Nâng cao sức đề kháng
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sữa trước sức ép hội nhập, các doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến để nâng quy mô, chất lượng, giảm giá thành sản xuất.
Theo ông, ở Việt Nam, giá thành sản xuất 1kg sữa tươi mất khoảng 65 cent (khoảng 14.000 đồng), nhưng ở New Zealand với lợi thế đồng cỏ rộng lớn, họ chỉ mất khoảng 30-32 cent.
Ông Chinh cũng cho hay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), và chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi về mặt tổng thể quốc gia, tính đến lợi ích chung, chứ không phải lợi ích riêng của từng ngành hàng. Hiện tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu cả nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng nội địa, vì thế ngành sữa còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Do đó, cần tiếp tục phát triển chăn nuôi bò sữa theo vùng trọng điểm và đầu tư các nhà máy chế biến sữa hiện đại. Trong Ðề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, sẽ phát triển đàn bò sữa cả nước lên trên 500 nghìn con, với sản lượng sữa đạt 1,3 triệu tấn.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HÐQT, TGÐ Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk) cho rằng, “sân chơi” hội nhập nói chung và TPP nói riêng, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam không có ưu thế bằng Mỹ, New Zealand, Úc…bởi họ có quỹ đất lớn, công nghệ hiện đại.
Những “ông lớn” trên của ngành sữa thế giới có diện tích nuôi bò lên tới hàng trăm nghìn ha với khoảng 4-5 triệu con bò sữa, vì thế giá thành rẻ hơn và sản phẩm sữa đã nổi tiếng khắp thế giới.
Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, quá trình hội nhập và cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nên doanh nghiệp và nông dân phải gắng sức, hợp lực cùng nhau “tác chiến” để nâng cao “sức đề kháng”. Trên thực tế, Mocchaumilk đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Ðó là nâng dần quy mô chăn nuôi nông hộ để tăng khả năng ứng dụng cơ giới hóa; áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Mộc Châu, năng suất sữa tươi hiện đạt 7,4 tấn/chu kỳ và mục tiêu trong 5 năm tới, sẽ tăng lên 8 tấn/chu kỳ. Lúc đó, giá thành sữa sẽ giảm xuống. Sữa tươi vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam với chi phí bảo quản khá lớn nên DN trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng hơn.
Theo ông Chiến, Mộc Châu sẽ tăng quy mô đàn từ 35con/hộ hiện nay lên 45-50 con/hộ, trong đó khoảng 30% nhóm hộ nuôi quy mô lớn khoảng 100-200 con/hộ. Cùng với đó, công ty đẩy mạnh đào tạo nhân lực trong các vấn đề như chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng, quản trị, áp dụng các chính sách bảo hiểm vật nuôi, giá sữa…
“Trọng tâm của chúng tôi vẫn là chăn nuôi nông hộ và thực tế nhiều nước như Mỹ, Canada… cũng đều như vậy. Hiện quy mô chăn nuôi bò sữa tại các nông hộ ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Canada cũng chỉ từ 100 - 300 con/hộ. Mocchaumilk sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ sở chế biến sữa và thức ăn; tăng cường liên kết vùng với nông dân các khu vực lân cận”- ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng tiết lộ, Mộc Châu sẽ nâng tổng đàn trên 20.000 con hiện nay lên khoảng 35.000 con bò sữa trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty cũng xác định phải đa dạng hóa các sản phẩm sữa bán ra thị trường, trong đó Mộc Châu sẽ tiến tới sản xuất sữa hữu cơ.
Mở rộng liên kết, tăng thu nhập cho nông dân
Ðể ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước đứng vững trước thách thức hội nhập, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải có nhiều giải pháp tổng thể. Trong đó, từ quy hoạch đồng cỏ, nguồn thức ăn chăn nuôi tới các nhà máy chế biến và liên kết với nông dân.
Tại Mộc Châu, mô hình chăn nuôi khoán theo hộ đã triển khai nhiều năm qua, được đánh giá thành công nhất cả nước hiện nay. Tổ chức sản xuất sữa ở Mộc Châu là mô hình khép kín: Từ khâu trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, vắt sữa, tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sữa trên thị trường.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, được hỗ trợ tối đa từ công ty, nên nhiều gia đình, nhất hộ gia đình không ngại mở rộng quy mô đàn. Và để tạo nguồn cung cấp thức ăn bền vững khi tăng đàn, Mocchaumilk đang thực hiện có hiệu quả việc liên kết với nông dân để trồng ngô làm thức ăn ủ ướp.
Mộc Châu sẽ nâng tổng đàn trên 20.000 con hiện nay lên khoảng 35.000 con bò sữa trong thời gian tới
Ông Trần Công Chiến cho biết: “Tại sao Mộc châu thành công, không phải 1.000 ha đất nuôi được 20.000 con bò hiện nay, mà chúng tôi liên kết với bà con trong vùng và đã thực hiện liên kết 6-7 năm nay rồi”.
Theo tính toán, giá ngô hạt khoảng 5.000 đồng/kg, với năng suất trung bình khoảng 6 tấn/ha, thu nhập chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá ngô cây không dưới 1.200 đồng/kg. Nếu bà trồng tốt sẽ cho khoảng 60 tấn/ha, thu được 72 triệu đồng; đến vụ Thu thu được 30 tấn/ha nữa, cho khoảng 30 triệu đồng nữa, như vậy bà con có thể thu tầm 100 triệu đồng/ha/năm.
Theo UBND huyện Mộc Châu, hiện diện đất cho phát triển đàn bò sữa ở Mộc Châu là 1.000 ha, nhưng vùng mở rộng liên kết đã hơn 2.000 ha. Do trồng ngô làm thức ăn ủ ướp cho thu nhập cao hơn, nên việc chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang lấy thân chuyển biến rõ rệt.
Ông Chiến cho biết, mỗi con bò cần khoảng 8 tấn ngô ủ ướp/năm, và người dân trong vùng liên kết đang cung cấp khoảng 60% trong số đó với khoảng 130-140 nghìn tấn trong năm 2016.
Thực tế, các chương trình trên đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong vùng với thu nhập khá. Việc liên kết với các nông dân ngoài công ty trong vùng đã giúp hoàn thiện hơn chu trình chăn nuôi của Công ty với chủ trương “thức ăn vào trong công ty, bò sữa ra ngoài công ty”.
Lãnh đạo huyện Mộc Châu cho biết, huyện sẽ hỗ trợ bà con một phần giống khi chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô làm thức ăn ướp, ngoài ra Mocchaumilk sẽ hỗ trợ thêm.
Trong dịp 14-15/10 Mộc Châu lại nô nức với hội thi “Hoa hậu bò sữa” truyền thống lần thứ 13 năm 2016. Ðây cũng là dịp để nhằm tôn vinh người chăn nuôi, thúc đẩy các hộ nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra dòng bò hạt nhân cao sản, đẹp nhất về hình thể, đạt mức sinh trưởng cao và cho sản lượng sữa cao nhất. Dịp này, tập thể Mocchaumillk và cá nhân Chủ tịch Trần Công Chiến vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng.