Cuộc chiến âm thầm và sức hút từ các chiến hạm Pháp

Nga muốn “soái hạm” Mistral của Pháp bởi những ưu thế vượt trội.
Nga muốn “soái hạm” Mistral của Pháp bởi những ưu thế vượt trội.
Pháp - một trong những quốc gia đáng gờm trong câu lạc bộ các cường quốc vũ khí - vẫn luôn lặng lẽ thể hiện tham vọng trong những cuộc chiến biểu dương sức mạnh quân sự.

Từ năm 1997, Pháp đã cho phát triển “soái hạm” Mistral dựa trên học thuyết “Khái niệm hoạt động quân sự thủy-bộ quốc gia”. Các tàu thuộc lớp Mistral là loại tàu đổ bộ tấn công mới của hải quân Pháp (cũng gọi là tàu sân bay trực thăng), được dùng làm trung tâm chỉ huy và cơ động lực lượng chớp nhoáng, hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến, hay thực hiện các sứ mệnh tác chiến hải quân khác.

Cuộc chiến âm thầm


Từ thời điểm bức tường Berlin sụp đổ cho đến nay đã 25 năm, nhưng những thủy thủ tàu ngầm Pháp vẫn theo đuổi mục tiêu truyền thống: phát hiện tàu ngầm đối phương. Trong lòng biển sâu không có kẻ thù, cũng không có bạn bè, chỉ tồn tại những đối tượng phải quan tâm và theo dõi, thủy thủ đoàn xác định dấu hiệu âm thanh và ý đồ của đối tượng.

Chính vì vậy tất cả các tàu ngầm Pháp đều duy trì sự cảnh giác cao độ. Các chuyên gia âm thanh tiếng vang từng miêu tả chi tiết về những cú bùng phát mạnh mẽ của hoạt chất adrenaline bên trong cơ thể từng thuyền viên, khiến tim đập nhanh, hồi hộp và căng thẳng cao độ vì nguy hiểm.

Cuộc chiến tàu ngầm lại càng trở lên có ý nghĩa đặc biệt hơn khi các cường quốc thế giới dẫn đầu là Trung Quốc đã thành lập các hạm đội hải quân hùng mạnh.

Trên thế giới có khoảng 500 tàu ngầm và đến năm 2020 sẽ có thêm 100 chiếc nữa để tiến hành “đánh trận dưới biển sâu”. Hiện nay, Mỹ đã có vài chục tàu ngầm và đang hiện thực hóa tàu tuần dương đổ bộ tàng hình Zumwalt. Cuộc khủng hoảng nặng nề của Nga sau sự tan rã của Liên Xô đã chấm dứt, hải quân Nga lại có thể biểu dương lực lượng và sức mạnh của mình. Theo lời của các chuyên gia quân sự Pháp, phát hiện tàu ngầm Nga là một điều hoàn toàn không đơn giản.

Sự kiện tàu trinh sát Pháp Dupuy de Lome tiến vào biển Đen và hướng về phía Crimea vào tháng 4/2014 khiến các chiến hạm của Nga “hành động” trên eo biển Messina giữa Sicily và Calabria. Đó là một phản ứng đáp trả tự nhiên của Nga với Pháp, khi sử dụng tàu chống ngầm hạng nặng. “Đô đốc Levchenko” đi cùng với tàu Liman trinh sát và tác chiến điện tử. Hai chiến hạm từ từ cơ động đến Toulon, nơi có căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Pháp.

Đội chiến hạm Nga di chuyển dọc theo biên giới của lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển, sử dụng vùng nước tự do hàng hải của khu vực trung lập. Hai chiến hạm hoạt động trong trạng thái không bị can thiệp và thực hiện các chế độ theo dõi thường xuyên.

Bộ tham mưu Pháp đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong tình huống này, lực lượng hải quân phải thiết lập cơ chế giám sát các tàu nước ngoài. Không quân hải quân có nhiệm vụ tuần tra theo dõi tàu lạ từ trên không. Mặc dù vậy, giám sát các chiến hạm nước ngoài còn được tiến hành dưới biển. Tàu ngầm nguyên tử Perle, một trong sáu tàu ngầm hạt nhân có căn cứ ở Toulon, được lệnh theo sát các chiến hạm Nga.

