12 cuộc thi marathon mà anh Deo Kato đã hoàn thành trong những năm gần đây trông có vẻ khiêm tốn so với thử thách hiện tại của anh: chạy từ Cape Town, Nam Phi đến London, Anh. Mục đích hành trình hoành tráng của anh cũng không kém phần tham vọng: Anh Kato muốn kể về câu chuyện di cư, nêu bật sự tương đồng giữa hàng triệu người buộc phải rời bỏ quê hương ngày nay để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và hành trình rời khỏi châu Phi của những con người cổ đại.
Trẻ em địa phương chạy cùng anh Kato qua Zambia. |
“Ví dụ, tộc người Khoisan ở Nam Phi đang di chuyển dựa trên khí hậu. Họ di cư để tìm một môi trường tốt hơn để sinh sống. Vì vậy, chúng ta di chuyển vì những lý do tương tự với con người thời kỳ đầu”, anh Kato nói.
Khi nói về nguồn gốc của việc di cư, anh hy vọng sẽ thách thức quan điểm phân biệt chủng tộc rằng mọi người nên “quay trở lại nơi họ xuất phát”. “Châu Phi là nguồn gốc của loài người và nếu bạn nói với ai đó rằng họ nên quay trở lại nơi xuất phát của mình, thì có nghĩa là về cơ bản, tất cả chúng ta đều phải làm vậy. Mục tiêu chính của tôi là cố gắng chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc”, anh nói.
Vận động viên 36 tuổi gốc Uganda bắt đầu hành trình của mình vào ngày 24/7/2023 từ tượng đài Diễu hành Tự do ở Cape Town, nơi tưởng niệm cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa A-pác-thai. Anh đã hy vọng sẽ hoàn thành thử thách trong 381 ngày - bằng số ngày những người Mỹ gốc Phi ở bang Alabama tổ chức cuộc tẩy chay xe buýt năm 1955 - nhưng một số trở ngại đã khiến anh bị chậm tiến độ.
Anh Kato đã chạy tương đương 180 cuộc thi marathon, với chỉ có một người đi theo bằng ô tô và hiện họ đang đợi ở Moyale, một thị trấn Kenya giáp biên giới với Ethiopia. Theo anh, băng qua một đất nước đang bị giằng xé bởi nội chiến là “thách thức lớn nhất” cho đến nay trên chặng đường dài 14.569km. “Không có cách nào để đi vòng quanh Ethiopia. Nam Sudan cũng tiềm tàng nguy hiểm và các quốc gia xung quanh đều vậy”, anh nói.
Trong hành trình của mình, anh qua đêm hầu hết trong những nhà nghỉ nhỏ, nhưng anh cũng đã ngủ “rất nhiều đêm” trong ô tô. Anh cũng phải đối mặt với những thách thức khác: Ở Tanzania, anh phải vật lộn với mưa xối xả và đường lầy lội thì đồ ăn mua ngoài đường khiến anh phát ốm. Chỗ ở của anh ngày hôm đó lại không có nước nóng.
Nhưng cũng có những nghĩa cử tốt đẹp đáng nhớ, chẳng hạn như thời gian anh chạy qua sa mạc ở miền Bắc Nam Phi và không còn nơi nào để ở. “Đó là một ngày khó khăn, xe của chúng tôi bị hỏng và một số nông dân có ý xua đuổi chúng tôi. Rồi một người nông dân đã cho chúng tôi một nơi để ở. Khi chúng tôi đến đó, họ đã nấu cơm cho chúng tôi và chuẩn bị sẵn trà. Lúc đó đã gần nửa đêm. Mặc dù họ không có chỗ cho chúng tôi ngủ, nhưng đó là ngày tuyệt vời nhất cho đến nay”, anh nhớ lại.
Anh Kato nghỉ chân ở Nanyuki, miền trung Kenya. |
Anh Kato đang chạy trung bình 40km một ngày. Anh chọn con đường phía đông xuyên qua châu Phi vì anh muốn đi qua quê hương Uganda để gặp bố mình. Khi mới 10 tuổi, anh chuyển đến London để đoàn tụ với mẹ mình, người đang sống ở Anh. Anh đến Úc sau đại học trong một năm để du lịch bụi và chuyển đến New Zealand. Khi trở lại London, anh bắt đầu tập thể hình trước khi trở thành huấn luyện viên chạy bộ.
Trải nghiệm phân biệt chủng tộc đầu tiên của anh xuất hiện ngay sau khi chuyển đến London, khi một số người đổi chỗ trên xe buýt sau khi anh ngồi cạnh họ. “Trước khi tới London, tôi không biết phân biệt chủng tộc là gì và tôi không hiểu nó, vì không có ai giải thích cho tôi. Ở Châu Phi hay ở Uganda, chúng tôi không gặp phải những vấn đề đó”.
Sau Ethiopia, thách thức lớn tiếp theo là Sudan, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di dời nội bộ lớn nhất thế giới. “Sudan nằm ở sa mạc Sahara. Điều đó khá đáng lo ngại khi có được những thứ tôi cần như nước. Và tôi thậm chí không chắc mình có thể vào Sudan được hay không do cuộc xung đột. Biên giới vẫn chưa bị đóng cửa, nhưng người nước ngoài không nên đến đây vào lúc này. Tình hình có thể thay đổi khi chúng tôi đến biên giới Sudan” - anh Kato nói.
Những trục trặc về giấy tờ và quan liêu dọc chuyến đi đã dựng lên những rào cản hiện hữu cho những người muốn di dời khỏi đất nước. “Ngày nay rất nhiều người đang yêu cầu một châu Phi thống nhất và không biên giới. Có một số quốc gia không yêu cầu visa, chẳng hạn như Kenya. Tôi tin rằng điều đó đồng nghĩa với cơ hội tốt hơn cho tất cả mọi người”, anh cho biết.