Cuộc chiến chưa từng có tiền lệ
Đúng 2 năm kể từ ngày đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra, trên địa bàn TPHCM đến nay đã ghi nhận hơn 600.000 người nhiễm SARS-CoV-2. Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân và cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người.
Giữa những tháng ngày chiến đấu ác liệt nhất với kẻ thù vô hình, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố luôn tập trung tối đa mọi nguồn lực để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh.
TPHCM đã quay cuồng trong cuộc chiến chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Phạm Nguyễn |
Từ năm 2020 đến cuối tháng 4/2021, TPHCM được xem như thành trì phòng chống dịch COVID-19 sau khi liên tiếp dập tắt nguy cơ dịch xâm nhập từ các quốc gia khác và cứu chữa cho nhiều ca bệnh nặng, đặc biệt là trường hợp bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2021 sự xuất hiện của biến chủng Delta từ những chùm ca bệnh trong cộng đồng với tốc độ lây lan quá nhanh đã khiến toàn thành phố đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng, lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 31/5/2021 chính quyền TPHCM đã chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.
Tại thời điểm trên ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đã kêu gọi cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng, bình tĩnh, chủ động ứng phó trước những thử thách để sớm kiểm soát dịch bệnh.
Với những kinh nghiệm trong việc lập và điều hành Bệnh viện Dã chiến khi dịch mới xuất hiện từ năm 2020, khi dịch bùng phát dữ dội phải thành lập hàng loạt bệnh viện dã chiến công tác chuẩn bị diễn ra rất thuận lợi từ sự tham gia nhiệt tình của nhân viên y tế.
Trong bối cảnh dịch bùng phát, ngành y tế TPHCM đã rơi vào quá tải nghiêm trọng nhưng vẫn nỗ lực tăng cường bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 và duy trì hệ thống điều trị các bệnh lý thông thường cho người dân. Thực tế trên đã hạn chế nguy cơ nhiễm chéo trong các bệnh viện giúp thành phố tránh được nguy cơ “vỡ trận” hệ thống khám chữa bệnh.
Những quyết sách tạo bước ngoặt
Tuy nhiên, khi số ca bệnh gia tăng lên hàng nghìn trường hợp nhiễm mới mỗi ngày thì số ca tử vong cũng tăng nhanh. Hệ thống y tế đã rơi vào quá tải nghiêm trọng, đây là thời điểm nhiều quyết sách quan trọng đã được thực thi, giúp thành phố từng bước giành lại thế trận và khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng: “Mặc dù đã có nhiều thiệt hại cả về nhân mạng, sức người, sức của nhưng cuộc chiến chống dịch COVID-19 của thành phố nói riêng và cả nước nói chung đi đến thắng lợi. Điều này là nhờ những quyết sách chiến lược từ Chính phủ đến Trung ương Đảng, Bộ Y tế và lãnh đạo TPHCM”.
PGS Tăng Chí Thượng trong một cuộc họp phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Vân Sơn |
Theo PGS Tăng Chí Thượng, một trong những quyết sách quan trọng nhất đưa đến thắng lợi mang tính quyết định trước đại dịch COVID-19 là chiến dịch tiêm chủng. “Nếu Chính phủ và Trung ương Đảng không có chính sách ngoại giao vắc xin thì khó đạt được như hiện nay. Nhờ chiến lược ngoại giao vắc xin nên ngành y tế Việt Nam đã liên tục cung ứng được vắc xin phục vụ chích ngừa, tăng cường khả năng phòng bệnh, bảo vệ người dân”.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân được bao phủ vắc xin ngừa COVID-19. Trong bối cảnh số ca mắc vẫn còn rất cao, hiệu quả của vắc xin đã phát huy tác dụng làm giảm số bệnh nhân có triệu chứng, giảm số ca bệnh trở nặng và gần như chặn đứng được tình trạng tử vong ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Đây là điều kiện quan trọng mang tính quyết định để các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại giai đoạn bình thường mới.
Trong giai đoạn cao điểm dịch bùng phát trên diện rộng từ tháng 7 đến tháng 9/2021, hầu hết người dân đều chưa được chích ngừa đủ mũi vắc xin. Dù ngành y tế TPHCM đã dốc toàn bộ lực lượng nhưng vẫn không đủ để ứng phó, nhân viên y tế có dấu hiệu kiệt sức. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng y tế từ các tỉnh thành đã kịp thời hỗ trợ, chi viện lực lượng giúp sức cho thành phố chống dịch. Các lực lượng chi viện đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng, tiếp thêm sức mạnh cho thành phố bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Những quyết sách chiến lược đã giữ lại sinh mạng cho nhiều người bệnh. Ảnh: Phạm Nguyễn |
Tháng 8/2021, các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến tại TPHCM không còn khả năng tiếp nhận người mắc COVID-19, số ca tử vong trên địa bàn TPHCM lên đến đỉnh điểm với 340 trường hợp (ngày 24/8). Thành phố đã chuyển hướng từ cách ly, điều trị tập trung tại các khu cách ly, cơ sở y tế sang cho người bệnh cách ly, điều trị tại nhà. Trong bối cảnh trên Chính phủ và Bộ Y tế đã thực hiện chiến lược “đi tắt đón đầu” đưa thuốc kháng vi rút Molnupiravir vào thử nghiệm lâm sàng.
