Cuộc chiến giữa thời bình…

0:00 / 0:00
0:00
TP - 2 giờ chiều, nắng đầu mùa hầm hập như thiêu đốt, cảm giác cơ thể bốc hơi, tôi đang loay hoay tìm cách tiếp cận vùng phong tỏa thì nghe tiếng xe ô tô đỗ xịch bên cạnh. Chúng tôi nhận ra nhau ngay lập tức dù ai cũng đeo khẩu trang.

Rất nhanh, thùng nhựa màu xanh được đưa ra khỏi xe. Tôi thoáng thấy bóng một bác sĩ trong chiếc áo blouse lao ra từ trong bệnh viện. Hai chàng trai trao đổi về thông số đơn vị máu vừa được chuyển đến. “Cảm ơn nhé”, tôi kịp nghe câu nói rất vội của cậu bác sĩ trẻ, rồi cái dáng mảnh khảnh ấy lại lần nữa lao vút vào trong.

Nơi đó là hơn 50 bệnh nhân COVID-19 rất nặng, nhiều ca tiên lượng tử vong đang “khát” từng giọt máu. Chỉ trong 2 tuần, 26 chuyến xe, vận chuyển 240 đơn vị chế phẩm máu từ Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, không kể ngày đêm đã tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở Kim Chung) để tiếp vào những cơ thể đang tàn tạ vì virus SARS-CoV-2.

Cuộc chiến giữa thời bình… ảnh 1

Bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư chuyển máu điều trị cho bệnh nhân nặng

Ám ảnh tiếng còi xe

Xe chở máu vừa rời đi, giật mình nghe tiếng còi xe cứu thương. Là xe của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư mang theo thuốc men, thiết bị y tế và 2 bác sĩ, điều dưỡng “cứng nghề” đi chi viện cho Bắc Ninh. Các anh trấn an nhau bằng câu đùa “Việc nhà ổn rồi đi chung tay với người anh em”. Nói là vậy nhưng họ đều hiểu mọi thứ còn bộn bề, những sinh mạng đang vật lộn chống lại thần Chết, còn những chiến binh áo trắng nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ lại từng nhịp đập nơi trái tim người bệnh.

Cuộc chiến giữa thời bình… ảnh 2

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc đã 16 tháng liên tục điều trị bệnh nhân COVID-19

Tối đó, tôi quay lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, không khí im ắng, khác hẳn với thời điểm trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Anh Bình, nhân viên bảo vệ ca trực tối bảo: “Ở đây từ ngày có dịch yên tĩnh lắm, dân không ra ngồi quán nữa, người dân đi bộ, tập thể dục cũng không còn”. Câu chuyện bị ngắt quãng bởi tiếng còi xe cứu thương. Ánh đèn xe chói mắt nhưng chúng tôi vẫn kịp nhìn thấy nhân viên y tế đang hồi sức cho bệnh nhân bên trong xe. “Ca này chắc nặng rồi”, anh Bình buông tiếng thở dài. Thời gian này tiếng còi xe cứu thương thực sự ám ảnh với những người dân nơi đây…

Đêm 14, rạng sáng 15/5 là một đêm đặc biệt. 5 chuyến xe cấp cứu hú còi, đèn pha gần như cùng lúc xé toạc màn đêm, tấp vào khu vực hồi sức. Hàng chục nhân viên y tế túc trực suốt đêm bên các ca bệnh nặng, trong đó có 5 bệnh nhân COVID-19 nặng mới được chuyển tới. Bệnh viện cũng huy động kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài suốt đêm theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho một ca COVID-19 nguy kịch… Sau này được xem lại những hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ xanh ngắt, thoăn thoắt đi từ giường bệnh nhân này sang giường bệnh nhân khác, những cuộc trao đổi chớp nhoáng giữa các bác sĩ để điều chỉnh lượng thuốc hoặc quyết định đặt máy thở cho bệnh nhân khiến tim tôi nghẹt lại. Mọi thứ diễn ra quá gấp gáp. Tiếng máy hỗ trợ sự sống vang lên liên tục, có cảm giác những bóng áo xanh ấy đang chạy chứ không phải bước đi. Nếu bước chân dừng lại, sự sống nơi này sẽ kết thúc…

16 tháng nay kể từ ngày COVID-19 xuất hiện, cuộc sống của bác sĩ Phạm Văn Phúc (Khoa Hồi sức tích cực) và các đồng nghiệp gắn với những bệnh nhân nặng. Trong tâm trí anh, mãi mãi đêm 14 rạng sáng 15 là một kỷ niệm đau thương trong nghiệp cứu người. “Đó là một kỷ lục buồn khi quá nhiều bệnh nhân nặng cùng chuyển đến trong đêm, thực hiện nhiều thủ thuật vì họ mắc đủ loại bệnh lý nền”, anh nói. Trong ánh mắt vẫn còn dư âm của nỗi đau khi thấy bệnh nhân tuột khỏi tầm tay mình. Số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước. Bệnh viện điều cả những bác sĩ, điều dưỡng vừa mới hết ca trực quay lại để hỗ trợ đồng nghiệp. Nỗ lực và nỗ lực nhưng cuối cùng họ đã không thể cứu được ca bệnh đặc biệt nặng là cụ bà 89 tuổi. Phút mặc niệm bệnh nhân, tất cả lặng lẽ cúi đầu, lòng trĩu nặng, sự cố gắng đã bị giới hạn.

