc với tuồng và các nghệ thuật trình diễn đương đại khác. “Một điều chắc chắn, dù có sự lồng ghép, hỗ trợ của nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhưng xiếc vẫn là điểm nhấn, nên các nghệ sĩ phải có kỹ năng, kỹ xảo tốt nhất”, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhấn mạnh. n