Thượng cờ trên đôi soái hạm ngầm

 Lễ thượng cờ cấp quốc gia tại tàu ngầm HQ - 182 - Hà Nội. ảnh: PV
Lễ thượng cờ cấp quốc gia tại tàu ngầm HQ - 182 - Hà Nội. ảnh: PV
TP - Đại kình ngư. Hắc Hổ Đại dương! Không, Hố đen biển... Có một chút khủng những tính từ cùng danh xưng từng để gọi, để khai sinh tên đôi soái hạm hiện đại HQ-182 và HQ-183 đang ngự trong biệt khu Quân cảng Cam Ranh.

Lễ Thượng cờ Tổ quốc sáng qua như một dạng hoàn thiện khâu cuối hiện đại hóa lực lượng. Bởi, đến thời điểm này, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có đủ đầy các quân, binh chủng hợp thành, trong đó có soái hạm ngầm!

Quân cảng Cam Ranh. Tám rưỡi sáng 3/4/2014, nền trời ngăn ngắt xanh, nắng sáng lóa. Lễ Thượng cờ Tổ quốc và cờ Quân chủng trên hai tàu ngầm mang tên Hà Nội Thành phố Hồ Chí Minh. 


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, âu phục tề chỉnh, cà vạt màu xanh dương, sải những bước nghiêm ngắn về phía đôi soái hạm trùi trũi đen, nom hiền lành neo đậu hai bên cầu cảng được xây dựng bên trong quân cảng Cam Ranh - căn cứ của tàu ngầm Kilo được xem là một trong những quân cảng tốt nhất thế giới.

Thượng cờ trên đôi soái hạm ngầm ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Quốc kỳ cho lực lượng tàu ngầm.

Không phải bây giờ mới gặp nhau đây... mượn ý câu Kiều, mà là từ năm 2009!

Trước chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Nga năm 2009, có lẽ ít người nghĩ, trong chuyến thăm này, Việt Nam sẽ sắm tàu ngầm lớp Kilo hiện đại ngoài Thủ tướng và những người có trách nhiệm.

Các thủ tục ngoại giao và thương mại sau đó ráo riết tiến hành trong không khí và thông điệp của Thủ tướng Mua tàu ngầm, Việt Nam không đe dọa ai. Chúng ta đang sống trong hòa bình, song nhiệm vụ xây dựng quốc phòng vẫn hết sức quan trọng. Do vậy, quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng hải quân cần thực hiện nhiều giải pháp sát thực nhằm xây dựng lực lượng thực sự chính quy, hiện đại, đủ khả năng để tự vệ, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Tháng 5/2013, trong bề bộn công việc của chuyến thăm Nga theo lời mời của Thủ tướng Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tranh thủ đi thị sát chiếc soái hạm ngầm này tại công ty Sudoremont-Zapad ở Kaliningrad, nơi đang thử nghiệm tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên Hà Nội, do Nga đóng cho Việt Nam. Tàu ngầm Hà Nội được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ở St. Petersburg và đã thực hiện thành công 23 cuộc lặn kể từ thời điểm thử nghiệm và ghé thăm cán bộ chiến sĩ (CBCS) đang được bạn đào tạo, huấn luyện.

Trong số CBCS Lữ đoàn ngầm đang nghiêm ngắn trong lễ trọng, có lẽ Thượng tá Trần Thanh Nghiêm, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm kia là một trong những người lính Hải quân Việt Nam đầu tiên được chứng kiến buổi thao diễn những tính năng tác dụng của soái hạm ngầm này trên biển Nga. Tất cả ngư lôi, tên lửa đều trúng đích, tiêu diệt hoàn toàn mục tiêu cùng một lúc trên không, trên biển và trong lòng đại dương! Một thử nghiệm quan trọng cuối cùng trước khi tàu ngầm được chuyển giao cho Việt Nam.