Cuộc chiến giữa thời bình… ảnh 3

Bệnh nhân COVID-19 đang điều trị hồi sức tích cực

Những trang nhật ký

“Bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa? Tôi của ngày hôm nay đấy” - lời tâm sự của một nữ bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân COVID - 19 như cứa vào tim người nghe. Đó là ngày thứ 10 chị cách ly tại bệnh viện.

“Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng bỗng trĩu nặng… Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 diễn biến mới, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân… Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này”.

Trong giây phút tiễn biệt, bác trai - cha của hai vợ chồng bác sĩ nhắc lại sự hy sinh thầm lặng của người mẹ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay đất nước hòa bình đã kiên cường chống chọi với bệnh ung thư 6 năm trời đằng đẵng, giúp hai con chăm sóc các cháu, để các con yên tâm chống dịch. Niềm mong mỏi, ước mơ duy nhất của bà chỉ là cố gắng chống chọi với bệnh tật, cố chờ thêm mấy ngày để được gặp mặt con gái, con rể… “Ngày hôm nay, gia đình tổ chức lễ tang, các con không thể có mặt tham dự tiễn đưa mẹ… vẫn mong các con kiên cường và tiếp tục nhiệm vụ của những người bác sĩ - chiến sĩ tuyến đầu”, người cha căn dặn hai con.

“Tất cả nhân viên y tế của bệnh viện đều là F1 rồi em ạ”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện nói với tôi. Và tôi hiểu anh gửi gắm thông điệp dù khó khăn thế nào, những chiến binh ấy vẫn mạnh mẽ kiên cường. Bởi lẽ, nhân viên y tế là F1 được cách ly, không phải làm việc thì ở đây, dù là F1 nhưng vẫn “ai vào việc đó”, vừa điều trị bệnh nhân vừa chống dịch.

“Nhìn clip thằng bé khó ngủ vật vã tìm ti mẹ, mình chỉ lặng lẽ khóc. Nhớ lắm, nhớ cảm giác ôm con vào lòng, nắn tay nắn chân, thơm trán, dụi đầu, xoa lưng... Nhớ đến đau tim. Mình biết, còn nhiều người mẹ nữa giống mình ở trong bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư này. Có bạn con mới hơn 7 tháng tuổi. Sáng nay nghe 1 bạn khóc òa vì nhớ con, mình cũng khóc theo. Đúng là các bà mẹ đang cho con bú dễ khóc thật! Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế”. Đó là những dòng tâm sự trên Facebook của một người mẹ trẻ đang làm việc giữa tâm dịch. Những con chữ đều tăm tắp mà khiến lòng người nổi sóng. Họ vốn biết nghiệp mình theo đuổi là bời bời lo lắng, hy sinh. Nhưng trái tim người phụ nữ nào cũng yếu mềm khi nghĩ về tình mẫu tử. Và rồi, nước mắt và nỗi đau, tình thương và nghị lực mạnh mẽ bên trong tâm hồn họ là vũ khí giúp những người mẹ trẻ đi qua niềm thương, nỗi nhớ con thơ…

“Cũng như buổi giao ban thường lệ của bệnh viện, buổi sáng 22/5 có phần đặc biệt hơn. Đó là một phút mặc niệm để cầu nguyện, chia buồn với nhân viên và gia đình có người thân qua đời. Đây là lần thứ 2 trong tuần chúng tôi thực hiện nghi lễ này. Khi biết tin mẹ mất, cũng là lúc gia đình chị chia 3 ngả. Con cái còn nhỏ được gửi người thân, chỉ có chồng chị may mắn về quê chịu tang trước khi có quyết định cách ly phòng dịch. Những ngày cách ly cũng sắp kết thúc nhưng với chị, ngày về quê thắp hương tạ mẹ vẫn còn rất xa”, bác sĩ Đặng Thanh viết.

Có lời nào chia sẻ hết được với tâm trạng của những chiến sĩ áo trắng đang chiến đấu không kể ngày đêm giữa tâm dịch? Tôi chắc chắn là không. Nhưng những người xung quanh vẫn ở đó, dành lời yêu thương nhất gửi về họ - những người nơi đầu sóng ngọn gió, hy sinh niềm riêng vì cộng đồng. Họ đã vượt qua nỗi sợ của sự lây nhiễm để sẵn sàng đương đầu.

Khi biết tin mẹ mất, cũng là lúc gia đình chị chia 3 ngả. Con cái còn nhỏ được gửi người thân, chỉ có chồng chị may mắn về quê chịu tang trước khi có quyết định cách ly phòng dịch. Những ngày cách ly cũng sắp kết thúc nhưng với chị, ngày về quê thắp hương tạ mẹ vẫn còn rất xa”, bác sĩ Đặng Thanh viết.

Không ai dám chắc ngày bình yên được đánh dấu ở thời điểm cụ thể nào. Con đường phía trước vẫn thăm thẳm, chồng chất khó khăn, mất mát, đau thương và hy sinh nhưng niềm tin, sự sẻ chia là động lực để những chiến binh toàn tâm, toàn ý cứu chữa người bệnh. Và không chỉ lần này, bao lần đã hằn dấu trong tôi câu hỏi “vì sao ?...” về chiến binh áo trắng, dẫu biết họ đã có câu trả lời bằng nghị lực và sự quả cảm của mình. Tôi hiểu và thấu cảm khi cùng họ bao lần ở tuyến đầu. Họ là những con người biết ôm niềm riêng giấu kín…

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.