Ở Pháp, tàu ngầm nguyên tử là phương tiện tác chiến hiệu quả được các tướng lĩnh yêu thích khi tiến hành các hoạt động trinh sát, tình báo ở vùng nước ven bờ.

Hiện nay toàn bộ mặt biển và đại dương đều được quan sát và theo dõi kỹ càng bởi vệ tinh và máy bay không người lái. Chỉ riêng tàu ngầm có được ưu thế đặc biệt, đó là tàng hình trước sự quan sát của đối phương, bất ngờ xuất hiện… như từ trên trời rơi xuống. Đây là phương tiện duy nhất có thể bí mật tiếp cận một số khu vực quan trọng mà không làm lộ mình, tiến hành các hoạt động chụp ảnh mục tiêu hay thu thập các cuộc trao đổi vô tuyến.

Nhiều chuyên gia nhận định, sứ mệnh của hải quân Pháp đã trở nên khốc liệt hơn trong 10 năm trở lại đây. Và lẽ tất yếu, năng lực quân sự của Pháp cũng đã phát triển vượt bậc để “làm dịu” sự khốc liệt ấy, nhất là khi Bộ quốc phòng đã chi hàng tỷ euro để duy trì những ưu thế chiến lược tàu ngầm.

Pháp dự kiến năm 2017 sẽ đưa ra thế hệ tàu ngầm mới, với khả năng phóng tên lửa hành trình. Hơn thế nữa, các tàu ngầm này sẽ được trang bị cho các chiến dịch lớn có sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm, trước hết là lực lượng đặc nhiệm người nhái.

Cuộc chiến âm thầm và sức hút từ các chiến hạm Pháp ảnh 1 Việc Pháp không giao tàu Mistral cho Nga được cho là bước đi chiến thuật nhằm lấy lòng các nước đồng minh NATO.

Sức hút từ chiến hạm Mistral

Trong những năm gần đây, Nga trở thành đối tác của Pháp trong lĩnh vực xuất khẩu trang thiết bị quân sự, và tỏ ra thèm muốn chiến hạm Mistral. Giới chức Nga rất cần bổ sung tàu đổ bộ lớp Mistral vào biên chế hải quân nhằm phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa quân sự, bởi Moscow hiện chưa thể tự đóng được lớp tàu dạng này.

Hợp đồng mua tàu Mistral rất phù hợp với học thuyết quân sự đang phát triển của Nga. Moscow đang thực hiện một chương trình hiện đại hóa vũ khí đầy tham vọng, với mục tiêu nâng tỉ lệ các vũ khí và trang thiết bị hiện đại trong toàn bộ các lực lượng vũ trang lên 70% vào năm 2020.

Chương trình hiện đại hóa này đặc biệt tác động đến hải quân. Trong vòng hai thập niên qua, Nga mới chỉ đóng được bốn tàu nổi dựa trên các thiết kế lạc hậu thời Liên Xô, nhưng sẽ nhận được 50 tàu hoàn toàn mới trong thời gian 2010-2020. Các xưởng đóng tàu của Nga đơn giản là không thể đóng loại tàu hiện đại như Mistral một cách nhanh chóng và độc lập vào thời điểm này.

Tại sao Mistral lại có sức hút lớn đến vậy? Với chiều dài 199m, chiều rộng 32m và lượng giãn nước là 21.600 tấn, Mistral là chiến hạm lớn thứ hai của hải quân Pháp chỉ đứng sau tàu sân bay Charles de Gaule và là tàu đổ bộ lớn nhất trong các tàu cùng loại tại châu Âu hiện nay. Mỗi tàu chiến Mistral có một không gian rộng 850m2 làm trung tâm chỉ huy chiến dịch, có thể phối hợp nhiều chiến dịch quân sự ở mọi cấp độ, kể cả những nhiệm vụ đặc biệt với sức chứa lên tới 200 chuyên gia.

Sức mạnh của Mistral trong tác chiến thuỷ lục phối hợp nằm ở khả năng đổ quân nhanh với số lượng lớn các xe chiến đấu hạng nặng trên các địa hình bờ biển phức tạp. Đồng thời, các máy bay trực thăng từ Mistral có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ phức tạp ở khoảng cách xa hay những hoạt động quân sự nằm sâu trong đất liền.