Chưa đến thời điểm bàn giao tàu ngầm, nhưng công luận quốc tế đã xuýt xoa nhiều về sự biết lo xa của Việt Nam. Carlyle A, Thayer, đang giảng dạy tại ĐH New South Wales của Học viện Quốc phòng Úc, một chuyên gia quân sự luôn đeo bám thời sự quốc phòng Việt Nam đã thẳng thắn thế này: Sự kiện Nga bàn giao chiếc tàu ngầm kilo đầu tiên mang tên Hà Nội trong 6 chiếc là “bước tiến khổng lồ” đối với một quốc gia Đông Nam Á trong việc củng cố khả năng phòng thủ. Việt Nam giờ đây đã có đủ khả năng triển khai quân đội ở 4 “cấp độ”: trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng biển. Tất nhiên Việt Nam không hy vọng đánh bại một cường quốc nào khác nếu bước vào cuộc hải chiến. Nhưng Việt Nam có thể cho kẻ thù thấy rằng nếu tấn công Việt Nam thì nguy cơ chuốc lấy thảm họa là rất cao”.

Nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, dụi nhanh cặp mắt, dường như xúc động... Người lính chân đất thời đánh Pháp nheo nheo cặp mắt về phía song hạm ngầm. Bên ông là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Một cao niên, một trẻ. Đôi soái hạm ngầm này và mai kia, 4 chiếc nữa, liệu có can dự gì đến thang bậc của ngôn ngữ trên mặt trận ngoại giao?

Không gian Cam Ranh như loang xa, rộng hơn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Nhân đây một lần nữa chúng ta khẳng định đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.

Có biết bao điều hấp dẫn lẫn tò mò bên trong đôi kình ngư song song kia. Nhưng có lẽ do nhiều lý do cả bí mật quân sự nữa, số khách mời được vô tham quan tàu rất hạn chế. May mắn một số PV trong nhóm báo chí tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 5/2013 đã được diện kiến một vài hạng mục của loại vũ khí hải quân được giới quân sự đánh giá là khắc tinh ngay cả với tàu khu trục, tàu sân bay. Ấn tượng nhất có lẽ là những giàn tên lửa, ngư lôi màu xanh vàng ẩn núp khéo léo trong bụng con tàu có sức hủy diệt tức thì. Khi hiệp đồng tác chiến, nó có khả năng tấn công cùng lúc cả tàu ngầm, tàu nổi, máy bay lẫn các mục tiêu trên bộ.

Âm thanh rộn rã của dàn quân nhạc và những khẩu lệnh gọn sắc vang lên trong nắng gió hào phóng quân cảng Cam Ranh như càng làm tăng thêm những háo hức những tò mò. Vũ khí mới của quân chủng Hải quân với những tính năng vượt trội, có lẽ nghe vậy thì biết vậy. Nhưng yếu tố quan trọng vẫn là con người sử dụng. Một chút may mắn, chúng tôi trước sự kiện lịch sử này, đã được ngồi với những người và những bộ phận có trách nhiệm. Trong số hàng quân nghiêm ngắn của Lữ đoàn ngầm, những CBCS đã từng may mắn trong vòng tay ấm áp và quyết tâm của quân chủng nhằm đầu tư đào tạo những kíp thủy thủ đặc biệt tinh nhuệ cho lữ đoàn ngầm.

Việc đầu tiên là thể lực. Mỗi chiếc soái hạm như thế này có sức chiến đấu tương đương với một Lữ đoàn tàu mặt nước. Vậy nên tiêu chuẩn để đứng trong đội hình Lữ đoàn nhiều thứ cao hơn cả phi công lái máy bay chiến đấu. Họ được trải qua những chương trình huấn luyện, đào tạo rất bài bản ở Liên bang Nga, Ấn Độ...

Ngoài thời gian đào tạo ở Học viện Kỹ thuật Quân sự gần 1 năm, gồm học tiếng, rèn luyện sức khỏe và các môn đại cương tàu ngầm, các thủy thủ tiếp tục được chọn lựa lần cuối để sang Nga đào tạo tiếp gần 1,5 năm nữa. Các sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm Việt Nam được trực tiếp thao tác, thực hành ngay trên con tàu mà mình làm chủ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sau đó các kíp độc lập khai thác, vận hành, làm chủ tàu dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia nước ngoài.

Sau khi làm chủ, vận hành được tàu ngầm, các thủy thủ phải tiếp tục được huấn luyện nâng cao về kỹ, chiến thuật khi tác chiến trên biển.