PGS Tăng Chí Thượng nói: “Thuốc Molnupiravir đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, số ca bệnh nặng giảm rất nhanh, từ đó từng bước kéo giảm tình trạng tử vong cho cộng đồng. Nhận định đúng về hiệu quả của thuốc, đưa ra quyết định kịp thời từ Chính phủ và Bộ Y tế đã giúp TPHCM ngăn chặn được tình trạng tử vong, mang lại thành công ngoài mong đợi của chiến dịch cách ly, điều trị F0 tại nhà. Đến nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận Molnupiravir là thuốc chính trong điều trị COVID-19”.
"Thuốc Molnupiravir đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, số ca bệnh nặng giảm rất nhanh, từ đó từng bước kéo giảm tình trạng tử vong cho cộng đồng". Ảnh: Phạm Nguyễn |
Với hệ thống y tế TPHCM tại thời điểm dịch bùng phát mạnh, dù chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng Sở Y tế đã chủ động phân thành 5 tầng điều trị để sàng lọc những trường hợp có dấu hiệu nặng, ưu tiên tập trung điều trị, Những người có dấu hiệu nhẹ thì chuyển đến tầng thấp hơn hoặc cách ly, điều trị tại nhà, góp phần giảm gánh nặng, giảm quá tải cho nhân viên y tế.
Trong bối cảnh, tử vong tăng cao, Sở Y tế thành phố đã chủ động phân tích, theo dõi sát những ca bệnh, nhận định thực tế. Các số liệu cho thấy, những ca tử vong hầu hết đều có đặc tính giống nhau gồm người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người chưa được tiêm đầy đủ vắc xin. Ngành y tế đã xác định đây là nhóm nguy cơ cao, phải tập trung tối đa nguồn lực để cứu chữa, điều trị để giảm tử vong.
Trên cơ sở phân tích tình hình nhiễm bệnh và tử vong, ngành y tế đã tham mưu cho UBND thành phố triển khai chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ với các hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, cập nhật danh sách từng người trong nhóm nguy cơ của thành phố. Đến nay, đã có hơn 500.000 người trong nhóm nguy cơ được làm test nhanh và phát hiện nhiều trường hợp đã mắc bệnh nhưng không biết, từ đó ngành y tế chủ động thực hiện các biện pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe nên giảm hẳn tỷ lệ tử vong”.
“Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố luôn nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia y tế về những chủ trương, biện pháp chống dịch. Chúng tôi đã tiếp thu được rất nhiều, từ đó báo cáo với lãnh đạo Trung ương, Bộ Y tế. Thủ tướng Chính phủ đánh giá, thực tiễn chống dịch của thành phố đã đóng góp cho Trung ương thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hơn”. Ông Phan Văn Mãi
Là người trực tiếp lãnh đạo, đưa người dân vượt qua đại dịch, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, COVID-19 diễn ra rất khốc liệt tại Việt Nam đặc biệt là trên địa bàn TPHCM đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống thể chất tinh thần, kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong đợt dịch vừa qua với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh thành cũng như bà con trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã giúp TPHCM vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố mở cửa trở lại, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế - xã hội, đây là điều đáng mừng.
Theo thống kê của UBND TPHCM, trong đợt bùng phát dịch vừa qua, thành phố đã nhận được sự tăng cường của 6.599 cán bộ, nhân viên y tế từ 40 bệnh viện thuộc các bộ, ngành Trung ương và 37 Sở Y tế của các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó có 1.251 bác sĩ, 2.813 điều dưỡng, 289 kỹ thuật viên và 160 nhân viên y tế tham gia công tác tại các Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện Điều trị Covid-19, Bệnh viện Hồi sức và tại các cơ sở cách ly ở quận, huyện.
Bộ Quốc phòng đã chi viện 1.434 y bác sĩ để tham gia vận hành các trạm y tế lưu động. Bên cạnh đó còn có 3.385 giảng viên, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y thuộc Bộ, ngành Trung ương.
Sự đoàn kết một lòng với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của các lực lượng chi viện đã đẩy lùi đại dịch, mang lại sự bình an cho nhân dân.