Tàu đổ bộ lớp Mistral có khoang phóng máy bay, với một sân bay rộng khoảng 6.400m2, được bố trí sáu vị trí cho sáu máy bay trực thăng có thể cất cánh cùng một lúc. Ngoài ra, nó còn có khoang chuyên dụng với diện tích 2.650m2 để chở trang thiết bị phục vụ cho các chiến dịch của hải quân. Các tàu Mistral có thể vận chuyển tới 450 quân, với các chiến dịch ngắn hạn có thể tăng gấp đôi lên 900 quân. Các đơn vị lính thủy đánh bộ và các xe quân sự có thể xuống tàu tại một cảng đặc biệt, hoặc sử dụng thuyền đổ bộ.

Hệ thống phòng vệ của Mistral gồm hai tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad dùng cho tên lửa Mistral. Tổ hợp này được tích hợp hệ thống radar dẫn đường hồng ngoại với tầm hoạt động hơn 6km cung cấp khả năng phòng thủ trước máy bay và tên lửa hành trình đối hạm. Hệ thống radar của tàu Mistral có thể phát hiện các mục tiêu tầm thấp và trung bình ở các khoảng cách tới 140km và các mục tiêu ở khoảng cách tới 180km ở chế độ cảnh giới không gian ba chiều tầm xa. Trong chế độ tự vệ, nó có thể phát hiện và theo dõi mối đe dọa bất kỳ trong vòng bán kính 60km.

Năm 2011, Nga ký kết hợp đồng 1,2 tỷ euro mua hai chiếc tàu chiến Mistral của Pháp. Tàu Vladivostok được dự kiến bàn giao vào mùa thu năm nay, tàu Sevastopol - vào năm 2015. Chính hệ thống thông tin chiến đấu “thông minh và đầy uy lực” của tàu Mistral, chứ không phải là khả năng tấn công, sẽ mang vai trò chỉ huy trong những năm tới. Các tàu Mistral sẽ đóng vai trò đi đầu cho những khí tài hải quân mới được trang bị cũng như những khí tài được chuyển sang hạm đội Biển Bắc, và sẽ có vai trò kiểm soát chiến dịch đối với các tàu nổi, tàu ngầm cũng như các lực lượng phòng thủ trên không và duyên hải trải dài từ Vladivostok tới Chukotka.

Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Francois Hollande thông báo, Pháp không giao tàu đổ bộ trực thăng Vladivostok lớp Mistral cho Nga do “hành vi của Nga tại miền Đông Ukraine đi ngược lại những nền tảng an ninh của châu Âu”. Các chuyên gia tin rằng điều này không cản trở được kế hoạch của Nga về nâng cấp các lực lượng vũ trang.

Ngày 12/12/2014 vừa qua, Bộ quốc phòng Nga đã chính thức thông qua chương trình đóng tàu hải quân của Nga đến năm 2050, đặc biệt chú trọng tới thiết kế và chế tạo các tàu chở trực thăng tấn công đổ bộ. Sự kiện này khiến nhiều người tự tin Nga sẽ không gặp nhiều vấn đề lớn ngay cả khi hợp đồng Mistral bị hủy, trong khi đó Pháp sẽ “lãnh đủ” khi phải chịu phí tổn rất lớn.

Giới phân tích cho rằng, động thái này là bước đi chiến thuật của Tổng thống Francois Hollande nhằm lấy lòng các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước đó, Pháp vẫn chống lại áp lực từ Mỹ và châu Âu hối thúc không giao chiến hạm cho Nga. Cả tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron nhiều lần chỉ trích hợp đồng bán tàu chiến của Pháp cho Nga.

Sự chỉ trích gia tăng khi Nga bị cho là hậu thuẫn các phần tử nổi dậy ở miền Đông Ukraine, dù phía Moscow phủ nhận quyết liệt cáo buộc này. Tuy vậy, quan điểm của Pháp nói chung không thay đổi khi các tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral sẽ được bàn giao cho Nga. Vấn đề ở đây chỉ là thời gian…

Theo Trần Quân - Khánh Hoa
Theo An ninh Thế giới
MỚI - NÓNG