Trong số những người có mặt trong Lễ Thượng cờ, hầu hết là đã qua Khóa huấn luyện thủy thủ đoàn của tàu ngầm HQ-182 Hà Nội. Họ đã tốt nghiệp từ cuối năm 2012, trong khi đó kíp thủy thủ lái tàu ngầm thứ hai - HQ-183 TP. Hồ Chí Minh cũng đã chính thức nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 6/11/2013.

Ngoài ra còn những quân nhân ưu tú khác hiện đang tiếp tục được đào luyện tại Nga để sẵn sàng vận hành những con tàu mới. 4 chiếc soái ngầm khác vẫn đang đợi họ!

Quân cảng Cam Ranh với những bí hiểm đã lùi phía sau.

Có khá nhiều sách, tài liệu kỹ thuật viết về tàu ngầm các loại. Nhưng lại hơi bị hiếm những cuốn sách về đời sống của những chiến binh soái ngầm? Một mảng hết sức đặc thù những gian nan hiểm nguy nhưng không ít những lãng mạn hào hùng. Và kèm đó là những... đơn côi?

Nghề chọn người. Những ai sẽ trụ lại trong điều kiện bất lợi tiếng ồn, rung lắc (say sóng), độ ẩm, nhiệt độ cao, ô nhiễm không khí và cô lập khép kín nên thủy thủ tàu ngầm dễ bị thiếu chất, mất cân bằng chuyển hóa. Tiếng ồn và độ rung lớn có thể đè nén hoạt động của dạ dày, lượng dịch tiêu hóa bị giảm thiểu, ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa. Bộ phận hậu cần của Quân chủng có những tìm tòi nghiên cứu rất nhân văn. Đó là việc nghiên cứu sản xuất thành công viên nén thực phẩm chức năng sử dụng cho lực lượng tàu ngầm. Viên nén được thiết kế theo tiêu chí thực phẩm cứu sinh (tối ưu về dinh dưỡng, tối thiểu về trọng lượng). Mỗi viên nén có khối lượng từ 3g đến 3,5g, năng lượng từ 8 calo/viên đến 10 calo/viên, được đóng gói phù hợp, thuận tiện trong sử dụng.

Sản phẩm được dùng để bổ sung hoàn thiện khẩu phần ăn hằng ngày hoặc có thể sử dụng thay thế bữa ăn trong tình huống cứu sinh, thủy thủ tàu ngầm có thể nhai, ngậm để bổ sung dinh dưỡng, chống oxi hóa, chống căng thẳng và mệt mỏi.

Rồi gẫm thêm nữa, thấy mức lương cho một sĩ quan lo cho một gia đình nhỏ để an tâm phục vụ cống hiến cho Quân chủng lâu dài là 35 triệu đồng/tháng cho một trung úy và 55 triệu đồng/tháng cho một đại tá phục vụ dưới tàu ngầm (gấp hơn hai lần so với lương chuẩn đô đốc) thì cũng thấy chẳng nhiều nhặn dư dật gì?

Tính từ năm 2010 đến nay, Bộ Quốc phòng đã 4 lần ra văn bản điều chỉnh tăng tiền ăn cho lực lượng ngầm.

Riêng học viên tàu ngầm Hải quân lần lượt được tăng lên: 58.000 đồng (áp dụng từ 1/1/2011); 70.000 đồng (từ 1/1/2012); 73.000 đồng (từ 1/1/2013), và theo Thông tư mới áp dụng từ ngày 1/1/2014 mức tiền ăn của học viên tàu ngầm được tăng lên 81.000 đồng/ngày.

(Nguồn Bộ Quốc Phòng)

Tàu ngầm Kilo 636 chạy động cơ diesel-điện thuộc loại êm nhất thế giới, được mệnh danh là “hố đen trong đại dương”, thích hợp trong các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra. Tàu ngầm lớp Kilo 636 dài 73,8m, rộng 9,9m, có lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn (tải trọng tối đa), tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m. Tàu có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý (khi chạy ở tốc độ 7 hải lý/h), thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người. Vũ khí của tàu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tên lửa chống tàu Club-S, 24 quả thủy lôi, tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla.

( Nguồn Quân chủng Hải Quân)

MỚI - NÓNG